"Đánh thức" tiềm năng sông Sài Gòn
Yếu tố “xanh” sẽ trở thành trọng tâm cho tất cả các ngành kinh tế, bao gồm cả ngành bất động sản.
>> Đề xuất chia sông Sài Gòn thành 4 phân khu để phát triển
Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Trà – Giám đốc dự án Quy hoạch chiến lược phát triển hành lang sông Sài Gòn thuộc AVSE Global với DĐDN về vấn đề này.
- Đâu là những căn cứ để xây dựng đề xuất Quy hoạch này, thưa bà?
Khi đánh giá một dự án, quan trọng nhất là xem xét các tác động thực tế và tiềm năng mà dự án đó mang lại. Qua đó, đề xuất Quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân xung quanh và bảo tồn giá trị văn hóa của các khu vực dọc con sông này. Với triết lý này, đề xuất Quy hoạch mong muốn thành phố có một chiến lược phát triển có tính bền vững, đồng thời tôn trọng sự hài hòa giữa thiên nhiên và lợi ích của cộng đồng.
Nói một cách khác, chúng tôi muốn sự cân bằng giữa tác động kinh tế, xã hội và môi trường. Một điểm nữa là bảo đảm yếu tố “mở” trong quy hoạch của thành phố. “Mở” có nghĩa là cần dự trù một không gian nhất định để những quy hoạch trong tương lai có không gian để tiếp nối. Ví dụ, quy hoạch của sông Seine từ những năm 1980 cho tới 2000, nhưng đến bây giờ nó vẫn tiếp tục dựa trên quy hoạch đó và phát triển. Nếu để quy hoạch “đóng”, đôi khi trong tương lai có những thứ không còn phù hợp nữa và sẽ tốn những nguồn lực để bỏ đi.
Để đạt được những điểm này, một yếu tố rất quan trọng là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo TP.HCM, là tiền đề vững chắc để đem lại bộ mặt mới cho TP.HCM. Bên cạnh đó, vai trò của chính người dân cũng rất lớn. Việc phát huy được giá trị và lợi ích của quy hoạch mới hay không phụ thuộc vào người dân; khi họ thấy có thể hưởng lợi trong đó thì họ mới dốc sức đóng góp để làm cho thành phố phát triển hơn.
- Kinh nghiệm quy hoạch của các con sông lớn trên thế giới như sông Seine sẽ phù hợp với sông Sài Gòn?
Kinh nghiệm quy hoạch lại sông Seine từ năm 1980 – 2020, có một nhiệm vụ là chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ công nghiệp nặng sang hình thức đô thị hỗn hợp. Những khu đất này từng là các nhà máy sản xuất xe hơi của Renault hay Citreon, nhưng sau quy hoạch họ sẽ chuyển công năng thành công viên sinh thái hoặc nơi tổ chức các showroom cho công ty. Bằng cách này, thay vì gây ô nhiễm công nghiệp, người dân cũng được hưởng lợi trong khi doanh nghiệp cũng nâng cao được hình ảnh.
Yếu tố “mở” trong quy hoạch có thể lấy ví dụ từ quy hoạch 2 bên bờ sông - nổi bật là nơi dành cho dân trí thức mới và rất nhiều hoạt động xoay quanh giao lưu trí thức mới hoặc nghệ thuật. Với chức năng đấy, khu vực này cho đến tận bây giờ quy hoạch đấy vẫn tiếp tục. Ví dụ, 5 năm trở lại đây thì quy hoạch thêm việc xóa bỏ xe cơ giới ven sông, như xe ô tô hoặc xe máy. Vào mùa hè, chính quyền đổ cát một khu vực ven sống để tạo thành bãi biển và cho người dân phơi nắng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí cộng đồng.
>> TP.HCM và 7 chiến lược phát triển đô thị dọc bờ sông Sài Gòn
Từ những điều đó, những giá trị kinh tế cũng được sản sinh ra, ví dụ như thu hút thêm khách du lịch và chính bản thân người dân thành phố cũng đóng góp vào sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch thành phố.
Với bài học đó, các khu vực ven sông Sài Gòn cũng có thể được chuyển đổi các công năng sử dụng như thế và tạo ra các giá trị xã hội và thương mại hay du lịch.
- Quy hoạch này sẽ tác động thế nào đến các động lực kinh tế của thành phố, thưa bà?
Về tiềm năng kinh tế, sông Sài Gòn có thể đẩy mạnh kinh tế dịch vụ địa phương, như các hoạt động du lịch sông nước, văn hóa, giải trí. Kinh tế dịch vụ có thể dẫn dắt đà phát triển của các tỉnh lân cận như Bình Dương hay Tây Ninh và đóng góp vào sự phát triển thương mại dịch vụ kinh doanh logistics của cả vùng.
Một động lực khác sẽ là kinh tế xanh và kinh tế số. Hiện giờ ở các tỉnh xung quanh TP.HCM chưa đủ nguồn lực về con người và nguồn vốn. Quy hoạch trong tương lai sẽ giúp TP.HCM phát triển trở thành “vùng lõi” và trở thành đầu tàu kéo theo sự phát triển hạ tầng giao thông và bất động sản của cả vùng xung quanh.
Yếu tố xanh sẽ trở thành trọng tâm cho tất cả các ngành kinh tế, bao gồm cả ngành bất động sản. Ngay từ bây giờ, một số doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu quan tâm tới việc làm cách nào để tích hợp các dự án của họ vào môi trường xung quanh một cách hài hòa và thuận với tự nhiên nhất, ví dụ như xung quanh khu vực Thanh Đa của sông Sài Gòn.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn nối các tỉnh: “Bài toán” quy hoạch
01:20, 22/08/2023
Cát tặc lộng hành trên sông Sài Gòn
01:03, 13/08/2022
TP HCM sẽ đầu tư tuyến đường dọc theo sông Sài Gòn
11:55, 20/01/2022
Cần nghiên cứu kỹ dự án đường ven sông Sài Gòn
05:00, 03/04/2021
Tặng ý tưởng và bản quyền dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn và Sài Gòn New City
08:34, 28/05/2020