Vì sao lừa đảo mạo danh còn “đất diễn”?
Dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo việc mạo danh các cơ quan tổ chức để lừa đảo, nhưng số nạn nhân bị dính bẫy vẫn tăng. Đáng nói, các đối tượng lên tục thay đổi “kịch bản” một cách tinh vi…
>>Lừa đảo qua mạng lại bùng phát
Đủ kiểu mạo danh…
Ngày 9/5/2024 vừa qua, anh T.H.T. (cư trú tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhận được cuộc điện thoại từ đầu số 0924635… tự xưng là cán bộ cơ quan BHXH Đồng Nai thông báo hồ sơ BHXH của anh cần đồng bộ dữ liệu CCCD và yêu cầu anh lên cơ quan BHXH tỉnh để cập nhật lại thông tin.
15 phút sau, người này gọi lại anh T. hỏi có sử dụng phần mềm VssID không, anh T. trả lời có, người này trả lời nếu vậy thì không cần lên cơ quan BHXH và yêu cầu anh gọi số điện thoại khác để hướng dẫn cập nhật online. 10 phút sau, người này tiếp tục gọi lại và nói đang bận xử lý công việc nên sẽ chuyển hồ sơ của anh T. cho một người khác, có số điện thoại 0949025… để người này hỗ trợ cập nhật thông tin.
Nghi ngờ đối tượng lừa đảo, nên anh T. gọi điện thoại tới cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai để xác minh lại thông tin. Qua kiểm tra, BHXH tỉnh không có cán bộ nào có số điện thoại 0924635… và 0949025… gọi điện để yêu cầu đồng bộ dữ liệu, cập nhật CCCD.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương, đối tượng lừa đảo còn yêu cầu người dân cập nhật CCCD vào ứng dụng bằng cách truy cập đường link lạ có đuôi ".govvvn.com" trên thiết bị điện thoại di động và làm theo hướng dẫn.
Tại đây, màn hình hiển thị giao diện giống với ứng dụng "VSSID – BHXH số" của ngành BHXH Việt Nam. Sau đó, đối tượng yêu cầu người dân nhập số điện thoại và mật khẩu bất kỳ vào giao diện này. Sau khi nhập các thông tin như hướng dẫn người dân mất toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình.
Theo BHXH Việt Nam, tình trạng mạo danh người của cơ quan này yêu cầu đồng bộ dữ liệu CCCD còn xuất hiện tại nhiều địa phương khác như Hà Nội, Sóc Trăng, TP HCM… với cách lừa đảo tương tự.
Tại Hà Nội, Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng cho biết, các đối tượng lừa đảo đã làm giả cả giấy mời của đơn vị này để gửi cho các hộ kinh doanh trên địa bàn. Giấy mời giả mạo có nội dung cần liên lạc qua Zalo với một số điện thoại lạ, khi người dân liên hệ theo số này, đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển chi phí để được hỗ trợ hoàn thuế.
Đáng chú ý, đánh vào tâm lý của một số nạn nhân muốn lấy lại số tiền đã mất sau khi bị lừa đảo, nhiều đối tượng cũng đã mạo danh luật sư, kiểm sát viên hay nhân viên bộ phận tài vụ của một ngân hàng lớn, sau đó, chúng sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân trong việc "mất tiền nhưng có thể lấy lại tiền". Thông qua những lời dụ dỗ về việc "đặt cọc" để lấy lại tiền, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng trước một khoản tiền dựa trên phần trăm số tiền bị lừa đảo trước đó. Thấy số tiền này chỉ là một phần nhỏ trong số tiền bị mất, nhiều người đã nhẹ dạ cả tin chuyển tiền và kết quả là đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt, mất tiền đến 2 lần.
>>Bùng nổ lừa đảo dịp cuối năm: “Bẫy” giăng chằng chịt
Vì sao tội phạm còn đất sống?
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng lừa đảo người có xu hướng “rộ” lên từ đầu năm 2024 cho đến nay.
Trung tá Nghĩa cho rằng, điều này xuất phát từ 2 lý do. Thứ nhất là các quy định pháp luật về quản lý các nền tảng xuyên biên giới đang trong quá trình hoàn thiện, tiêu biểu là Nghị định 72 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được sửa đổi, sẽ sớm được trình Chính phủ xem xét ký ban hành.
Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 72 được ban hành, sẽ định danh được các tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới, trên cơ sở đó cơ quan quản lý mới có đủ căn cứ pháp lý yêu cầu các tổ chức xuyên biên giới cung cấp thông tin liên quan đến các tài khoản mạng xã hội mạo danh cơ quan chức năng, mạo danh tổ chức để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Vấn đề thứ hai theo Trung tá Vũ Trọng Nghĩa là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn so với trước. Các đối tượng lừa đảo hoạt động manh động hơn, xuyên biên giới, có sự cấu kết của các đối tượng trong nước và quốc tế, lấy các địa bàn ở các quốc gia, khu vực lân cận ngoài Việt Nam làm địa điểm để thực hiện hành vi phạm tội. “Do đó, quá trình điều tra, truy vết các hoạt động phạm tội lừa đảo phải có sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, thời gian xác minh và xử lý kéo dài hơn so với các vụ việc mà đối tượng lừa đảo hoạt động trong nước”, Trung tá Nghĩa chia sẻ.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cũng cho rằng, dù thủ đoạn không mới, song cách thức các đối tượng tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp (các đối tượng hoạt động hoặc đặt máy chủ ở nước ngoài), khó phát hiện, số lượng bị hại lớn trên khắp cả nước, việc này khiến loại tội phạm này vẫn hoạt động và công tác đấu tranh gặp khó khăn, hạn chế.
Bên cạnh đó, luật sư Biên cũng cho rằng, công tác quản lý nhà nước còn thiếu chặt chẽ, nhất là tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, ngân hàng, những doanh nghiệp này thường chậm trong việc thực hiện đưa ra các yêu cầu tra cứu, xác minh địa chỉ IP, cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm… đây là điều kiện phát sinh tội phạm. Ngoài ra, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện hoặc chưa có cơ chế quản lý, dẫn tới công tác phối hợp, áp dụng pháp luật giữa các đơn vị còn nhiều khó khăn.
“Người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè để tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo”, vị luật sư khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm