Bùng nổ đầu tư kỹ thuật số ở Đông Nam Á
Ngày càng nhiều "ông lớn" công nghệ đổ bộ đến Đông Nam Á, làm nóng cuộc cạnh tranh công nghệ số trong khu vực.
>> Nhật Bản đẩy mạnh hỗ trợ Đông Nam Á chống biến đổi khí hậu
Amazon Web Services cho biết họ sẽ đầu tư 12 tỷ đô la Singapore (khoảng 9 tỷ USD) để mở rộng cơ sở hạ tầng số tại Singapore. Dự kiến động thái này "làm nóng" thị trường kỹ thuật số Đông Nam Á.
Đơn vị điện toán đám mây của Amazon cho biết khoản đầu tư này sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm tính đến năm 2028, cho việc xây dựng, vận hành và bảo trì các trung tâm dữ liệu cũng như trang trải các chi phí vận hành khác.
Giám đốc quốc gia AWS Priscilla Chong cho biết thêm: “Khoản đầu tư này sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa khắp Singapore bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng dịch vụ đám mây”.
Amazon là "ông lớn" công nghệ tiếp theo tham gia vào thị trường số Đông Nam Á sau khi đối thủ Microsoft mới công bố hàng loạt khoản đầu tư vào khu vực. Trong chuyến công tác vào tuần trước, CEO Microsoft Satya Nadella tuyên bố sẽ đầu tư 1,7 tỷ USD vào Indonesia và 2,2 tỷ USD khác vào Malaysia cho cơ sở hạ tầng đám mây và AI, cũng như mở một trung tâm dữ liệu mới ở Thái Lan.
Có thể thấy, xu hướng các công ty công nghệ lớn tăng đầu tư tại Đông Nam Á đang biến khu vực này trở thành "điểm nóng". Báo cáo của Google, Temasek Holdings và công ty tư vấn Bain & Co của Mỹ đánh giá nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ của Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, và là một trong số ít khu vực trên thế giới có sự cạnh tranh trực tiếp của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ và Trung Quốc.
Cùng với những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Microsoft, Google, Amazon và Meta, Singapore là nơi đặt trụ sở khu vực của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như bộ phận dịch vụ đám mây của Alibaba và TikTok.
>> Thị trường công nghệ Đông Nam Á "sôi động" giữa cạnh tranh Mỹ - Trung
Với một chính phủ ổn định, đội ngũ kỹ sư tài năng dồi dào và cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, Singapore đã trở thành trung tâm quan trọng cho các công ty công nghệ trên toàn cầu. Quốc gia này cung cấp sức mạnh điện toán to lớn cho nền kinh tế kỹ thuật số đang mở rộng nhanh chóng của Đông Nam Á và là nơi chiếm gần một nửa công suất trung tâm dữ liệu trong khu vực.
Vì vậy, vào tháng 7 năm ngoái, khi Singapore công bố kết quả cuộc đấu thầu xây dựng trung tâm dữ liệu mới đã nhận được sự quan tâm lớn. Theo giới quan sát, quốc gia này đã nhận được hơn 20 đề xuất từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm từ tập đoàn viễn thông khổng lồ NTT của Nhật Bản và các doanh nghiệp trong nước.
Được biết, các doanh nghiệp Mỹ đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực dịch vụ đám mây và phần mềm doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đang dẫn đầu về số lượng người tiêu dùng ở nhiều khía cạnh.
Chuyên gia James Lewis của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), cho biết: “Có sự phân chia ở Đông Nam Á giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc cung cấp".
Một điểm đáng chú ý rằng cuộc cạnh tranh kỹ thuật số ở Đông Nam Á đang bước vào một giai đoạn mới. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ số là có các trung tâm dữ liệu và điện toán khổng lồ cần thiết để phát triển, đào tạo và vận hành thế hệ AI tiếp theo – thứ có thể thay đổi thế giới.
Chuyên gia Lewis cho rằng, dịch vụ đám mây là một lĩnh vực ngày càng mang tính chiến lược trên toàn cầu. Doanh thu cơ sở hạ tầng đám mây của Đông Nam Á đã tăng lên 2,18 tỷ USD vào năm 2022, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Singapore chiếm khoảng một nửa trong tổng số, trong khi Philippines, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm trên 30%, vượt xa các thị trường khác trong khu vực châu Á và trên toàn cầu.
Tuy nhiên, với bối cảnh kỹ thuật số thay đổi quá nhanh, rất khó để đánh giá xu hướng và sự phát triển nào sẽ giúp đưa ra quyết định trong tương lai và ngành nào sẽ mang lại nhiều hứa hẹn nhất. Các chuyên gia cho rằng, với các doanh nghiệp toàn cầu đang tìm cách mở ra những cơ hội tại Đông Nam Á, sẽ cần phải có những cách suy nghĩ và kinh doanh mới.
Như Donna Webster, Giám đốc Phát triển Năng lực tại Asialink Business nhận định, các doanh nghiệp cần tăng cường sự hiện diện và tích cực lắng nghe tốt hơn nhu cầu, những diễn biến quan trọng và nguyện vọng của các quốc gia Đông Nam Á.
"Đông Nam Á là một khu vực sôi động, năng động và đa dạng, chắc chắn đây không phải là một thị trường đồng nhất. Để thành công, trước tiên các doanh nghiệp cần phải hiểu được bối cảnh, từ đó nghiên cứu và lập kế hoạch, đồng thời lựa chọn thị trường mục tiêu của mình để mang lại hiệu quả tối ưu", Webster nói.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường công nghệ Đông Nam Á "sôi động" giữa cạnh tranh Mỹ - Trung
03:30, 05/05/2024
"Mùa đông gọi vốn" của startup Đông Nam Á vẫn kéo dài
03:00, 04/05/2024
Nhật Bản nỗ lực đẩy mạnh LNG vào Đông Nam Á
03:30, 03/05/2024
Đông Nam Á đối mặt vấn đề nan giải trong ứng phó biến đổi khí hậu
03:00, 26/04/2024