Tây Ninh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu chỉ số PCI 2023
Với 67,8 điểm, Tây Ninh xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI tốt nhất cả nước năm 2023.
Sáng 9/5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2023 và chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023.
>> Đưa Tây Ninh trở thành “nơi đáng đến và đáng sống”
Theo Bảng xếp hạng chỉ số PCI 2023 của các địa phương trên cả nước, với 71,25 điểm, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI; giữ vị trí á quân là Long An; các vị trí tiếp theo là Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp...
Tây Ninh xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI tốt nhất cả nước với 67,8 điểm. Hầu hết điểm số các chỉ số thành phần PCI 2023 của tỉnh đều tăng so với năm 2022, nổi bật như chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động…
Đối với chỉ số PGI 2023, Tây Ninh xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; cả 4 chỉ tiêu thành phần đều có sự cải thiện rõ nét so với năm 2022, gồm: giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai, bảo đảm tuân thủ, thúc đẩy thực hành xanh, chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, Tỉnh đã thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhất là các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên môi trường…; Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần giảm thiểu thời gian cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Để tạo động lực cho các thành phần kinh tế phát triển, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận về vốn, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, phát triển thương mại dịch vụ… hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội gắn kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời, bám sát xu hướng chuyển đổi nền kinh tế chung của Việt Nam, đó là kinh tế xanh, kinh tế số…
Trong thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược trên các lĩnh vực. Tập trung triển khai quy hoạch của tỉnh, đồng thời hoàn thành đúng tiến độ các quy hoạch xây dựng- nhất là quy hoạch về đô thị, quy hoạch về công nghiệp, quy hoạch về khu kinh tế cửa khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai các dự án trọng điểm theo đúng tiến độ, thực hiện giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định…
"Tây Ninh tiếp tục cải cách hành chính, chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, chuyên nghiệp, thân thiện, có tính cạnh tranh cao, để Tây Ninh luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế" - ông Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm