Căng thẳng Trung Quốc và Âu - Mỹ (Kỳ 1): "Đổ vỡ" trục thương mại
Mối quan hệ thương mại rường cột của thế giới giữa Trung Quốc - châu Âu - Mỹ đang trên đà đỗ vỡ. Sự thay đổi này đặt ra yêu cầu gì với các nền kinh tế mới nổi?
>> Nhiều doanh nghiệp châu Âu “khó thở” tại Trung Quốc
Năm 2024 đã chứng kiến nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt của dòng chảy thương mại toàn cầu, phản ánh những thay đổi trong bối cảnh mới, tái cấu trúc trật tự thương mại, quan hệ ngoại giao song phương và đa phương. Điều đó cũng đặt ra những đòi hỏi cấp bách với các nền kinh tế mới nổi.
Sự kiện thứ nhất: Vào cuối năm 2023, Trung Quốc đã mất ngôi vị quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, nhường vị trí số 1 cho Mexico. Theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, nước này chi tổng cộng 427,2 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào năm ngoái, giảm khoảng 20% so với năm trước đó.
Sự kiện thứ hai: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 8 năm gần đây, nhưng đã mất vị trí này vào tay Mỹ trong quý I/2024. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đức và Mỹ đạt tổng trị giá 63 tỷ euro (68 tỷ USD) từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2024. Trong khi đó, thương mại giữa Đức và Trung Quốc chỉ đạt dưới 60 tỷ euro.
Các chuyên gia chỉ ra: Sự thay đổi này là kết quả của một số yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ đã thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm của Đức. Đồng thời, việc tách khỏi Trung Quốc, nhu cầu nội địa yếu hơn ở Trung Quốc và việc Trung Quốc có thể sản xuất hàng hóa mà trước đây họ nhập khẩu từ Đức (chủ yếu là ô tô) đã làm giảm xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ và các công ty Đức đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các công ty Trung Quốc được trợ cấp. Nhưng sự khác biệt chính là hiện nay Mỹ cũng đang trở nên quan trọng hơn trong lĩnh vực nhập khẩu.
Berlin đã theo đuổi một chiến lược mới đối với Trung Quốc, kêu gọi các công ty “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc vào năm ngoái. Chính phủ nước này nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ vẫn là đối tác của Đức và không nên có sự “tách rời” - nhưng “mâu thuẫn có hệ thống” ngày càng đặc trưng hơn cho mối quan hệ giữa hai nước.
Ví dụ, căng thẳng cũng gia tăng giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc, khi hai bên tiến hành điều tra các hoạt động thương mại của nhau và đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu. Tháng trước, một cuộc khảo sát của Viện Kinh tế Đức (IFO) cho thấy số lượng công ty phụ thuộc vào Trung Quốc đã giảm từ 46% vào tháng 2/2022 xuống còn 37% vào tháng 2/2024.
>>Mỹ muốn “làm lành” kinh tế với Trung Quốc?
Việc Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức thực sự là minh họa rõ nét cho sự thay đổi mô hình thương mại và sự tách rời dần dần khỏi Trung Quốc. Các nền kinh tế ở Tây bán cầu có xu hướng xích lại gần nhau. Điều này phản ánh đúng bản chất môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay, chủ nghĩa dân tộc lên ngôi, sự khu biệt đang nổi lên thành xu hướng.
Đổi lại, hiện tượng trên cũng cho thấy khả năng tự chủ ngày càng lớn hơn của Trung Quốc, họ tự sản xuất nhiều sản phẩm phức tạp mà trước đây phải nhập khẩu từ Đức và Mỹ. Sự thoái lui của cường quốc châu Á trên sân chơi thương mại toàn cầu còn cho thấy rõ hơn nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô mà họ gặp phải, đó là giảm phát, dư thừa công suất, nhu cầu nội địa yếu.
Tuy nhiên, sự tách rời này là hướng đi tất yếu nếu Bắc Kinh muốn trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa để dẫn đầu một chuỗi cung ứng độc lập. Giảm phụ thuộc Mỹ, hạn chế nhập khẩu từ châu Âu cũng là ngăn chặn những mối đe dọa trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm