Báo động tình trạng mất an toàn thực phẩm
Hàng loạt vụ nghi ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng liên tục xảy ra khiến hàng trăm người phải nhập viện cấp cứu đã cho thấy, vấn đề mất an toàn thực phẩm hiện nay đang thực sự báo động…
Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn, trên cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng với hàng trăm người phải nhập viện cấp cứu khiến dư luận không khỏi quan ngại về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay.
>>Giải “bài toán” an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân
Mới nhất, chiều 14/5/2024, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bệnh viện đang cấp cứu cho hàng trăm công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam có biểu hiện ngộ độc thực phẩm.
Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn,… Một số công nhân cho biết, sau bữa ăn trưa ở công ty (gồm các món: Thịt gà tây xào sả ớt, rau súp lơ xào, dưa chua và canh rau giá đỗ), các công nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng nôn ói, khó chịu… và được công ty đưa đi cấp cứu.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt đã tiếp nhận trên 220 công nhân nhập viện với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm và vẫn tiếp tục tiếp nhận, cấp cứu cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhiều công nhân cũng được xe cứu thương chở đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Được biết, trong diễn biến mới nhất, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã đến chỉ đạo công tác cấp cứu bệnh nhân, đồng thời yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến tình trạng công nhân nghi ngộ độc thực phẩm.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng nghi ngộ độc thực phẩm tập thể nghiêm trọng, chỉ cách đây gần hai tuần tại Đồng Nai, sự việc tương tự đã khiến hơn 560 người phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì cô Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh).
Trong số đó, hơn 200 bệnh nhân đã xuất viện, 119 trường hợp theo dõi điều trị tại nhà, 12 ca nặng phải chuyển viện. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng... Các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị nhiễm trùng đường ruột và tiến hành chữa trị.
Trước đó, hồi tháng 3/2024 cũng đã có 368 người và du khách bị ngộ độc sau khi ăn cơm gà Trâm Anh tại địa chỉ số 10 Bà Triệu, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa nhận định nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn trong các món: cơm, gà xé, gà nướng, mắm, xốt trứng, rau dưa chua, hành phi, súp canh…
>>Tiếp tục hoàn thiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm
Theo đánh giá của Chính phủ, trong thời gian qua, công tác quản lý ATTP, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, số vụ ngộ độc, số người mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều, trong năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người mắc và 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022. Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong vòng 8 tháng, từ tháng 9/2023 đến hết tháng 4/2024, cả nước đã xảy ra ba vụ ngộ độc lớn và hàng loạt vụ ngộ độc nhỏ khiến hơn 1.000 người nhập viện.
Nhìn vào những vụ ngộ độc gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, mức độ và tần suất ngày càng tăng, đặt ra nhiều vấn đề đáng báo động đối với công tác bảo đảm ATTP. Điều đáng nói, có những vụ ngộ độc lớn xảy ra giữa lúc các địa phương như tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Phúc khi đang trong cao điểm triển khai Tháng hành động vì ATTP (15/4 – 15/5) cho thấy, công tác quản lý ATTP tại các địa phương này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Phân tích nguyên nhân các vụ ngộ độc, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, trước hết do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động, thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách.
Bên cạnh đó, ông Phong cũng cho rằng, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch.
“Để phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, đòi hỏi các địa phương, bộ, ngành chức năng cần nghiêm túc, thẳng thắn và quyết liệt hơn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, đừng “mất bò mới lo làm chuồng”, vì ngộ độc thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn tác động xấu tới kinh tế - xã hội”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay, thức ăn đường phố rất khó kiểm soát. Nhiều nơi lấy mục đích kinh doanh, lợi nhuận là chính, không quan tâm đến sức khỏe người dùng. Do đó, vị chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ vỉa hè. Nhất là tuyên truyền nâng cao ý thức cho người bán để họ có trách nhiệm với cộng đồng.
Ngày 3/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 44/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, cơ sở thức ăn đường phố. Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra ATTP, xử lý nghiêm các vi phạm; nghiên cứu xây dựng, sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố ATTP; chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm... |
Có thể bạn quan tâm
Tiếp tục hoàn thiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm
04:00, 23/03/2024
Quy định an toàn thực phẩm với hàng hoá nhập khẩu làm khó doanh nghiệp
12:00, 11/12/2021
Hải quan khẳng định 22.000 lon sữa viện trợ không thuộc miễn kiểm tra an toàn thực phẩm
22:03, 10/11/2021
Đăk Nông: Kiểm tra an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất nước uống đóng chai
12:55, 01/11/2021