Tin tưởng vào những lời quảng cáo kiếm tiền nhanh khi đầu tư qua mạng xã hội, nhiều người đã mất trắng hàng tỷ đồng, thậm chí phải vướng vòng lao lý bởi bị cuốn theo “vòng xoáy” của bạc tiền…
>>Nở rộ bẫy lừa “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”
Thời gian qua, mặc dù Cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, lôi kéo người chơi kinh doanh trên mạng internet, mạng xã hội nhưng vì hám lợi nhiều người vẫn mù quáng đầu tư, thậm chí để có tiền tiếp tục kinh doanh trên mạng một số người đã biến mình tự bị hại trở thành các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để rồi khi nhìn lại thì mọi chuyện đã quá muộn.
Cuối tháng 8/2023, Võ Thị Tuyết (SN 1990; trú tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) bắt đầu tham gia thực hiện nhiệm vụ đầu tư bán hàng online. Thời gian đầu, Tuyết cũng cẩn thận, dè chừng khi chỉ bỏ vài triệu tiền đặc cọc để nhận hàng. “Em chỉ bỏ ra 5 triệu trong tháng đầu tiên nhưng khi thực hiện nhiệm vụ được gần 1 tháng em đã có thu nhập hơn 15 triệu”, Tuyết cho biết.
Tham gia được hơn 1 tháng, thấy lợi nhuận cao cùng với suy nghĩ bản thân có kiến thức về kinh tế nên người phụ nữ này đã quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng vào thực hiện nhiệm vụ trên mạng để mong thu lợi nhuận lớn hơn. Tuy nhiên, sau khi Võ Thị Tuyết chuyển tiền thì hệ thống bị sập, các cách thức liên lạc với các đối tượng đã bị chặn. Đến lúc này, Tuyết mới tỉnh ngộ và biết mình chỉ là “con mồi” chứ không phải là “thợ săn”. Người phụ nữ này hối hận song đã quá muộn màng.
Điều đáng nói, để có số tiền hơn 3 tỷ đồng đầu tư trên mạng, lợi dụng vị trí công việc đang làm, sự tin tưởng của người dân, Võ Thị Tuyết đã nói dối với những người khác rằng có nhiều người cần vay tiền để “đảo khế” do khoản vay sắp đến thời hạn phải tất toán, sau khi giải ngân sẽ trả lại tiền. Với thủ đoạn trên, Tuyết đã lừa đảo chiếm đoạt với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng của các nạn nhân.
Tương tự như trường hợp trên, Trần Thị Soa (SN 1985; trú tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vốn chỉ làm công việc liên quan đến tâm linh. Tháng 5/2023, Soa bắt đầu “lấn sân” sang đầu tư chứng khoán. Mặc dù quá trình đầu tư, Soa từng bị mất trắng mấy chục triệu đồng và nhiều người khuyên nên chỉ tập trung vào công việc chuyên môn nhưng vì bị đồng tiền làm mờ mắt nên Soa đã đưa hết tài sản tích góp bao năm “nướng hết” vào đầu tư tiền ảo.
Để có tiền gỡ gạc, tiếp tục đầu tư, Trần Thị Soa đã nảy ra ý định lợi dụng lòng tin của một người thân, lừa đảo số tiền 1,63 tỷ đồng. Tuy nhiên, người phụ nữ này tiếp tục bị mất trắng toàn bộ số tiền, bị hệ thống đầu tư chặn toàn bộ cách thức liên lạc.
Trần Thị Soa hối hận: “Tin tưởng vào những lời quảng cáo kiếm tiền nhanh thông qua đầu tư trên mạng xã hội nên em đã tham gia. Ban đầu, em được “ăn” mấy khoản nên tưởng dễ lời, đã lao vào đầu tư để rồi mất trắng tài sản. Với suy nghĩ tiếp tục đầu tư để lấy lại tiền, em đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân để giờ đây, cái giá mình phải trả là quá đắt, vừa mất công việc, vừa phải xa gia đình, lại vướng vòng lao lý”.
>>Lừa đảo trực tuyến, diễn biến khó lường
Phân tích về nguyên nhân dẫn tới những vụ việc lừa đảo đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây, Th.S Nguyễn Hồng Ân, Giám đốc chương trình tâm lý học - Trường đại học Hoa Sen cho biết, các kế hoạch lừa đảo thường được dàn dựng công phu với mục tiêu làm tăng niềm tin của nạn nhân. Những chiêu thức này thường dựa vào bản tính xã hội và những hạn chế trong việc nắm thông tin và ra quyết định của con người.
"Thủ phạm thường tự xưng mình ở một vị trí có thẩm quyền như công an, cơ quan nhà nước, bác sĩ, luật sư… hoặc có mối quan hệ thân cận như gia đình, bạn bè để tạo niềm tin và tiếp cận nạn nhân. Thủ phạm thường sử dụng các kỹ thuật thuyết phục thông qua giọng nói, cử chỉ, sự khen ngợi, kích thích cảm xúc, … để làm nạn nhân mất chú ý vào nội dung thông điệp hay tính hợp lý của hành động", thạc sĩ Ân nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho biết, hiện nay các thủ phạm cũng có thể đánh vào mong muốn “thích được lợi, sợ mất cơ hội” của nạn nhân. Các kế hoạch cũng có thể nêu ra nhiều ví dụ khiến nạn nhân tin rằng đây là cơ hội mọi người đều sẵn sàng tham gia hoặc là một phần lợi ích riêng của nạn nhân, đánh vào cảm giác sợ bị “bỏ ngoài lề”. Bên cạnh đó, các kế hoạch thường đưa ra một lời hứa về quyền lợi hấp dẫn hoặc cho nạn nhân một số quyền lợi ban đầu khá dễ dàng, dẫn tới việc nạn nhân dễ chấp nhận và tin theo những đề nghị của thủ phạm cho đến khi “sập bẫy” một cú lừa lớn hơn.
Nghiêm trọng hơn, với những trường hợp nạn nhân đã tin tưởng hoàn toàn vào nghi can lừa đảo, thủ phạm có thể tiếp tục củng cố mối quan hệ lợi dụng và thiết lập sự phụ thuộc của nạn nhân vào mình. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng dài hạn và thiệt hại cho nạn nhân sẽ rất lớn.
Để phòng tránh những trường hợp trên, Th.S Ân nhấn mạnh, bên cạnh việc các cơ quan chức năng can thiệp, phát hiện sớm các thủ đoạn, sự chuẩn bị của mỗi cá nhân cũng rất quan trọng. Việc gia tăng hiểu biết những kỹ thuật, cách thức các kế hoạch lừa đảo hay sử dụng sẽ giúp chúng ta dễ nhận ra những hành vi thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, tập trung vào minh chứng về danh tính của người lạ, nội dung trong giao tiếp, tính hợp lý của hành động, tránh để bị kích động bởi cảm xúc, các mối lợi cũng giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn trước khi ra quyết định.
"Việc ra quyết định, đặc biệt các quyết định có liên quan đến thông tin cá nhân và tài chính, cần có thời gian để suy xét. Vì vậy, đứng trước những thông tin chưa chắc chắn, hãy dành thời gian để bình tĩnh suy nghĩ, cân nhắc các nguy cơ, tra cứu thông tin về người gọi và tìm sự cố vấn từ người thân hay các cơ quan chức năng để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trên mạng", thạc sĩ Ân nói.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm