Ninh Thuận đẩy mạnh liên kết vùng

THÙY LINH 19/05/2024 13:35

Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để các tỉnh trong vùng triển khai bảo đảm tính liên kết, đồng bộ.

>> Ninh Thuận - miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo các địa phương.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo các địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 4; công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tình hình KT-XH năm 2023 của các tỉnh trong vùng đều tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, trong đó có tỉnh tăng trưởng 2 con số (Khánh Hòa tăng 10,35%).

Đối với Ninh Thuận, tăng trưởng GRDP 9,4%, xếp thứ 09/63 tỉnh, thành cả nước và thứ 02/14 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Điều này khẳng định sự nỗ lực, cố gắng lớn trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức; rút ngắn khoảng cách chênh lệch bằng 86,1% trung bình cả nước và đứng thứ 24/63 so với cả nước; cao hơn mức thu nhập bình quân vùng đứng thứ 03/14 đối với các tỉnh vùng Bắc trung bộ và duyên hải Miền Trung.

Kinh tế biển và Du lịch của vùng tiếp tục phát huy lợi thế, thu hút quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược, đóng góp chính cho tăng trưởng. Đối với Ninh Thuận, kinh tế biển đóng góp 41,85% GRDP của tỉnh; Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, tăng tính kết nối… góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển vùng, một số hạ tầng giao thông kết nối như cao tốc Bắc Nam, sân bay, cảng biển đang được tập trung triển khai.

Một số công trình thủy lợi quy mô lớn, hiện đại, đa mục tiêu đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, như Ninh Thuận đã được Trung ương quan tâm đầu tư hoàn thành Hệ thống thuỷ lợi Tâm Mỹ 219 triệu m3 đường ống thép cấp nước hơn 20 km hiện đại nhất Việt Nam liên thông hồ chứa phía Bắc tỉnh đã giúp Ninh Thuận từng bước đảm bảo nguồn nước cho nông nghiệp, các ngành kinh tế cả tỉnh để ổn định phát triển nông nghiệp.

ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại Hội nghị.

Cơ chế chính sách về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) tạo đột phá cho công nghiệp năng lượng tỉnh và tạo dư địa tỉnh tiếp tục phát triển từ quy hoạch điện VII, quy hoạch điện VIII đang triển khai. Công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo, thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng cao.

Công tác liên kết vùng được triển khai khá tích cực thông qua việc ký kết các chương trình hợp tác phát triển, trong đó tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh trong tiểu vùng Nam Trung bộ ký kết Chương trình hợp tác phát triển với Lâm Đồng, TP HCM, ĐắkLắk, Khánh Hòa, Phú Yên trên các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ và xúc tiến kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra, các tỉnh trong vùng đã tích cực tham gia, phối hợp trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình công tác của vùng, thiết lập hệ thống thông tin vùng, tổ chức nhiều hội thảo khoa học về liên kết phát triển vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với chủ đề “ Ninh Thuận-Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hậu cho rằng, hiện nay Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, khó khăn cho các địa phương trong vùng phát triển kinh tế biển, sắp xếp bố trí không gian biển để sử dụng khai thác hiệu quả tài nguyên môi trường biển làm cơ sở triển khai các chính sách, dự án đầu tư trên biển theo quy hoạch thuộc phạm vi quản lý; Kết cấu hạ tầng kết nối vùng còn hạn chế, thiếu đồng bộ; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và việc cơ cấu nguồn nhân lực chưa phù hợp với việc cơ cấu lại nền kinh tế; chất lượng giáo dục ở các vùng miền còn chênh lệch.

Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình liên kết, hợp tác phát triển vùng còn hạn chế, nhất là liên kết trong thu hút đầu tư kết nối hạ tầng liên vùng, liên kết xây dựng thương hiệu quốc gia phát triển du lịch; nguồn nhân lực; cơ chế điều phối trong liên kết giữa các địa phương mới được thực hiện bước đầu.

Ông Phạm Văn Hậu nhấn mạnh: Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 là văn bản pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để các tỉnh trong vùng triển khai bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, ổn định nhất là trong phát triển các công trình kết cấu hạ tầng liên vùng.

Cánh đồng điện gió ở Ninh Thuận

Cánh đồng điện gió ở Ninh Thuận

Trong số các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá có xác định đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế biển; đưa ra các chính sách khuyến khích người dân bám biển; xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mang lại hiệu quả trên các vùng biển có điều kiện thuận lợi, tiềm năng cao, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, phát huy tối đa lợi thế của vùng.

Theo quy hoạch vùng được duyệt, tỉnh Ninh Thuận được định vị phát triển năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió ngoài khơi, xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, nghiên cứu ứng dụng sản xuất hydrogen xanh. Trong lĩnh vực du lịch sẽ được tập trung phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đưa vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước theo 3 khu vực động lực phát triển du lịch quốc gia, trong đó Ninh Thuận nằm trong khu vực động lực gồm Khánh Hòa - Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận. Trong nông nghiệp, Ninh Thuận được định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với lợi thế đặc thù và nuôi trồng thủy sản ven biển.

Theo ông Phạm Văn Hậu, từ những định hướng của Quy hoạch vùng được duyệt, trong thời gian tới tỉnh Ninh Thuận nói riêng và các tỉnh trong vùng sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện.

Các đại biểu tham quan mô hình Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa carbon

Các đại biểu tham quan mô hình Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa carbon tại Hội thảo “Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa carbon”.

Về phương hướng thực hiện nhiệm vụ điều phối vùng trong năm 2024, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị; Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông…

Để thực hiện liên kết vùng theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW trong thời gian đến, tỉnh Ninh Thuận đề xuất, Chính phủ sớm ban hành và hướng dẫn chi tiết Bộ tiêu chí hoặc hướng dẫn lựa chọn các dự án mang tính chất liên vùng; thành lập cơ quan thực hiện chức năng điều phối cho cả vùng. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm xem xét tổng hợp Dự án động lực hạ tầng giao thông cơ bản kết nối từ Cảng biển Cà Ná, cao tốc Bắc Nam qua lên các tỉnh khu vực Nam Tây Nguyên vào Danh mục dự án phát triển liên kết vùng để được hưởng ưu đãi từ Cơ chế, chính sách đầu tư chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng.

"Theo quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 04/5/2024, trong đó có định hướng nâng cấp sân bay Thành Sơn thành sân bay lưỡng dụng và xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng Đề án để thực hiện 2 dự án trên. Do đó, đề nghị các cơ quan liên quan bổ sung 02 dự án này vào kế hoạch hành động năm 2024 của Hội đồng điều phối và tổng hợp vào danh mục các dự án ưu tiên thu hút các nhà đầu tư để được hưởng các cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược để triển khai thực hiện" - ông Phạm Văn Hậu đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Ninh Thuận tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng PCI 2023

    Ninh Thuận tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng PCI 2023

    17:59, 10/05/2024

  • Ninh Thuận - miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

    Ninh Thuận - miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

    08:14, 30/04/2024

  • Ninh Thuận mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm

    Ninh Thuận mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm

    17:30, 29/04/2024

  • Ninh Thuận phải phát huy hiệu quả 3 vùng động lực để tạo đột phá

    Ninh Thuận phải phát huy hiệu quả 3 vùng động lực để tạo đột phá

    13:14, 29/04/2024

THÙY LINH