Tầm nhìn mới cho quan hệ Việt - Pháp
Pháp đẩy mạnh chiến lược “tái công nghiệp hóa” nhằm đưa nền công nghiệp quốc gia có tính đổi mới cao hơn. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt - Pháp sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn.
>> Cơ hội nào cho Việt Nam trong tầm nhìn mới của Pháp?
DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Laurent Saint-Martin, Tổng giám đốc Cơ quan thương vụ Pháp (Business France) xung quanh vấn đề này.
- Doanh nghiệp Pháp đang hoạt động ra sao tại Việt Nam? Đâu là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của họ tại Việt Nam, thưa ông?
Quan hệ Việt - Pháp ngày càng phát triển. Hiện tại, đã có rất nhiều doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam. Pháp đang là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 2 tại Việt Nam, tạo việc làm cho khoảng 25.000 người tại đây. Quy mô đầu tư cũng rất đa dạng. Trong đó, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cả những doanh nghiệp rất lớn của Pháp, như nhóm CAC 40 - các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Paris - đều có sự hiện diện tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam có hai nhóm lớn. Nhóm thứ nhất tham gia vào những dự án lớn triển khai tại Việt Nam, như trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà dự án Metro số 3 tại Hà Nội là một ví dụ. Nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế hoặc lắp ráp tại Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác, như Savvycom…
- Được biết Business France là cơ quan hỗ trợ kinh doanh quốc tế của Pháp và thu hút đầu tư nước ngoài vào Pháp. Vậy Business France có chiến lược hoạt động như thế nào tại Việt Nam, thưa ông?
Business France sẽ tập trung làm việc với các công ty có quy mô nhỏ để hỗ trợ họ xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể đa dạng các hoạt động khác nữa như đặt trụ sở phát triển công nghiệp tại Việt Nam, thì chúng tôi cần có sự hỗ trợ của các đối tác khác, trong đó có vai trò của các văn phòng luật sư của Pháp tại Việt Nam để hỗ trợ pháp lý.
Chúng tôi luôn ủng hộ Việt Nam tiếp tục tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Pháp, nhưng cũng mong muốn đưa các sản phẩm xuất khẩu của Pháp vào thị trường Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Có tiềm năng rất lớn cho các sản phẩm Pháp tại Việt Nam trước sư thay đổi của thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam. Chúng tôi sẽ hướng tới phát triển những thị trường mà Pháp đã có vị trí nhất định ở Việt Nam, như thực phẩm, công nghiệp thực phẩm hay sắp tới là những lĩnh vực có hàm lượng sáng tạo cao hay giảm phát thải carbon.
- Việt Nam đang quan tâm tới nhiều lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh, như chuyển đổi số, năng lượng bền vững hay cơ sở hạ tầng viễn thông. Ông đánh giá ra sao về triển vọng hợp tác song phương trong các lĩnh vực này?
Cách đây hai năm, chính phủ Pháp đã đưa ra một chiến lược đầu tư - được gọi là France 2030 - với ngân sách 54 tỷ EUR hướng tới phát triển những công nghệ mới và đột phá, trong đó bao gồm những lĩnh vực như kinh tế số, năng lượng nguyên tử bền vững hay viễn thông.
Chiến lược này nằm trong một quá trình được gọi là “tái công nghiệp hóa” của nước Pháp, với mục tiêu đưa nền công nghiệp quốc gia có tính đổi mới cao hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, mang tính sinh thái cao hơn, có nghĩa giảm phát thải carbon xuống mức thấp nhất.
>> Điểm nhấn mới cho hợp tác quốc phòng Việt- Pháp
Chúng tôi nhìn nhận Việt Nam là một đối tác hết sức tiềm năng với tầm nhìn đó. Bên cạnh đó, các sản phẩm của Pháp cũng rất được ưa chuộng trong bối cảnh tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng lớn hơn.
Ngoài ra, chiến lược quốc gia của Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với các mục tiêu được đề ra trong chính sách France 2030. Có rất nhiều các doanh nghiệp Pháp đã và đang tham gia vào tiến trình này của Việt Nam.
Từ phía Pháp cũng có những chương trình hỗ trợ lên tới 1,2 tỷ EUR để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đi theo hướng này. Trên cơ sở những ưu tiên của nước đối tác, chúng tôi sẽ đề ra những chương trình hợp tác, trong đó có sự tham gia của cả chủ thể công và tư. Chẳng hạn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Pháp là một trong những nước đi đầu từ rất lâu. Hay một lĩnh vực khác là hydrogen hóa xanh.
- Pháp đang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực nào? Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì để hoạt động hiệu quả tại Pháp, thưa ông?
Chúng tôi luôn mong muốn và hỗ trợ những doanh nghiệp Việt Nam đã có đầu tư vào Pháp như Vinfast, FPT hay Vietnam Airlines tiếp tục đầu tư để phát triển tại Pháp. Trong giai đoạn “tái công nghiệp hóa” này, Business France rất kỳ vọng các doanh nghiệp ở Việt Nam quan tâm hơn đến những dự án sản xuất tại Pháp để cung cấp cho thị trường châu Âu.
Những lĩnh vực ưu tiên trong thu hút đầu tư của Pháp tập trung vào các hoạt động góp phần giảm phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, tham gia vào những chuỗi giá trị hướng tới tương lai, ví dụ như sản xuất pin cho các loại xe điện hay lĩnh vực bán dẫn.
Điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi đầu tư vào Pháp cũng chính là đầu tư vào châu Âu, bởi Pháp là trung tâm và cửa ngõ của cả khu vực. Vì vậy, các chiến lược đầu tư vào thị trường này phải hướng tới thị trường chung của châu Âu, chứ không phải riêng nước Pháp.
Đặc biệt, Pháp rất khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, và chúng tôi cũng đưa ra các khoản ưu đãi thuế phục vụ các doanh nghiệp theo hướng này. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích.
- Trân trọng cám ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Việt - Pháp nỗ lực thúc đẩy hợp tác
10:11, 21/10/2023
Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp: Kết nối chính quyền, nhà đầu tư và doanh nghiệp
17:51, 15/04/2023
Câu chuyện gìn giữ di sản: thắt chặt thêm mối quan hệ Việt - Pháp
22:53, 14/02/2023
Kết nối giao thương doanh nghiệp hồ tiêu Việt - Pháp
12:05, 16/10/2022
Đối thoại Việt - Pháp cấp cao về các vấn đề chiến lược và hợp tác quốc phòng
12:29, 16/04/2022