Bắc Ninh - Điểm đến thu hút du lịch
Với lợi thế về hệ thống di sản văn hóa truyền thống, giàu giá trị lịch sử, Bắc Ninh đang phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng, văn hóa tâm linh, làng nghề truyền thống...
>>> Lan tỏa “sức mạnh” văn hoá Việt Nam
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi ông Trịnh Hữu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh về kết quả thu hút du lịch và phát triển sản phẩm du lịch trong thời kỳ mới.
- Những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bắc Ninh đã tạo nền tảng phát triển du lịch như thế nào, thưa ông?
Bắc Ninh - Kinh Bắc xưa vốn từng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước, quê hương giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, nơi phát tích của Vương triều Lý - triều đại khai mở, phát triển nền văn minh Đại Việt. Vốn là tổ đình của Phật giáo, đồng thời là trung tâm Nho học đầu tiên của cả nước, trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã hun đúc, kết tinh và hiện hữu trên vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc một hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc với những danh lam cổ tự, công trình kiến trúc nghệ thuật, các tài liệu, hiện vật, bảo vật có giá trị... nơi lưu giữ 4 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, tiêu biểu là Dân ca Quan họ Bắc Ninh di sản phi vật thể đại diện của Nhân loại. Theo số liệu điều tra mới nhất (2024) trong tổng số 1.559 di tích, trong đó có 04 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt (chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, Đền thờ và Lăng mộ các vị vua triều Lý), 204 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 457 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Bắc Ninh còn được coi là xứ sở của lễ hội với 599 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức hằng năm được người dân cả nước và du khách quốc tế quan tâm như: Hội Khán hoa Mẫu đơn chùa Phật Tích, hội chùa Dâu, hội Lim, hội đền Đô, hội đền Bà Chúa Kho; hội Diềm; hội chùa Bút Tháp; Nghi lễ và trò chơi Kéo co Hữu Chấp… Vùng đất có trăm nghề như tơ tằm Vọng Nguyệt, gốm sứ Phù Lãng, gò, đúc đồng Đại Bái, chạm khắc gỗ Phù Khê, Hương Mạc, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, rối nước Đồng Ngư...;
Bên cạnh đó, du lịch tại chỗ thường được giới trẻ gọi là “staycation” hút khách. Tại Bắc Ninh, mô hình du lịch staycation cũng đang có xu hướng phát triển mạnh ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Như: Vườn cuộc sống TX Thuận Thành; Trạm hoàng hôn, điểm du lịch sinh thái, nông nghiệp Grenn farm, điểm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Omely (Tiên Du); Phong Thái homestay (Gia Bình); khu du lịch sinh thái Thu Thủy Ecolodge (TP Từ Sơn)...
Nói về văn hóa Bắc Ninh, có thể khái quát lại với 7 nét đặc trưng tiêu biểu là: “Quê hương của dân ca Quan họ - Di sản văn hóa thế giới; Văn hóa tâm linh; Lịch sử văn hiến; Lễ hội; Khoa bảng; Làng nghề và Kiến trúc”...
Hiện nay, Bắc Ninh chú trọng nâng cao chất lượng điểm đến và chất lượng dịch vụ du lịch; tiếp tục quy hoạch, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Đầu tư kết cấu hạ tầng, cảnh quan môi trường một số làng nghề, làng Quan họ; Gìn giữ, khôi phục các nét văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của làng, xã từ đó, tăng cường liên kết với các đơn vị lữ hành đưa khách về trải nghiệm các làng nghề truyền thống, làng Quan họ, làng cổ...
Bên cạnh đó, công tác tổ chức, quản lý lễ hội tạo sự thuận lợi cho du khách cũng được tỉnh Bắc Ninh đặt ra. Hoạt động kích cầu du lịch cuối tuần nội tỉnh đến các lực lượng lao động, chuyên gia nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp cũng được quan tâm triển khai. Tỉnh khuyến khích phát triển các điểm nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn du lịch dã ngoại cuối tuần, ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm du lịch xanh để nâng cao sức cạnh tranh du lịch của tỉnh.
Cùng với đó là huy động các nguồn lực phát triển hệ thống khách sạn trung và cao cấp từ 3 đến 5 sao, các khu nghỉ dưỡng lớn. Phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống cửa hàng, khu chợ đêm và khu ẩm thực, các trạm dừng nghỉ tại khu vực TP (Bắc Ninh, Từ Sơn), TX Thuận Thành,... Công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách cũng được chú trọng nhằm xây dựng hình ảnh du lịch Bắc Ninh “Xanh - Sạch - An toàn - Thân thiện”.
>>> Bắc Ninh: Tháp Thần Nông hình hạt lúa khổng lồ đạt kỷ lục châu Á
>>> Du lịch Việt Nam cần khoảng 5,5 triệu lao động trong năm tới
- Xin ông cho biết kết quả thu hút du lịch tỉnh Bắc Ninh thời gian qua?
