Bắc Ninh: kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 17/05/2024 07:42

Ngày 16/5/2024, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5 và trao Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ.

 >>>Bắc Ninh: Phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Dự kỷ niệm có bà Trần Thị Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh; ông Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành dự.

Toàn tỉnh hiện có hơn 3.500 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó 32 sản phẩm đặc sản, chủ lực thuộc sở hữu chung của cộng đồng. (Trong ảnh Lãnh đạo tỉnh trao Văn Bằng bảo hộ Sở hữu trí tuệ)

Toàn tỉnh hiện có hơn 3.500 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó 32 sản phẩm đặc sản, chủ lực thuộc sở hữu chung của cộng đồng. (Trong ảnh Lãnh đạo tỉnh trao Văn Bằng bảo hộ Sở hữu trí tuệ)

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng chia sẻ, cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cả nước, những năm qua, ngành KH&CN Bắc Ninh nỗ lực sáng tạo, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… Qua đó, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự phát triển chung của tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước về KH&CN không ngừng được đổi mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; tiềm lực KH&CN ngày càng được nâng cao. Các hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ và hoạt động sáng kiến khoa học được đẩy mạnh.

Biểu dương và chúc mừng thành tựu ngành KH&CN đạt được thời gian qua; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng, đề nghị ngành KH&CN tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; tích cực thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; các Chương trình, đề án KH&CN với trọng tâm phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh; nêu cao tinh thần dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại ứng dụng hiệu quả trong sản xuất và đời sống;

Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp khoa học nhằm tháo gỡ các khó khăn, các điểm nghẽn trong các lĩnh vực KT-XH. Cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp có lộ trình chuyển đổi phù hợp thích ứng với tình hình mới. Sở KH&CN đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp, ĐMST, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh là: thuộc nhóm đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại.

Phó Chủ tịch Ngô Tân Phượng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc

Phó Chủ tịch Ngô Tân Phượng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc

Nhân dịp kỷ niệm ngày KHCN Việt Nam và 65 năm ngày thành lập Bộ KH&CN, chia sẻ tại lễ kỷ niệm, Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Ninh cho biết, thời kỳ 1997 đến nay: Hoạt động của ngành phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá sau khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập.

Trong 27 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp của hoạt động KH&CN. Ngành KH&CN đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, UBND các huyện/ thị xã/ thành phố tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch để chỉ đạo các hoạt động KH&CN trên địa bàn. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, các ngành chức năng đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án cụ thể để phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… đóng góp có hiệu quả vào phát triển các lĩnh vực  KT-XH của địa phương.

Hoạt động nghiên cứu KHXH&NV đã đóng góp một phần cơ sở khoa học cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Các tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp thâm canh đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng, trang trại sản xuất hàng hoá tập trung, tạo tiền đề để phát triển chương trình cơ giới hoá, nông nghiệp công nghệ cao.

Huyện Gia Bình là một trong 2 vùng sản xuất tỏi lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh, tập trung tại các xã Xuân Lai, Vạn Ninh, Cao Đức, Thái Bảo, Bình Dương…

Huyện Gia Bình là một trong 2 vùng sản xuất tỏi lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh, tập trung tại các xã Xuân Lai, Vạn Ninh, Cao Đức, Thái Bảo, Bình Dương…

Trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất công nghiệp và khu vực làng nghề được nâng lên một bước, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp địa phương; chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã hình thành các ngành công nghiệp công nghệ cao có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu lớn. Đã xây dựng cơ sở hạ tầng và ứng dụng CNTT kết hợp với Hệ thống quả lý chất lượng ISO 9001:2008 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và từng bước hiện đại hoá các cơ quan hành chính.

Hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN được đổi mới, tập trung cho công tác tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp ĐMST, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; công tác thanh tra, kiểm tra góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại.

Theo bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Binh, năm 2023, lần đầu tiên Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST (Techfest) Bắc Ninh được tổ chức, đem đến cơ hội, động lực mới cho các nhà khởi nghiệp và thu hút các nhà đầu tư.  Về lâu dài, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về phát triển KT-XH gắn với  phát triển KH&CN và ĐMST, ngành KH&CN phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tập trung tăng cường tiềm lực KH&CN; triển khai hiệu quả các chương trình, đề án KH&CN trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2020-2025; chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST đến năm 2030, chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2030…

Năm 2024, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ công bố chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương và Bắc Ninh vinh dự nằm trong top 10 tỉnh, thành có điểm số cao nhất cả nước. Vị trí này chứng tỏ cam kết và nỗ lực không ngừng của Bắc Ninh trong việc tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Thành tựu đạt được trong những năm qua, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, còn có sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành. Những đóng góp ấy đã được ghi nhận bằng các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân cũng đã được tặng thưởng Huân chương lao động, cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh. Những thành tích đạt được trên đây là kết quả của sự phấn đấu bền bỉ của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động.

Thành tích đạt được là niềm tự hào của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành. Tuy nhiên, những bất cập còn tồn tại; đặc biệt là những đòi hỏi, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu nhiệm vụ trong mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới cũng đặt ra trách nhiệm lớn hơn, nặng nề hơn ở phía trước.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Đến năm 2050, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.

Các đại biểu thăm gian hàng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trưng bày tại Hội nghị

Các đại biểu thăm gian hàng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trưng bày tại Hội nghị

 Vì vậy, đội ngũ tri thức - nguồn nhân lực KHCN của tỉnh và mỗi cán bộ công chức, viên chức và người lao động của ngành cần nỗ lực rèn luyện, học tập và phấn đấu nhiều hơn nữa để nâng tầm hiểu biết, kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn, góp phần thiết thực đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh; là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước. Bà Dung chia sẻ.

Nhân dịp này, 32 cá nhân vinh dự được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KH&CN của Bộ KH&CN; nhiều tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp KH&CN và đổi mới sáng tạo được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Sở KH&CN tổ chức trao Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 11 sản phẩm: Cà rốt, mỳ gạo Tử Nê (huyện Lương Tài); tỏi 1 nhánh Gia Bình; dưa gang muối Quế Võ; rượu nếp cái hoa vàng Đồng Nguyên, đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê, Hương Mạc, Tam Sơn (thành phố Từ Sơn); đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh); chuối Cảnh Hưng (huyện Tiên Du).

Có thể bạn quan tâm

  • Bắc Ninh - Điểm đến thu hút du lịch

    Bắc Ninh - Điểm đến thu hút du lịch

    15:05, 15/05/2024

  • Thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) sẽ là đô thị loại III trong tương lai

    Thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) sẽ là đô thị loại III trong tương lai

    09:20, 03/05/2024

  • Lan tỏa, kết nối đầu tư Bắc Ninh – Nhật Bản

    Lan tỏa, kết nối đầu tư Bắc Ninh – Nhật Bản

    10:32, 18/11/2023

  • Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) xúc tiến đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh

    Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) xúc tiến đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh

    20:59, 27/10/2023

  • Bắc Ninh: Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp, HTX

    Bắc Ninh: Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp, HTX

    17:18, 27/10/2023

  • Bắc Ninh: Dấu ấn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

    Bắc Ninh: Dấu ấn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

    08:08, 17/10/2023

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG