Kinh tế Trung Quốc vẫn chật vật, khả năng có thêm hỗ trợ chính sách

TRƯỜNG ĐẶNG 16/05/2024 04:00

Bước sang quý 2/2024, một số chỉ số đang cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn chậm, làm tăng kỳ vọng về việc nước này nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có thêm hỗ trợ cho nền kinh tế

Ngân hàng trung ương Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có thêm hỗ trợ cho nền kinh tế

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc chuẩn bị công bố dữ liệu về doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định tháng 4 vào cuối tuần này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hiện tại đang có nhiều dữ liệu đáng lo ngại cho nền kinh tế số hai thế giới.

>>Trung Quốc tung loại xe điện mới, châu Âu lại lo ngại

Nhiều tín hiệu kinh tế đáng lo

Trung Quốc vừa có kế hoạch phát hành trái phiếu siêu dài hạn đầu tiên - kỳ hạn lên tới 30 năm. Với mục đích dành cho các dự án chiến lược lớn, chương trình hứa hẹn sẽ thu hút khoản tiền lên tới 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (138,25 tỷ USD).

Kế hoạch huy động khổng lồ này được cho sẽ cung cấp động lực cho nền kinh tế khi Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi những vấn đề trầm trọng như bất động sản hay sức cầu yếu, theo các nhà quan sát.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cuối tuần qua đã công bố dữ liệu cho vay mới trong tháng 4 cho thấy nhu cầu sụt giảm mạnh, với một số chỉ số ở mức thấp nhất trong ít nhất hai thập kỷ qua. 

Goldman Sachs và các nhà phân tích của các công ty khác đã nhanh chóng chỉ ra rằng số liệu trong một tháng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong cách tính toán dữ liệu chính thức, cũng như việc siết chặt các khoản vay được sử dụng cho mục đích tài chính thay vì mở rộng kinh doanh.

Hui Shan, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Goldman Sachs, cho biết: “Một số điểm yếu cho thấy nhu cầu thực sự đang chậm lại ở Trung Quốc”.

Dư nợ cho vay bằng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng 9,6% so với cùng kỳ trong tháng 4, bằng với tháng 3 và là mức thấp nhất kể từ năm 1978. Các nhà phân tích tại Clocktower Group lo ngại xu hướng bắt đầu giảm của cả hai loại khoản vay mới (vay doanh nghiệp và vay hộ gia đình) lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, là một tín hiệu đáng lo ngại.

“Nếu khu vực công không hỗ trợ tăng trưởng tín dụng kịp thời, tốc độ tăng trưởng giảm tốc mạnh có thể xảy ra trong thời gian tới do các tác nhân kinh tế sẽ buộc phải cắt giảm tiêu dùng và đầu tư để đáp ứng nghĩa vụ nợ của mình”, công ty cho biết vào cuối tháng 4 vừa qua.

M2, thước đo cung tiền bao gồm tiền mặt, các khoản tương đương tiền và một số tiền gửi nhất định, đã tăng 7,2% trong tháng 4 so với cùng kỳ 2023. Đây cũng là tốc độ chậm nhất được ghi nhận kể từ năm 1986, theo dữ liệu chính thức được CNBC truy cập thông qua Wind Information.

>>"Mặt trận" mới trong căng thẳng Mỹ - Trung

Chờ đợi các biện pháp nới lỏng 

Louise Loo, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, lưu ý: “Với việc phát hành trái phiếu kéo dài đến tháng 11, có khả năng một số khoản chi tiêu sẽ chỉ xuất hiện trong nửa đầu năm tới (2025)”. Đồng thời, các chuyên gia dự báo ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối tháng 6 này, nếu các số liệu kinh tế công bố sắp tới cho thấy “động lực kinh tế đang suy yếu”.

Bất động sản vẫn là lĩnh vực gây nhiều trở lực nhất cho nền kinh tế Trung Quốc

Bất động sản vẫn là lĩnh vực gây nhiều trở lực nhất cho nền kinh tế Trung Quốc

Các nhà phân tích của Goldman Sach viết trong một báo cáo cuối tuần trước: “Chúng tôi tiếp tục mong đợi sẽ có thêm hai lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và một lần cắt giảm lãi suất chính sách trong thời gian còn lại của năm nay”.

Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie, cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách không muốn có thêm một đợt phục hồi nhờ tín dụng nữa. Thay vào đó, họ muốn dựa vào xuất khẩu và các lĩnh vực năng lượng mới để thúc đẩy tăng trưởng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại”.

Lĩnh vực bất động sản vẫn sẽ là lực cản chính, bất chấp ngày càng nhiều thành phố nới lỏng các hạn chế mua bán. S&P Global Ratings dự đoán thị trường nhà ở sơ cấp của Trung Quốc sẽ giảm 16% trong năm nay.

Những chính sách kinh tế mới đang là điều mà các nhà đầu tư lĩnh vực này đang chờ đợi trong cuộc họp chính phủ dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết: “PBOC đề xuất sẽ nghiên cứu các chính sách giúp giải quyết lượng tồn kho nhà ở hiện có và cải thiện nguồn cung nhà ở mới nhằm ổn định thị trường bất động sản. Chúng tôi nghĩ rằng điều này lặp lại thông điệp từ cuộc họp Bộ Chính trị gần đây liên quan đến thị trường bất động sản và cho thấy chính sách tiền tệ có thể được sử dụng như một phần của các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp Trung Quốc giải quyết lượng tài sản tồn kho đáng kể của mình”.

Có thể bạn quan tâm

  • Căng thẳng Trung Quốc và Âu - Mỹ (Kỳ cuối): Dự báo xu hướng

    Căng thẳng Trung Quốc và Âu - Mỹ (Kỳ cuối): Dự báo xu hướng

    04:00, 15/05/2024

  • Căng thẳng Trung Quốc và Âu - Mỹ (Kỳ 2): Phân tán cơ hội

    Căng thẳng Trung Quốc và Âu - Mỹ (Kỳ 2): Phân tán cơ hội

    04:00, 14/05/2024

  • Căng thẳng Trung Quốc và Âu - Mỹ (Kỳ 1):

    Căng thẳng Trung Quốc và Âu - Mỹ (Kỳ 1): "Đổ vỡ" trục thương mại

    04:00, 13/05/2024

  • Quan hệ Trung Quốc - Đông Nam Á:

    Quan hệ Trung Quốc - Đông Nam Á: "Cú hích" từ sáng kiến BRI

    03:30, 13/05/2024

TRƯỜNG ĐẶNG