Thanh tra 19 doanh nghiệp địa ốc, xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng
Qua kết quả thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản, Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.400 tỷ đồng.
>>Doanh nghiệp bất động sản nợ thuế tăng đột biến
Trong báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Bộ Tài chính cho biết trong giai đoạn 2015 - 2023, Thanh tra Bộ đã thực hiện thanh tra và kết luận thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản, kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.418 tỷ đồng, trong đó yêu cầu nộp ngân sách nhà nước 493,1 tỷ đồng, xử lý tài chính khác gần 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền các cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý tài chính chủ yếu liên quan đến tiền sử dụng đất, kê khai nộp thiếu các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai thuế suất ưu đãi.
Điểm tên các doanh nghiệp bị thanh tra, yêu cầu xử lý tài chính, Bộ Tài chính chỉ ra: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty IDICO-CTCP, Tổng công ty 319 BQP, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico), Becamex Bình Dương…
Song, đến ngày 31/12/2023, các đơn vị và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản được thanh tra đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các kiến nghị và nộp ngân sách.
Bộ Tài chính cho biết chỉ còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện xong do vướng mắc về xác định giá trị tiền sử dụng đất, phân bổ chi phí hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng tài sản… dẫn đến chậm quyết toán, chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan. Tính đến cuối năm 2023, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) nợ hơn 731,8 tỷ đồng, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị nợ hơn 8,2 tỷ đồng, Tổng công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) nợ hơn 16,7 tỷ đồng.
>>Doanh nghiệp địa ốc “gom đất” chờ thị trường phục hồi
Ngoài ra, trong giai đoạn 2015- 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiếp nhận 179 vụ việc khiếu nại, tố cáo có nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về nhà, đất, tài sản công, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, miễn giảm tiền thuê đất.
Theo đó, Bộ Tài chính đã giao các đơn vị thuộc Bộ xử lý (Cục Quản lý Cộng sản chủ trì xem xét, xử lý 58 vụ việc; Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì xem xét, xử lý 02 vụ việc); đã xử lý chuyển 59 vụ việc thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Ủy ban nhân dân các cấp; đủ điều kiện lưu hồ sơ 60 vụ việc.
Để quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, đảm bảo năng lực tài chính phù hợp với việc triển khai các dự án được cấp phép để giảm thiểu rủi ro cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Bộ Tài chính kiến nghị nghiên cứu bổ sung các quy định khi thành lập doanh nghiệp bất động sản hoặc cấp phép xây dựng, đầu tư các dự án bất động sản đảm bảo các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.
Đối với Chính phủ, kiến nghị sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn các Luật đã được Quốc hội thông qua như Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2023, Luật Đất đai năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
Cận Tết, thị trường cho thuê bất động sản ế ẩm
03:00, 30/01/2024
Doanh nghiệp FDI đổ bộ, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng
03:00, 16/10/2023
Doanh nghiệp nợ thuế nghìn tỷ, nhiều tên tuổi bất động sản "điểm danh"
16:00, 03/12/2023
Doanh nghiệp bất động sản nợ thuế tăng đột biến
03:00, 29/08/2023