Lập “nick ảo” giả danh doanh nhân, doanh nghiệp để thực hiện các “chiêu trò” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Điểm đáng nói, mặc dù các ngành chức năng liên tục phát đi những cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn lừa đảo, nhưng nhiều khách hàng, người dân vẫn dễ dàng bị “dính bẫy” do lơ là, mất cảnh giác.
Chiêu lừa trong mùa du lịch
Trước nhu cầu du lịch tăng cao của người dân trong nước và quốc tế, nhất là vào mùa cao điểm và dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây, nhiều đối tượng xấu đã giả danh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, thủ đoạn thường thấy là lập các trang fanpage “ảo”, mạo danh khu du lịch, khách sạn, resort, nhà nghỉ để lừa khách hàng đặt phòng.
Cụ thể, những fanpage này thường đăng tải hình ảnh và thông tin hấp dẫn với các chương trình khuyến mãi “giá sốc” như: Combo 2 ngày 1 đêm chỉ 399.000 đồng/người; Miễn phí buffet sáng và vé tham quan khu du lịch; Tặng kèm dịch vụ xe đưa đón tại bến xe hoặc sân bay,... Do lơ là, mất cảnh giác nên nhiều khách hàng đã tin tưởng đặt phòng để rồi “sập bẫy” do các đối tượng xấu giăng ra.
Chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Quốc Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Song Ngư Sơn xác nhận và cho biết: Hiện nay, nhu cầu đi du lịch của người dân ngày càng tăng cao, các đối tượng xấu đã lợi dụng tâm lý “ham rẻ” của khách hàng trong việc lựa chọn các dịch vụ du lịch để đưa ra những lời quảng cáo hấp dẫn, thực hiện “chiêu trò” lừa đảo.
“Dấu hiệu nhận diện thường thấy của các đối tượng xấu, đó là: Làm giả fanpage, website của các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch có uy tín; Quảng cáo với mức giá hấp dẫn, nhiều tiện ích đi kèm; Làm giả biên lai, hoá đơn thanh toán; Sử dụng số tài khoản cá nhân để nhận cọc từ khách hàng… nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân” – ông Trần Quốc Lâm nói.
Tương tự, đại diện Khách sạn Summer Cửa Lò cũng thông tin, đơn vị chỉ có duy nhất một trang fanpage, tuy nhiên hiện nay có nhiều fanpage giả mạo khách sạn trên mạng xã hội facebook. Mục đích là để khi khách hàng vào các trang fanpage giả và nhắn tin đặt phòng, các đối tượng xấu sẽ tạo ra một mã đặt phòng giả, có kèm thông tin của khách sạn, thông tin người đặt phòng và số tài khoản ngân hàng giống như của các khách sạn thật. Sau đó, chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt cọc từ 10% - 50% để giữ phòng.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi đã nhận được tiền cọc, các đối tượng xấu tiếp tục dẫn dụ khách hàng sang vòng lừa đảo thứ 2 bằng cách giả nhân viên lễ tân khách sạn, gọi điện báo cho khách hàng rằng đã chuyển sai cú pháp nội dung, không khớp với mã lệnh của hệ thống. Nếu khách hàng không tỉnh táo mà tiếp tục đăng nhập vào các đường link đó thì sẽ bị chiếm tài khoản và rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng.
Cần nâng cao tinh thần cảnh giác
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin TP Vinh cho biết, với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã lựa chọn những khách sạn, cơ sở lưu trú, địa điểm du lịch trên các fanpage lớn để lừa đảo. Đây là một hình thức lừa đảo mới bằng công nghệ cao, các đối tượng tư vấn cho khách hàng với cách thức rất chuyên nghiệp, nếu không cẩn thận và nâng cao cảnh giác, du khách sẽ rất dễ bị dính bẫy.
Trước đó, thông qua công tác bám cơ sở và nắm bắt tình hình, dự báo tình trạng lừa đảo trên không gian mạng sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa cao điểm về du lịch, ngành Công an cũng đã liên tục phát đi những cảnh báo về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lập website, fanpage giả mạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chính thống tại từng địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân các cách thức phòng tránh bị lừa đảo trong mùa du lịch. Trong đó, đối với khách du lịch luôn xác minh thông tin đặt phòng qua nhiều nguồn: Kiểm tra thông tin từ website chính thức, tổng đài hỗ trợ hoặc tham khảo qua các ứng dụng Booking.com, Agoda,…
So sánh, đối chiếu số điện thoại và email mà fanpage cung cấp với thông tin chính thức trên website của khu nghỉ dưỡng hoặc các trang uy tín về du lịch; đặc biệt là luôn cảnh giác với yêu cầu thanh toán ngay lập tức. Trường hợp công dân, khách du lịch phát hiện đã bị lừa đảo thì lưu giữ bằng chứng giao dịch, email, tin nhắn và biên lai giao dịch để làm bằng chứng và trình báo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Còn đối với các doanh nghiệp, cơ sở du lịch tại địa phương, cần tăng cường bảo vệ thương hiệu trên mạng xã hội. Doanh nghiệp du lịch cần đăng ký tick xanh chính thức trên facebook và các nền tảng khác để khách hàng dễ nhận diện. Thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các nền tảng thông tin, trang mạng xã hội giả mạo cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của mình; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời giải quyết, xử lý các vụ việc khi phát hiện.
Trong một diễn biến khác, cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế số, các doanh nhân, chủ doanh nghiệp gia tăng sự hiện diện của mình trên không gian mạng nhằm giao lưu, kết nối và nắm bắt tình hình đối tác, khách hàng. Tuy nhiên, đây được xem là “con dao hai lưỡi” khi bị các đối tượng xấu nhắm đến để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đơn cử như mới đây nhất là trường hợp lập “nick ảo” trên mạng xã hội facebook, giả danh Tổng Giám đốc Công ty CP Vilaconic. Theo vị doanh nhân này cảnh báo, các đối tượng xấu sẽ kết bạn rồi nhắn tin, dẫn dụ nạn nhân “click vào” đường link giả mạo để chiếm đoạt tài khoản. Sau đó, chúng sử dụng facebook vừa “hack” được nhắn tin cho bạn bè, người thân của họ để mượn tiền với nhiều lý do khác nhau…