Vấn nạn lừa đảo qua mạng vẫn liên tục diễn ra với những chiêu trò tinh vi đã và đang làm nhức nhối xã hội, tuy nhiên, chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể xử lý trong “một sớm một chiều”…
Trong thời đại số, không gian mạng ngày càng được mở rộng, tạo ra không gian phát triển mới. Việc sử dụng Internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, lừa đảo trực tuyến cũng trở nên phổ biến và nguy hiểm hơn bao giờ hết.
>>Lừa đảo gọi vốn đa cấp: Vì sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?
Mới đây, ông Lã Văn Bính (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) phải cầu cứu cơ quan chức năng do bị Trung tâm mua sắm trực tuyến SGSHOP lừa trúng thưởng. Cụ thể, theo chia sẻ của nạn nhân, tháng 10/2023, ông Lã Văn Bính nhận được cuộc gọi của một người phụ nữ tự xưng tên Hồng Phúc thông báo thuê bao điện thoại của ông may mắn trúng thưởng qua kênh mua sắm của một đài truyền hình lớn. Để tạo niềm tin, bà Phúc giới thiệu bà đến từ Trung tâm mua sắm trực tuyến SGSHOP - đơn vị quản lý các kênh bán hàng của đài truyền hình.
Bà Phúc hướng dẫn ông Bính thực hiện 5 đơn mua hàng để hợp thức hóa việc nhận quà. Sau khi chuyển số tiền 14 triệu đồng mua 5 đơn hàng này, hồ sơ của ông Bính được chuyển cho người khác "tiếp quản" là bà Hải Vân, vì bà Phúc "bận mở rộng thị trường mới". Bà Vân hứa tiếp tục giúp ông Bính hoàn thành thủ tục để nhận quà trúng thưởng, với điều kiện ông phải thực hiện 17 đơn hàng khác với số tiền hơn 45 triệu đồng.
Sau đó, ông sẽ nhận được quà tặng là chiếc tủ lạnh 536 lít trị giá 32 triệu đồng, 1 phiếu mua hàng giảm giá 10 triệu đồng và tiền quảng cáo 25 triệu đồng. "Họ còn hứa sẽ nhờ đơn vị cung ứng điện máy mua lại những sản phẩm của 22 đơn hàng mà tôi đã mua trước đó" - ông Bính trình bày.
Trong thời gian này, ông Bính nhận được nhiều cuộc gọi hối thúc nhanh thực hiện đơn hàng của một số người tự xưng là ở "ban trao quà", "văn phòng kế toán", "trung tâm quà thưởng quốc gia", "quỹ đầu tư". Những người này hẹn ngày trao quà nhưng hết lần này đến lần khác không thực hiện cam kết.
Chưa dừng ở đó, ông Bính nhận được cuộc gọi thông báo hồ sơ nhận quà của ông đã hoàn thiện song vẫn còn thiếu gói 7 triệu đồng phí tổ chức sự kiện. Chuyển khoản 7 triệu đồng xong, ông Bính lại nhận được thông báo còn thiếu gói 8 triệu đồng phí lưu trữ kho, song được ưu đãi còn 4 triệu đồng.
Tưởng đã thực hiện đủ thủ tục nhận quà, không ngờ ông Bính tiếp tục nhận được điện thoại cho biết ông cần chi thêm 3 triệu đồng để làm thủ tục trao quà. Đến khi nhận thấy mình bị lừa, ông Bính đã mất trắng mấy chục triệu đồng.
Đáng nói, những nạn nhân tương tự trường hợp của ông Bính thực tế không ít, theo Báo cáo từ Tổ chức Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cho thấy, người Việt Nam bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng lên tới 16 tỷ USD, chiếm gần 1/3 so với tổng số tiền trên cả thế giới bị lừa đảo chiếm đoạt là 53 tỷ USD.
Chỉ tính riêng trong quý III năm 2023, có 790 vụ lừa đảo trên mạng đã được phát hiện. 1/4 số vụ truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Những con số đã cho thấy, vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đã và đang thực sự ở cấp báo động.
>>Tổng cục Thuế khuyến cáo những thủ đoạn "mạo danh cán bộ thuế" để lừa đảo
Theo các chuyên gia, lừa đảo trực tuyến bùng phát mạnh có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính. Các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gồm đối tượng lừa đảo giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa khách hàng có liên quan vụ án, đường dây tội phạm. Chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra.
Một hình thức lừa đảo mới xảy ra gần đây là kẻ gian giả mạo công chức, viên chức, cơ quan nhà nước hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo (VssID, VNeID, eTax Mobile,…) để chiếm quyền điều khiển điện thoại, thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và lấy cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng…
Là một luật sư từng tư vấn nhiều nạn nhân bị lừa trực tuyến, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác tránh rơi vào các kịch bản thao túng tâm lý người có tiền gửi ngân hàng từ các cá nhân, tổ chức tội phạm công nghệ cao.
Theo luật sư Biên, hiện không ít người gửi tiền đang hoang mang cho rằng không biết lúc nào mình sẽ là nạn nhân rơi vào bẫy lừa đảo, cũng như tài sản của họ gửi trong các tổ chức tín dụng nếu có xảy ra sự cố, ngân hàng sẽ bảo vệ khách hàng thế nào, hay cuối cùng người gửi tiền vẫn là người phải gánh chịu hậu quả "tiền mất tật mang".
“Do đó các tổ chức tín dụng cần tăng cường đầu tư công nghệ cao nâng cấp hệ thống bảo mật chống harker, có quy trình thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ của nhân viên ngân hàng khi tư vấn mở tài khoản mới, hướng dẫn khách hàng quản lý, sử dụng tài khoản an toàn”, luật sư Nguyễn Đức Biên kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Lừa đảo gọi vốn đa cấp: Vì sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?
00:30, 18/02/2024
Bùng nổ lừa đảo dịp cuối năm: “Bẫy” giăng chằng chịt
00:06, 07/02/2024
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài cuối: Tránh “bẫy” cách nào?
03:30, 19/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 4: “Bẫy tâm lý” lừa tiền tỉ
03:20, 16/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 2: Ăn “bánh vẽ”…thành nạn nhân
03:30, 14/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 1: “Thiếu” hiểu biết... “thừa” lòng tham
03:30, 13/11/2023
Nở rộ bẫy lừa “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”
03:30, 11/11/2023