Nguy cơ chiến tranh tiền tệ ở châu Á
Việc Yên Nhật (JPY) liên tục trượt giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh tiền tệ ở châu Á.
>> Nguy cơ chiến tranh tiền tệ và tác động đến Việt Nam
Trong khi các ngân hàng trung ương châu Á đã tích cực hỗ trợ đồng tiền của họ so với USD, sự sụt giảm của đồng JPY là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trong khu vực, làm suy giảm sức cạnh tranh xuất khẩu của các nước láng giềng của Nhật Bản.
Viễn cảnh khó lường
Đến cuối tháng 3/2024, tỷ giá hối đoái giữa đồng JPY và USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 34 năm qua. Trong vài tuần gần đây, JPY tiếp tục rớt giá so với USD, ở mức 155,75 JPY/USD.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã chấm dứt chính sách lãi suất âm sau 8 năm, cùng Hàn Quốc và Mỹ ra tuyên bố chung về những mối nguy trước mắt do đồng JPY mất giá sâu. Nhưng hai động thái này không mang lại kết quả.
Giới đầu tư trong và ngoài nước Nhật, cũng như các quốc gia trong khu vực chờ đợi Chính phủ Nhật và BoJ can thiệp mạnh hơn vào tỷ giá hối đoái. Còn nhớ vào tháng 9/2022, BoJ đã can thiệp tỷ giá hối đoái, đưa JPY tăng lên mức 145 JPY/USD.
JPY giảm giá mạnh đã và đang có những tác động đáng chú ý đến Nhật Bản, cũng như các quốc gia đối tác của Nhật.
Thứ nhất, JPY suy yếu đang hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu Nhật Bản, vì hàng hóa “made in Japan” rẻ hơn đối thủ. Điều này làm xuất hiện tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng. Quy mô xuất khẩu của nền kinh tế Nhật đạt 680 tỷ USD vào năm ngoái. Đây là mức tăng kỷ lục nhờ đồng JPY yếu.
Sự trỗi dậy của ngoại thương Nhật Bản đã lấy đi cơ hội của các nước láng giềng. Tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ đang chịu áp lực lớn do chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng khi USD tăng giá, cũng như sự cạnh tranh giảm giá hàng xuất khẩu của các đối thủ trong khu vực.
Sự sụt giảm mạnh của đồng JPY cũng đã “động chạm” đến Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở châu Á là những đối tác thương mại lớn của Nhật Bản. Điều này có thể thúc đẩy các nước trong khu vực đồng loạt phá giá đồng nội tệ của họ. Đây là xuất phát điểm của chiến tranh tiền tệ, cho dù xác xuất xảy ra là không cao.
Thứ hai, JPY đang làm tổn thương các đồng tiền tại châu Á - Thái Bình Dương. Ông Kisoo Park, Chuyên gia tài chính của Manulife Investment Management, cảnh báo nếu JPY giảm xuống mức 170-180 JPY/USD, không chỉ gây ra vấn đề cho châu Á mà còn tác động rộng hơn đến tiền tệ của các thị trường mới nổi trên toàn cầu.
>> Kịch bản ứng phó chiến tranh tiền tệ
Nếu các đồng tiền châu Á rớt mạnh hơn nữa, nhà đầu tư sẽ tháo chạy, khiến các thị trường mới nổi, nợ nước ngoài cao,… sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.
Tác động đến Việt Nam
Nhiều chuyên gia cho rằng không cần quá lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính- tiền tệ trong khu vực châu Á do JPY giảm mạnh, vì hầu hết các nước châu Á đã có những trang bị tốt hơn để tránh lặp lại tình trạng khủng hoảng vào cuối những năm 1990, như dự trữ ngoại hối mạnh hơn, cải cách từ việc giám sát khu vực tài chính chặt chẽ hơn, thị trường vốn địa phương sâu rộng hơn...
Mặc dù vậy, Việt Nam đang là đối tác đầu tư, thương mại lớn của Nhật Bản, nên đồng JPY giảm mạnh cũng sẽ có những tác động tiêu cực, cũng như tích cực Việt Nam.
Thứ nhất,Nhật Bản là một trong những chủ nợ lớn của Việt Nam. Việc đồng JPY giảm giá sẽ khiến gánh nặng nợ công của Việt Nam giảm. Ngoài ra, JPY suy yếu có thể khiến đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII) từ Nhật Bản sang Việt Nam tăng.
Thứ hai,đồng JPY giảm giá sẽ có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Bởi vì theo nhiều doanh nghiệp, khách hàng Nhật Bản có văn hóa khá truyền thống là thanh toán các hợp đồng mua dịch vụ từ Việt Nam bằng JPY, chứ không phải USD. Điều này dẫn tới doanh thu khi quy đổi ra VND để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật nói chung sẽ sụt giảm. Trong khi đó, chi phí doanh nghiệp không thay đổi hoặc phần lớn bị tăng lên, dẫn tới bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng thị trường xuất khẩu, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản trong bối cảnh JPY vẫn còn nguy cơ giảm giá sâu hơn.
Tuy nhiên, JPY giảm giá lại tác động tích cực đến các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường này. Ngoài ra, JPY yếu còn tác động tích cực đến các doanh nghiệp sử dụng nợ vay bằng đồng JPY.
Thứ ba, người lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ chịu tác động tiêu cực nếu JPY tiếp tục giảm giá. Bởi họ có thể nhận được mức lãi suất tiền gửi thấp hơn khi gửi tiền ở Nhật Bản và có thu nhập thấp hơn khi quy đổi tỷ giá.
Có thể bạn quan tâm