Nghịch lý trong thuê đất tại cụm công nghiệp Quảng Nam
Nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn trong thuê đất để hoạt động tại các cụm công nghiệp, trong khi đó, có doanh nghiệp được thuê đất lại không hoạt động.
>>Quảng Nam lên kế hoạch cụ thể trong thu hút đầu tư
Đến nay, Quảng Nam đang có 58 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1638,15ha. Trong đó, có 53 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết, diện tích đất công nghiệp khoảng 1.071,43ha/ 1.467,90ha tổng diện tích.
Doanh nghiệp thuê đất rồi hoạt động dở dang
Mới đây, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An đã ký báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình sản xuất kinh doanh và tiến độ đầu tư dự án của Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam tại Cụm công nghiệp Thanh Hà. Cụ thể, Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện dự án nhà máy sản xuất tinh dầu và thảo dược tại Cụm công nghiệp Thanh Hà, phường Thanh Hà, TP. Hội An.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 doanh nghiệp này được bố trí 2.500 m2 và giai đoạn 2 bố trí 5.000 m2. Năm 2019, Công ty đã đưa dự án giai đoạn 1 đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trà thảo mộc, cà phê và phát triển thành địa điểm kết nối tour tham quan, phát triển bán hàng và xuất khẩu tại chỗ,...
Tuy nhiên, đến năm 2020 Công ty này tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến năm 2022, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kinh tế từng bước phục hồi, TP. Hội An đã gửi văn bản đôn đốc, tổ chức buổi làm việc và đề nghị Công ty tiếp tục vận hành lại dự án giai đoạn 1, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án mở rộng giai đoạn 2.
Thế nhưng, đến nay Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam vẫn chưa hoạt động và không thực hiện báo cáo tình hình hoạt động, những khó khăn vướng mắc. Tiếp đến, TP. Hội An đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp này và phát hiện đơn vị có dấu hiệu vi phạm.
Theo đó, Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam đã tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2020 đến nay. Đối với giai đoạn 2, phía doanh nghiệp đã không đưa đất nhà nước cho thuê vào sử dụng đầu tư dự án từ năm 2022 đến nay.
TP. Hội An cũng nhận thấy dự án đã chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư là 12 tháng. Vì vậy, địa phương này kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành thanh tra tình hình thực hiện dự án đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam để xử lý theo quy định hiện hành.
Theo ghi nhận, không chỉ tại Hội An mà còn nhiều cụm công nghiệp tại các địa phương khác cũng có doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do gặp khó khăn trong phục hồi sau đại dịch. Việc các doanh nghiệp không hoạt động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và lãng phí đất cho thuê.
Trong khi đó, có nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gặp khó khăn trong việc thuê đất tại các cụm công nghiệp. Nguyên nhân xuất phát từ các điều kiện về quy mô sản xuất, số lượng người lao động và diện tích đất cần thuê,...
Rà soát các cụm công nghiệp
Đối với vấn đề của Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam, ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký công văn giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra doanh nghiệp này. Các ngành chức năng sớm báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo đúng quy định.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND TP. Hội An, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra tỉnh thực hiện nội dung trên.
Đối với những vướng mắc trong phát triển cụm công nghiệp nói chung, trước đó tỉnh Quảng Nam cũng đã giao các địa phương chủ động rà soát, đánh giá lại quy hoạch phát triển mạng lưới cụm công nghiệp tại địa phương. Trong đó, có đề xuất để loại khỏi Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đối với các cụm công nghiệp mà chi phí giải phóng mặt bằng quá cao, vướng mắc kéo dài, vị trí thực hiện dự án tác động xấu đến môi trường, có quy mô diện tích nhỏ.
Về mục tiêu trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp hiện hữu, đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất. Đối với những vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, các địa phương chủ động rà soát gửi Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định của pháp luật hiện hành để kịp thời hướng dẫn, giải quyết.
Đặc biệt, Quảng Nam cũng sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các trường hợp quản lý, sử dụng đất công ích không đúng quy định. Các địa phương có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo đề xuất phương án điều chỉnh quỹ đất công ích trên địa bàn để kiểm tra, nghiên cứu hướng dẫn thực hiện hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, giải quyết đối với các trường hợp vướng mắc theo thẩm quyền.
Một vấn đề khác là về hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, tỉnh Quảng Nam giao các địa phương rà soát quy mô cụm công nghiệp, nhu cầu, hiệu quả đầu tư,... để cân đối xây dựng kế hoạch đầu tư công hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung phù hợp. Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đánh giá việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp theo quy mô, kinh phí đầu tư, hiệu quả ….
“Chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp nghiên cứu, đề xuất phân kỳ đầu tư hợp lý đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế làm căn cứ thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật, tập trung hoàn thành công tác bồi thường, GPMB để ưu tiên giao đất một lần,..”, văn bản của tỉnh Quảng Nam thể hiện.
Có thể bạn quan tâm