Trọng tài thương mại - Phương thức hữu hiệu để giải quyết tranh chấp quốc tế

Bài & Ảnh: YẾN NHUNG 09/05/2024 03:00

Để hỗ trợ cho thương mại và đầu tư song phương Việt Nam - Trung Quốc bền vững, Trọng tài được đánh giá là phương thức hữu hiệu để giải quyết tranh chấp trong các giao dịch thương mại quốc tế.

>> Trọng tài và các phương thức ADR đóng vai trò ngày càng quan trọng

Đây là chia sẻ của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Hội thảo “Trọng tài quốc tế: Thuận lợi hóa Thương mại và Đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam” được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CIETAC) tổ chức ngày 8/5/2024 tại Hà Nội.

Hội thảo “Trọng tài quốc tế: Thuận lợi hóa Thương mại và Đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam” được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CIETAC) tổ chức

Hội thảo “Trọng tài quốc tế: Thuận lợi hóa Thương mại và Đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam” do VIAC phối hợp với CIETAC tổ chức

Phát biểu khai mạc, ông Lộc cho biết, mặc dù thế giới đã và đang có nhiều biến động nhất là từ năm 2018 cho tới nay nhưng Trung Quốc và Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong nhiều hoạt động thương mại và đầu tư song phương.

Nhiều báo cáo về kinh tế đã chỉ ra dư địa hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc còn rất lớn. Việt Nam còn nhiều cơ hội khai thác thị trường rộng lớn của Trung Quốc, nhất là xuất khẩu nông sản. Năm 2023, Việt Nam đã đạt kỷ lục xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, riêng các mặt hàng rau quả đã đạt gần 3,6 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Trung Quốc lên tới 15 tỷ USD năm 2023 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2030, nên dự địa khai thác thị trường này còn rất lớn. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm năng mở rộng và đầu tư dài hạn tại Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, khai khoáng, năng lượng mới...

Để hỗ trợ cho thương mại và đầu tư song phương bền vững, cần chú trọng tới việc hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động phòng ngừa, quản lý rủi ro hợp đồng, xử lý hiệu quả các tranh chấp trong các giao dịch thương mại và các hoạt động đầu tư để thúc đẩy các giao thương và đầu tư giữa hai phía.

>> Tăng cường kỹ năng chuyên môn của trọng tài viên đáp ứng thực tiễn thị trường

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Theo Chủ tịch VIAC, trọng tài thương mại quốc tế đã được công nhận rộng rãi trên thế giới, đây là một phương thức hữu hiệu giúp giải quyết các giao dịch xuyên biên giới.

“Trọng tài thương mại quốc tế là một cơ chế tư, lập nên bởi chính các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để phục vụ các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch có bản chất hợp đồng. Trọng tài quốc tế có vai trò trung lập, thực hiện giải quyết tranh chấp thương mại không cần thông qua các thủ tục dân sự tại các tòa án quốc gia, thủ tục trọng tài thương mại có tính chất bảo mật, hiệu quả về thời gian và chi phí; có khả năng thi hành toàn cầu theo cơ chế của Công ước New York 1958”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Wang Chengjie, Đại diện CIETAC nhấn mạnh, những năm gần đây, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam cũng cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Trong hoạt động kinh tế, thương mại bên cạnh những hoạt động giao thương thường sẽ đi kèm với tranh chấp. Đặc biệt trong hợp tác kinh tế, thương mại xuyên biên giới việc xảy ra tranh chấp lại càng dễ xảy ra hơn do có sự khác biệt về hệ thống chính trị, pháp luật và ngôn ngữ.

Cụ thể đối với các chuỗi giao dịch cung ứng, do đặc điểm tự nhiên là có nhiều người tham gia, liên vùng và nhiều liên kết khác nên dễ hình thành rủi ro chuỗi cung ứng hơn, có thể tạm chia thành hai loại: rủi ro nội bộ và rủi ro bên ngoài. Rủi ro nội bộ phát sinh từ sự tương tác giữa các thành phần tạo nên hệ thống chuỗi cung ứng. Rủi ro bên ngoài đến từ sự tương tác giữa chuỗi cung ứng và môi trường bên ngoài. Những rủi ro này chủ yếu bao gồm tác động của rủi ro kinh doanh, thay đổi chính sách và các trường hợp bất khả kháng như thiên tai.

Đại diện CIETAC cho rằng, với những ưu điểm vượt trội so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, trọng tài là phương thức phổ biến để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, nó đã trở thành phương thức nhận đc đồng thuận trong giới và nên được coi trọng hơn bởi các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam.

“Trọng tài không chỉ có trình độ chuyên môn cao, tính chuyên nghiệp trong một lĩnh vực cụ thể mà còn có tốc độ giải quyết tranh chấp, quyết định cuối cùng và có thể giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả về mặt chi phí…”, ông Wang Chengjie nhận định.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với VIAC nhiều hơn nữa trong tương lai để có thể đóng góp cho nền kinh tế và xã hội cũng như đóng góp cho hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Trọng tài và các phương thức ADR đóng vai trò ngày càng quan trọng

    Trọng tài và các phương thức ADR đóng vai trò ngày càng quan trọng

    00:06, 12/01/2024

  • Tăng cường kỹ năng chuyên môn của trọng tài viên đáp ứng thực tiễn thị trường

    Tăng cường kỹ năng chuyên môn của trọng tài viên đáp ứng thực tiễn thị trường

    10:59, 01/12/2023

  • Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao: Ưu tiên sử dụng trọng tài trong tranh chấp thương mại

    Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao: Ưu tiên sử dụng trọng tài trong tranh chấp thương mại

    13:21, 07/11/2023

  • Sẽ có “trọng tài” giám sát giao dịch trực tuyến

    Sẽ có “trọng tài” giám sát giao dịch trực tuyến

    03:45, 27/06/2023

  • Xử lý tranh chấp xây dựng bằng trọng tài

    Xử lý tranh chấp xây dựng bằng trọng tài

    00:06, 13/05/2023

Bài & Ảnh: YẾN NHUNG