Hoàn thiện pháp lý để phát triển hoạt động cho thuê tài chính
Để thúc đẩy hoạt động cho thuê tài chính phát triển được như kỳ vọng, các chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động này trong thời gian tới.
>> Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Cởi mở hơn với cho thuê tài chính
Thực tế cho thấy, sau 26 năm xuất hiện tại Việt Nam, đến nay cho thuê tài chính đã trở nên phổ biến với các đặc điểm tiện ích như không cần thế chấp tài sản bảo đảm, tỉ lệ tài trợ cao, đa dạng sản phẩm tài trợ… Hình thức này phù hợp với khách hàng doanh nghiệp cần nguồn vốn để tập trung vào sản xuất. Thông qua thuê tài chính, doanh nghiệp có thể nhanh chóng đưa máy móc, trang - thiết bị vào vận hành, đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng gấp với số lượng lớn mà chi phí bỏ ra không quá nhiều.
Tuy vậy, thị trường cho thuê tài chính vẫn còn hạn chế và phát triển ở mức khiêm tốn. Tính đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho thuê tài chính đạt khoản 45.000-46.000 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,34% tổng dư nợ tính. Số lượng sử dụng chỉ 15.000 khách hàng trong tổng số 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 1,5%.
Một trong những thách thức cản trở sự phát triển của cho thuê tài chính là khung pháp lý. Cụ thể, khung khổ pháp lý đối với hoạt động cho thuê tài chính này được gộp chung với ngân hàng thương mại nên bị bó hẹp rất nhiều về đối tượng khách hàng và tài sản cho thuê, trong khi đối thủ cạnh tranh là ngân hàng thương mại rất mạnh cả về vốn và lãi suất.
Bên cạnh đó là những rủi ro cố hữu từ sự điều chỉnh chính sách của nền kinh tế đang chuyển đổi (mất đi tính ổn định từ cam kết chính sách) gây ra bất thường cho môi trường kinh doanh. Ngoài ra, rủi ro “mắc kẹt” gia tăng đối với loại tài sản, thiết bị mà cho thuê tài chính đang sở hữu và cho thuê do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và rủi ro tín dụng cao do năng lực kinh doanh và quản trị của khách hàng nhiều hạn chế.
Dù phát triển còn hạn chế, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển vì tăng trưởng GDP của nước ta thuộc top đầu trên thế giới. Điều này kéo theo nhu cầu về thuê tài sản rất lớn, nhất là khi cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, hơn 29.000 hợp tác xã, hơn 123.000 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã, gần 20.000 hộ trang trại nông nghiệp.
>>Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Băn khoăn chuyện xử lý nợ xấu
Đặc biệt, chuyển đổi số và năng lượng, phát triển kinh tế số, xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cầu lớn về tín dụng trung dài hạn, nhất là cho thuê tài chính, trong khi giới hạn về tỷ lệ vốn ngắn hạn sang cho vay trung dài hạn của ngân hàng thương mại kéo về 30% mở ra cơ hội để cho thuê tài sản phát triển.
Do đó, để phát triển cho thuê tài chính mạnh mẽ trong thời gian tới, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam (VILEA) đề xuất, Ngân hàng Nhà nước sớm thảo luận sâu về việc ban hành thông tư hướng dẫn riêng về cho thuê tài chính nhằm phân biệt với hoạt động của ngân hàng thương mại. Đồng thời, các doanh nghiệp cho thuê tài chính cần tập trung nguồn lực, trí tuệ để cùng Hiệp hội góp ý hoàn thiện chính sách và nâng quy mô tài sản và dư nợ thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho thuê mới, tệp khách hàng mới.
“Cùng với đó, phát triển hoạt động nhận ủy thác cho thuê, thí điểm liên kết cho thuê tài sản tiêu dùng vào các khu đô thị và xây dựng chiến lược và có lộ trình triển khai thực hiện quản trị phát triển bền vững”, ông Hòe nhấn mạnh
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, đại diện VILEA cũng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp cho thuê tài chính đang gặp vướng mắc lớn với Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an về cấp thu hồi, đăng ký biển số xe cơ giới. Một số thay đổi về chính sách, quy trình mới trong đăng ký, quản lý phương tiện giao thông vận tải đã tạo thêm những rào cản về pháp lý, gia tăng nhiều chi phí tuân thủ, làm mất đi cơ hội phát triển dư nợ của ngành cho thuê tài chính.
Vì vậy, cần có biện pháp giảm thời gian chờ đợi do việc di chuyển phương tiện tới nơi đăng ký đang tốn kém chi phí và thời gian; chi phí cấp biển số cao, hay có phương án miễn giảm phí giao thông với khách hàng thuê tại địa bàn tỉnh, thành phố mà khách cư trú, nhưng biển xe thuê lại từ Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh do trụ sở của công ty cho thuê tài chính đóng tại đây…
“Mặc dù những kiến nghị vướng mắc liên quan đến Thông tư này đã được cơ quan soạn thảo ghi nhận và nghiên cứu, nhưng trên thực tế vẫn chưa được chỉnh sửa nên đây vẫn là vướng mắc lớn nhất hiện tại...”, đại diện VILEA khẳng định.
Còn theo bà Natalie Turner, chuyên gia giải pháp khu vực APAC từ FIS Global, để giúp hoạt động cho thuê tài chính tăng trưởng, công nghệ là điều quan trọng. Các công ty cho thuê tài chính có thể giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa nguồn lực, nhân lực hiện tại, tối ưu hóa quy trình nâng cao năng suất hiệu quả dựa trên công nghệ.
Ngoài ra, Chuyên gia từ FIS Global cũng nhấn mạnh các công ty cho thuê tài chính có thể mở rộng quy mô theo chiều ngang nhờ bước sang các thị trường mới, cung cấp các sản phẩm mới và dịch vụ mới.
“Chuyển đổi không có nghĩa là đập đi xây lại, mà sẽ thay đổi những gì thực sự cần thiết dựa trên nguồn lực hiện tại, khả năng chi trả, từ đó mang đến lợi ích to lớn trong tương lai”, bà Natalie Turner chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Cởi mở hơn với cho thuê tài chính
15:30, 13/03/2024
Sớm hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về cho thuê tài chính
05:05, 31/01/2024
Giải ngân gói 40.000 tỷ đồng: “San sẻ” sang cho thuê tài chính
04:00, 07/01/2024
Cho thuê Tài chính – Chìa khóa cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa
16:06, 21/11/2023
Tiếp cận mở với cho thuê tài chính
12:05, 31/07/2023