Ngay từ đầu năm, Bắc Ninh có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú sôi động, thu hút đông đảo người dân và du khách tới thưởng thức. Tổ chức các lễ hội truyền thống đầu Xuân Giáp Thìn 2024 như: Các chương trình hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên thuyền; Hội thi Dân ca Quan họ Bắc Ninh mở rộng; trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống tại các di tích, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh;... Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu mảnh đất, con người, tiềm năng thế mạnh của Bắc Ninh tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Kết quả, trong quý I/2024, ngành du lịch tỉnh Bắc Ninh đón khoảng 710 nghìn lượt khách, tăng 36,5% so cùng kỳ năm 2023; doanh thu ước đạt 480 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.
- Công tác xúc tiến đầu tư về du lịch, tạo sự liên kết thu hút du lịch các tỉnh thời gian qua được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Xác định để thúc đẩy du lịch phát triển, sự liên kết đóng vai trò rất quan trọng nhất là việc thu hút các thị trường khách mới cũng như các nguồn lực đầu tư vào du lịch để khai thác và phát triển. Cuối năm 2023, tỉnh Bắc Ninh ký kết hợp tác toàn diện trên lĩnh vực du lịch giai đoạn 2023-2030 với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Trong đó, tập trung vào các nội dung: công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch và kết nối hợp tác công tư... cả 5 tỉnh có thể liên kết để phát triển các sản phẩm thế mạnh của vùng, như các sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, làng nghề, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, sự liên kết hợp tác du lịch cũng phù hợp với định hướng của tỉnh về phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa theo hướng độc đáo; từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu Bắc Ninh có uy tín trên thị trường trong nước và ngoài nước.
Ngoài ra, Bắc Ninh cũng tích cực liên kết với nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Quảng Ninh, Phú Quốc, Kiên Giang, Hà Nội để quảng bá và thu hút các thị trường khách; cũng như đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam. Trong đó, việc hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam trong việc triển khai “Tuần lễ trải nghiệm văn hoá xứ Kinh Bắc” trên các chuyến bay của Vietnam Airlines cũng được kỳ vọng mang đến những tín hiệu phát triển tích cực.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hoá giữa tỉnh Bắc Ninh và Vietnam Airlines; đề xuất phối hợp tổ chức một số hoạt động như: Hát dân ca Quan họ trên các chuyến bay, lồng ghép mini game hỏi - đáp về văn hoá Kinh Bắc - Bắc Ninh, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của Bắc Ninh, trưng bày các ẩn phẩm báo chí có nội dung chuyên biệt về văn hoá Bắc Ninh tại khu vực chờ và trên máy bay, thiết kế sản phẩm lưu niệm… Từ đó, nhằm quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực và thu hút du khách về với Bắc Ninh.
Bên cạnh việc liên kết giữa các địa phương với nhau, thì việc liên kết giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân, cũng cần được quan tâm. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đóng vai trò “nhạc trưởng” kiến thiết, kiến tạo cơ chế, chính sách phát triển và nguồn lực, làm điểm tựa cho du lịch phục hồi và tăng trưởng. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vừa là đối tượng hưởng lợi từ chính sách, vừa là chủ thể đầu tư và khai thác các sản phẩm du lịch.
Đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và thuận lợi trong môi trường đầu tư du lịch; tổ chức xúc tiến, đối thoại các nhà đầu tư chiến lược về phát triển du lịch tỉnh.
- Việc ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề, du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian được tỉnh quan tâm thực hiện ra sao, thưa ông?
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề, du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian, các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn gắn với giá trị văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Mục tiêu đến năm 2025, Bắc Ninh đón và phục vụ từ 2 - 2,5 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch ước đạt 2 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, đón và phục vụ hơn 5 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu du lịch đạt 4,5 nghìn tỷ đồng.
Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 08 khu du lịch cấp tỉnh; 1 khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia tại Nam Sơn –TP Bắc Ninh, trọng tâm gắn với quần thể di tích lịch sử, văn hóa chùa Dạm, núi Dạm, ngòi Con Tên. Đồng thời, phát triển mới các khu du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và sân golf, phấn đấu hình thành 07 sân golf tại thị xã (Thuận Thành, Quế Võ), huyện (Yên Phong, Tiên Du, Gia Bình).
Đến năm 2050, Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ, phát triển kinh tế đêm; phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Đẩy nhanh quy hoạch và thực hiện đầu tư phát triển khu, điểm du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí...
Phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch bảo đảm chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời, chú trọng phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch, tập trung thu hút có lựa chọn các phân khúc thị trường khách du lịch... Qua đó góp phần đưa du lịch thành ngành công nghiệp không khói, mũi nhọn của tỉnh nhà.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng đẩy mạnh xúc tiến du lịch
11:00, 15/05/2024
Thái Bình có gì cho du lịch hè?
01:00, 15/05/2024
Khơi dậy tiềm năng du lịch ở Hà Tĩnh
15:14, 14/05/2024
Cơ hội mới cho du lịch sức khỏe Quảng Nam
15:10, 14/05/2024
Số hóa du lịch
14:49, 14/05/2024
Việt Nam được đề cử nhiều hạng mục của Giải thưởng Du lịch thế giới 2024
01:00, 13/05/2024