Những năm gần đây, sự bùng nổ của khoa học công nghệ 4.0 đã mang lại cho con người vô vàn tiện ích nhưng cũng kéo theo những nguy hiểm rình rập mọi lúc, mọi nơi, nhất là cạm bẫy lừa đảo trực tuyến…
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Thậm chí, tháng 7/2023, Bộ Công an và Cục An toàn thông tin đã phải phát đi cảnh báo về 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng.
>>“Núp bóng” hội thảo, “lừa đảo” người già
“Biến hóa” tinh vi
Đáng chú ý, theo cơ quan chức năng, so với thời điểm trước dịch Covid-19, rất nhiều thủ đoạn mới đã được cập nhật như: Cuộc gọi video deepfake, deepvoice; giả danh nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu, tuyển người mẫu nhí hay thông báo khóa sim vì chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao… Tuy nhiên, đây chỉ là những thủ đoạn phổ biến và đến thời điểm hiện tại đã xảy ra, nạn nhân đã trình báo. Quy luật của tội phạm là luôn tìm mọi cách để “tinh vi hóa”, “hiện đại hóa” hành vi của mình, chính vì vậy, các thủ đoạn mới sẽ lại xuất hiện chỉ trong một thời gian ngắn.
Có thể thấy, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, khi người người, nhà nhà đều có mạng internet, có điện thoại, mà phần lớn là điện thoại thông minh, có tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng trực tuyến… thì những mối nguy hiểm từ các hành vi lừa đảo luôn rình rập mọi lúc, mọi nơi.
Các đối tượng sử dụng mọi danh nghĩa, từ cơ quan nhà nước (công an, viện kiểm sát, tòa án…), nhân viên y tế, ngân hàng đến “chuyên gia” mạng, chuyên gia “tài chính”, chuyên gia “tình cảm”… để tạo niềm tin cho nạn nhân. Giữa ma trận các danh nghĩa như vậy, người dân nhiều khi không biết đâu là thật, đâu là giả và không biết mình trở thành nạn nhân lúc nào.
Đáng nói, một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là tội phạm công nghệ cao thường sử dụng SIM rác và tài khoản ngân hàng không chính chủ để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nạn nhân, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Do đó, nhiều chuyên gia an toàn thông tin cho rằng, cùng với việc chuẩn hoá thông tin thuê bao mà ngành Thông tin và Truyền thông đang làm, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tăng cường các giải pháp nhằm loại bỏ các tài khoản không chính chủ ra khỏi hệ thống.
>>Lừa đảo qua mạng liên tục biến tướng
Quan trọng vẫn là ý thức người dùng
Đánh giá về tình hình an ninh mạng trong thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) Trần Đăng Khoa cho biết, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức chuyên về bảo mật nhằm ngăn chặn vấn nạn lừa đảo cũng như tấn công mạng đã diễn ra phổ biến nhằm mang lại môi trường mạng trong sạch.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đăng Khoa, công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng ở thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều hạn chế. Đơn cử như hiện vẫn còn hơn 38% hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ, tỷ lệ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ còn thấp.
Cùng với đó, nhân sự chuyên trách an toàn, an ninh mạng còn thiếu; năng lực nhân sự cũng chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức về an toàn, an ninh mạng của nhiều cơ quan, tổ chức và người dân còn hạn chế. Đồng thời ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, không cảnh giác trước các hình thức tấn công mạng mặc dù các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo.
Xung quanh câu chuyện này, các chuyên gia an ninh mạng đã ví việc ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng là một cuộc chiến trường kỳ, liên tục. Cuộc chiến không chỉ cần sự tham gia của cơ quan chức năng, doanh nghiệp bảo mật mà đóng vai trò quan trọng nhất là ý thức của người dùng. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dùng nhận biết dấu hiệu, cảnh giác với các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi.
Chia sẻ từ góc nhìn Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết: Trước diễn biến phức tạp này, NHNN đã thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách, bao gồm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo hướng quy định chặt chẽ hơn các quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng; sửa đổi, bổ sung Quyết định 630 của NHNN về Kế hoạch áp dụng giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; cho phép tổ chức tín dụng áp dụng phương pháp sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền vượt ngưỡng nhất định.
“Đặc biệt, hiện NHNN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để thực hiện nhiều nội dung triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trong đó có kết nối và khai thác CSDLQG về dân cư, làm sạch dữ liệu khách hàng, thông tin nhận biết khách hàng để góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán”, ông Tuyên chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm