Vẫn “phập phồng” nỗi lo “bà hoả”
Trong bối cảnh công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều bất cập thì các ẩn họa về cháy nổ vẫn là nỗi lo thường trực. Điều quan ngại hơn khi thời gian gần đây, các vụ hoả hoạn vẫn liên tục xảy ra…
Đặc biệt là ở những chung cư cao tầng khi xảy ra hoả hoạn, thiệt hại lại càng lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh công tác phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập, song hành với đó là tình trạng lơ là, thậm chí là buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở không ít nơi, ẩn họa mà “giặc lửa” gây ra lại càng là nỗi lo thường trực đối với người dân, doanh nghiệp.
>>“Hiểm họa” an toàn cháy nổ: Xe điện có phải “tội đồ”?
Tại Hà Nội, chiều ngày 19/5/2024, nhiều người dân bỏ chạy tán loạn khi hệ thống báo cháy kêu, khói đen bốc ra ngùn ngụt tại chung cư mini trên địa bàn quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Phải đến thời điểm 15h ngày 19/5, lực lượng chức năng mới khống chế, dập tắt được đám cháy. Theo ghi nhận, căn chung cư xảy ra cháy có địa chỉ số 269 - 271 Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội), rộng khoảng 7m, sâu 30m. Tầng 1 kinh doanh dịch vụ ăn uống, từ tầng 2 đến tầng 9 là các căn hộ mini, với hơn 30 phòng. Thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng cho biết, vụ việc đã may mắn khi không ghi nhận thiệt hại về người, còn thiệt hại về tài sản đang được thống kê.
Còn nhớ cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân cách đây không lâu, một vụ việc khiến dư luận bàng hoàng trong suốt thời gian dài bởi những nỗi đau và thiệt hại gây ra vẫn đang ám ảnh không ít người. Đó là vụ cháy chung cư mi ni tại phố Khương Hạ. Trong vụ thảm hoạ này, Công an Thành phố Hà Nội đã xác định, có sự thiếu trách nhiệm của cán bộ trong thảm hoạ này và do đó đã khởi tố các cán bộ liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước. Các sai phạm trong quá trình xây dựng chung cư này đã được chính quyền địa phương kiểm tra và phát hiện.
Tuy nhiên, việc xử lý không triệt để đã làm cho công trình tiếp tục tồn tại và xây dựng vượt quá 4 tầng so với giấy phép, tạo nên những vấn đề về phòng cháy, chữa cháy không thể giải quyết và như dư luận phản ánh. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ “thảm hoạ” trong đêm 12/9/2023 khiến 56 người tử vong.
>>TP.HCM cảnh báo nguy cơ cháy nổ vào mùa khô tăng cao
Sang năm 2024, số liệu báo cáo từ Công an TP Hà Nội cho biết, tại Hà Nội chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xảy ra 209 vụ cháy, khiến 05 người chết và 01 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 920 triệu đồng và đang tiếp tục thống kê.
Trước đó, các thống kê của lực lượng chức năng cho thấy, năm 2023 toàn quốc đã xảy ra hơn 3440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương hơn 109 người. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 371 tỷ đồng và 236 ha rừng. Trong đó, nhiều vụ cháy lớn xảy ra đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Phần lớn các vụ cháy xảy ra tại nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh và nguyên nhân các vụ cháy phần lớn là do sự cố hệ thống, thiết bị.
Nhìn vào những con số đáng lo ngại nói trên, cũng như hàng loạt vụ hỏa hoạn trong những năm gần đây ở các thành phố lớn, các địa phương gây hậu quả nặng nề về người và tài sản, cho thấy, cháy nổ xảy ra là điều không ai mong muốn. Lực lượng chức năng, các phương tiện truyền thông, báo chí đã truyền tải rộng rãi đến từng người dân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chính quyền cơ sở và từng người đứng đầu mỗi đơn vị về hiểm họa, nguy cơ của “bà hỏa” để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa.
Vấn đề đặt ra là ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định, pháp luật về phòng, chống cháy nổ của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cả các lực lượng chức năng ở cơ sở.
Song hành với việc nâng cao nhận thức, ý thức của tất cả cá nhân, đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, địa phương phải là việc siết chặt quản lý, xử lý nghiêm mọi vi phạm liên quan. Đây là hai đòi hỏi tất yếu để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc tương tự xảy ra.
Có thể bạn quan tâm