Quảng Nam: Chấm dứt ủy quyền thanh tra cụm công nghiệp ở cấp huyện

TUẤN VỸ 25/09/2023 11:20

Quảng Nam sẽ chấm dứt việc ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp.

>>Bất cập quy trình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật trong cụm công nghiệp

Cụ thể, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản chấm dứt việc ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp (CCN) và các dự án có quy mô vừa và nhỏ. Tại văn bản này, tỉnh Quảng Nam giao Thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường hằng năm khi xây dựng kế hoạch thanh tra, cần khảo sát đưa nội dung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các dự án trong các cụm công nghiệp và các dự án có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh vào kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Cùng với việc thay đổi trên, tỉnh Quảng Nam cũng lưu ý tập trung thanh tra các dự án giãn tiến độ nhiều lần, thời gian kéo dài nhằm kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Song song là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong các Cụm công nghiệp.

a

Quảng Nam chấm dứt việc ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp (CCN) và các dự án có quy mô vừa và nhỏ.

Thông tin từ Sở Công Thương Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh gồm có 92 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.280,47 ha đến năm 2025, 2.613,14 ha đến năm 2035. Lũy kế đến nay thu hút được 370 dự án đăng ký đầu tư vào 51 CCN với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê 722,33ha (gồm 493,85ha đã giao cho DN và 228,48ha đăng ký thuê), tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án 15.872,06 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án 67.830 người.

Trong đó, có 188 dự án đã thực hiện đầu tư và hoạt động sản xuất với tổng diện tích đất thuê 426,85 ha, tổng vốn đăng ký 9.335,78 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện 6.787,85 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký 50.240 người, tổng số lao động làm việc thực tế là 30.197 người. Có 160 dự án đang thực hiện các thủ tục và tiến hành xây dựng với tổng diện tích đăng ký thuê 258,31 ha, tổng vốn đăng ký 5.554,38 ha, tổng số lao động đăng ký 15,022 người.

Đồng thời, có 22 dự án ngưng hoạt động với tổng diện tích thuê đất 37,17 ha, tổng vốn đầu tư thực hiện 417,49 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam cho hay vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong phát triển CCN như tiến độ quy hoạch và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của các CCN (như hệ thống giao thông, hệ thống xử lý nước thải, vỉa hè, cây xanh…) chưa được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ nên việc kêu gọi đầu tư vào các CCN vẫn còn rất hạn chế. Đến nay, chỉ có 04/59 CCN trên địa bàn tỉnh xây dựng Khu xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên hoạt động chưa hiệu quả, lý do là các doanh nghiệp thu hút trong CCN là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, không ảnh hưởng lớn đến môi trường.

“Vì vậy có ít nhà máy sử dụng khu xử lý nước thải tập trung này, đồng thời chi phí để quản lý và vận hành cao nên không đủ ngân sách đảm bảo hoạt động lâu dài. Hiện nay, Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp ra đời khuyến khích các doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng CCN, đây cũng là chủ trương chung của các địa phương nói riêng cũng như UBND tỉnh nói chung. Tuy nhiên, chuyển đổi mô hình quản lý từ nhà nước sang doanh nghiệp còn khó khăn trong việc giao doanh nghiệp quản lý phần hạ tầng CCN do ngân sách đã đầu tư, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng”, ông Quang cho biết.

Nhiều cụm công nghiệp tại Quảng Nam vẫn chưa thể đầu tư đồng bộ vì nhiều khó khăn.

Nhiều cụm công nghiệp tại Quảng Nam vẫn chưa thể đầu tư đồng bộ vì nhiều khó khăn.

Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng hạ tầng cụm công nghiệp, nên các địa phương còn lúng túng khi khai thác các hạ tầng dùng chung đã thực hiện như: đường giao thông, Khu xử lý nước thải tập trung,... Thực tế hiện nay tại các CCN có các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không đầu tư hoặc đầu tư sơ sài (mục đích giữ đất), làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất cụm công nghiệp, trong khi nhu cầu thuê đất hiện nay của các dự án thứ cấp càng cao,...

Để tháo gỡ khó khăn tại các CCN, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, đánh giá lại quy hoạch phát triển mạng lưới cụm công nghiệp tại địa phương, trên cơ sở đó, đề xuất UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) để loại khỏi Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đối với các cụm công nghiệp mà chi phí giải phóng mặt bằng quá cao, vướng mắc kéo dài, vị trí thực hiện dự án tác động xấu đến môi trường (cản trở dòng chảy, gây ngập lụt cục bộ, …), có quy mô diện tích nhỏ. Từ đó, tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp hiện hữu, đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất.

Đồng thời, các địa phương rà soát các vướng mắc trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định của pháp luật hiện hành để kịp thời hướng dẫn, giải quyết. Trong đó, tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các trường hợp quản lý, sử dụng đất công ích không đúng quy định và tổng hợp, báo cáo đề xuất phương án điều chỉnh quỹ đất công ích trên địa bàn (nếu có) gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, nghiên cứu hướng dẫn thực hiện hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, giải quyết đối với các trường hợp vướng mắc theo thẩm quyền.

“Về hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các CCN, các địa phương rà soát quy mô CCN, nhu cầu, hiệu quả đầu tư… để cân đối xây dựng kế hoạch đầu tư công hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung phù hợp. Về giao đất các cụm công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng CCN nghiên cứu, đề xuất phân kỳ đầu tư hợp lý đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế làm căn cứ thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật, tập trung hoàn thành công tác bồi thường, GPMB để ưu tiên giao đất một lần”, ông Lê Trí Thanh chỉ đạo.

Có thể bạn quan tâm

  • Gỡ khó cho cụm công nghiệp Quảng Nam

    Gỡ khó cho cụm công nghiệp Quảng Nam

    14:21, 21/09/2023

  • Nam Định: Nhiều giải pháp thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp

    Nam Định: Nhiều giải pháp thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp

    03:35, 28/07/2023

  • Nam Định: Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp

    Nam Định: Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp

    02:21, 18/04/2023

  • Doanh nghiệp kiến nghị thành lập cụm công nghiệp của ngành gỗ

    Doanh nghiệp kiến nghị thành lập cụm công nghiệp của ngành gỗ

    04:00, 16/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam: Chấm dứt ủy quyền thanh tra cụm công nghiệp ở cấp huyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO