“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 4 – Liêm chính trong kinh doanh
Hàng loạt đại án kinh tế xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, kéo theo sự “đổ vỡ” của nhiều mô hình doanh nghiệp, điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự liêm chính trong kinh doanh…
>>“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 3 – Chiếc phong bì … thông lệ “bôi trơn”
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được VCCI công bố ngày 9/5/2024 vừa qua cho thấy, năm 2023, chỉ 33,3% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức, giảm đáng kể từ con số 42,6% của năm 2022. Nếu so với mức 66% của năm 2015 - 2016, hoặc con số cao nhất là 70% vào năm 2006 (năm đầu tiên tiến hành khảo sát toàn bộ các địa phương trên cả nước), thì tỷ lệ doanh nghiệp cho biết thường phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là thấp nhất. Điều này cho thấy, nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp đã đạt được kết quả rõ rệt.
Thực tế, nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực), đến nay, nhất là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đây là công tác được lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao.
Đảng ta vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cần thẳng thắn nói rằng, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chúng ta đã đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Và để có được kết quả như vậy, không thể thiếu vai trò quan trọng của doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trên mặt trận nóng bỏng này.
>>“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”
Bình luận về vấn nạn tham nhũng hiện nay, nhiều ý kiến đã thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp được nhìn nhận dưới góc độ vừa là “nạn nhân”, vừa là “tác nhân” của tham nhũng. Bởi, khu vực công và khu vực tư như “bình thông nhau”, vì có mối quan hệ tác động qua lại, thậm chí khu vực tư đôi khi là nơi ẩn giấu, “sân sau” của hành vi tham nhũng trong khu vực công. Trên thực tế, những lợi ích kinh doanh mạnh mẽ và tư lợi, có khả năng thách thức việc lạm dụng quyền lực chính trị, cũng là phương tiện quan trọng để góp phần thiết lập các ràng buộc về việc sử dụng quyền lực nhà nước.
Do đó, để trị “bệnh” tham nhũng thì việc đầu tiên là cần phải làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động kinh doanh của khu vực ngoài Nhà nước. Trong đó, việc xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hướng tới sự phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì vấn đề liêm chính trong kinh doanh cần được đẩy mạnh.
Ngày 10/5/2024 vừa qua, tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Ông Nghĩa cho biết, những năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế của doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế.
Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của thời kì mới, đặc biệt là đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của một bộ phận doanh nhân chưa cao, thậm chí vi phạm pháp luật.
Đáng nói, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương là tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân câu kết với cán bộ các cấp, nhất là cán bộ có chức, có quyền thực hiện các hành vi như tham nhũng, tiêu cực, chiếm đoạt, gây lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản, nguồn lực của nhà nước, của nhân dân, thậm chí tạo môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh.
Những vấn đề trên đã được các cơ quan chức năng báo cáo. Nhiều vụ án, nhiều địa phương, kể cả cán bộ Trung ương, trong đó có cả đồng chí trong Bộ Chính trị vi phạm, khuyết điểm đều có vấn đề liên quan đến một số doanh nghiệp. “Đây là vấn đề đau xót nhưng chúng ta phải kiên quyết khắc phục”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Nhiều vụ án tham nhũng tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, tồn đọng kéo dài, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, có tính hệ thống, có tổ chức cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước gây thiệt hại rất lớn về tài sản và ảnh hưởng đến tính ổn định của nền kinh tế, khiến dư luận, nhân dân bức xúc. Có thể đề cập đến một số vụ án xảy ra ở các tập đoàn: FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An, Công ty Việt Á, Công ty AIC…
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì nhưng cũng phải hết sức khách quan, công tâm vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì mục tiêu tạo ra môi trường lành mạnh để nền kinh tế phát triển.
Trong đó, đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp cần ý thức rõ về tác động và những hậu quả khôn lường của việc tham nhũng, tiêu cực. Từ đó phải kiên quyết thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh.
Cùng với đó, ông Nghĩa cũng cho rằng, cần phát huy tính tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Từng doanh nhân và mỗi doanh nghiệp phải kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh.
“Chúng ta kiên quyết, kiên trì để hướng tới tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh để doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam được làm ăn, được phát triển. Chúng ta giàu mạnh, có điều kiện hội nhập, cạnh tranh và nâng cao uy tín, vị thế trên trường quốc tế”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ mong muốn.
>>“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 – Nhức nhối “cơ chế ngầm”
Trở lại câu chuyện về liêm chính trong kinh doanh, nói như TS. Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị quốc gia HCM, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính là điều kiện không thể thiếu để Việt Nam tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư có chất lượng. Hướng đến mục tiêu này, việc ban hành bộ chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và sự tự giác của doanh nhân, doanh nghiệp thì hệ thống thể chế do nhà nước ban hành luôn giữ vai trò quyết định.
Môi trường kinh doanh liêm chính cần một khung khổ đạo đức áp dụng cho cả nền kinh tế. Trong khung khổ đó, các giá trị căn bản tạo nên sự liêm chính cần phải được cụ thể hóa thành các quy định, bao gồm: lòng tin, sự nhất quán giữa lời nói và hành động, cung cấp sản phẩm chất lượng, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình, tôn trọng các bên liên quan, và sự sẵn sàng thay đổi để hướng đến đáp ứng sự mong đợi của khách hàng.
Cùng với đó, TS. Nguyễn Văn Đáng cũng cho rằng, liêm chính kinh doanh không thể tách rời liêm chính công quyền. “Có nghĩa là, bản thân hành động của chính quyền cũng cần phải đề cao và tôn trọng sự liêm chính công vụ. Với vai trò là chủ thể then chốt đảm nhiệm trách nhiệm quản trị cộng đồng, sự liêm chính của chính quyền chính là điều kiện khơi dậy và dẫn dắt cho văn hóa liêm chính kinh doanh. Khi chưa bảo đảm được liêm chính công quyền thì liêm chính kinh doanh rất có thể sẽ mãi là khẩu hiệu”, ông Đáng nói.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 – Nhức nhối “cơ chế ngầm”
03:00, 29/03/2024
“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”
03:00, 30/03/2024
“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 3 – Chiếc phong bì … thông lệ “bôi trơn”
03:00, 03/04/2024
“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 4 – Thúc đẩy kinh doanh liêm chính
23:41, 15/05/2024