Ninh Thuận - miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

THÙY LINH thực hiện 30/04/2024 08:14

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là cơ sở giúp tỉnh huy động nguồn lực một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao nhất...

Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/11/2023 được xem là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với định hướng phát triển, tạo ra sự đột phá của địa phương trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

- Thưa ông, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ khắc phục được những hạn chế gì trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như diện mạo của tỉnh hiện nay. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là cơ sở giúp tỉnh huy động nguồn lực một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao nhất; đây là kim chỉ nam để tỉnh hoạch định phương hướng phát triển, lãnh đạo, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển KT-XH, phát triển không gian trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Quy hoạch sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, cụ thể:

4 vùng lãnh thổ gồm: Vùng trung tâm (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận), vùng phía Bắc (huyện Thuận Bắc, huyện Ninh Hải), vùng phía Tây (huyện Ninh Sơn, huyện Bác Ái) và vùng phía Nam (huyện Ninh Phước, huyện Thuận Nam).

3 vùng động lực bao gồm: Vùng đô thị động lực Phan Rang - Tháp Chàm. Đây là vùng phát triển tổng hợp đa ngành với đô thị Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm vùng, các đô thị vệ tinh phụ trợ có các chức năng riêng biệt về công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, nông nghiệp... Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh là vùng phát triển công nghiệp, cảng biển, năng lượng, thương mại dịch vụ và du lịch... Vùng phát triển phía Tây là vùng phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng và du lịch.

3 hành lang kinh tế, gồm hành lang phát triển đa dạng bám dọc theo các trục tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua tỉnh, là hành lang có tiềm năng phát triển quan trọng và đa dạng nhất, kết nối hệ thống đô thị, công nghiệp, cảng biển của tỉnh Ninh Thuận. Hành lang phát triển sinh thái bám dọc theo trục Đông - Tây, Quốc lộ 27, 27B và không gian sinh thái dọc Sông Dinh, Vườn quốc gia Phước Bình kết nối phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo... Hành lang phát triển ven biển là khu vực phát triển du lịch là chủ đạo gắn với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Núi Chúa, phát triển sản phẩm du lịch khác biệt gắn với các đô thị ven...

Quy hoạch cũng đưa ra phương hướng phát triển 5 ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, gồm: Ngành năng lượng, năng lượng tái tạo; Ngành du lịch chất lượng cao; Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Ngành xây dựng và thị trường bất động sản. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển, đặt biệt tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

  Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tại Bình Dương với sự tham dự của lãnh đạo hai tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tại Bình Dương với sự tham dự của lãnh đạo hai tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp.

- Điều gì khiến ông cảm thấy tâm đắc nhất ở bản Quy hoạch này?

Quy hoạch đã tích hợp được tất cả nội dung quan trọng, cần thiết trong phát triển và định hướng phát triển của tỉnh đồng bộ với định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cùng với việc đề ra phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển, Quy hoạch còn đề ra phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội. Theo đó, đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển...

Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước.

- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong phát triển kinh tế -xã hội Ninh Thuận đó là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ông có thể cho biết, đâu là điểm đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh?

Thời gian qua, Ninh Thuận luôn chú trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh.

Một trong những việc làm nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp đó là tỉnh đã chú trọng tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp định kỳ để cùng với các doanh nghiệp trao đổi, nhìn nhận đánh giá chất lượng điều hành KT-XH của tỉnh, các sở, ngành, địa phương; lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp; chủ động hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các thủ tục về đầu tư.

Đặc biệt với việc thành lập của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (gọi tắt là Trung tâm) thực hiện mô hình mới với sự kết hợp của 3 chức năng xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, làm đầu mối để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời phối hợp hoạt động với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; tiến hành các hoạt động chương trình xúc tiến đầu tư, tham mưu tổ chức thành công các hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư...

  Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu năm 2024 do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức.

Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu năm 2024 do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức.

Năm 2024, tỉnh xác định tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư là một trong 3 khâu đột phá quan trọng; lấy doanh nghiệp là trung tâm, là động lực và mục tiêu cho sự phát triển, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; cắt giảm thực chất hơn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường; có giải pháp tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng, lực lượng lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Ninh Thuận cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; tối ưu hóa các quy trình, thủ tục hành chính liên ngành…

- Hiện nay, Ninh Thuận đã và đang huy động các nguồn lực đầu tư cho các công trình trọng điểm nào trên địa bàn nhằm góp phần hiện thực quy hoạch tỉnh, thưa ông?

Ninh Thuận đang huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng như: Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Thành Sơn, cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2; Lựa chọn nhà đầu tư dự án LNG. Đẩy nhanh triển khai dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái; các dự án hạ tầng truyền tải điện 500kV, 220kV, 110kV qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tập trung làm hạ tầng các khu công nghiệp: Du Long, Phước Nam, cụm công nghiệp Hiếu Thiện, Phước Tiến, Phước Minh 1 và Phước Minh 2. Sớm khởi công dự án điện khí LNG Cà Ná, khu công nghiệp Cà Ná; hoàn thành bến 1B và đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn 1 cảng biển tổng hợp Cà Ná.

Cùng với đó, tăng cường đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm Sunbay Park Hotel & Resort, Khu du lịch Bình Tiên, Khu du lịch sinh thái cao cấp Núi Chúa, Khu du lịch sinh thái bãi Thùng, Khu du lịch Cap Padaran Mũi Dinh, Dự án khách sạn quốc tế 5 sao...

- Trước thềm Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận, ông có thông điệp nào muốn gửi đến các các nhà đầu tư muốn đầu tư tại địa phương?

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tích cực phối hợp với chính quyền, thường xuyên có những trao đổi, phản biện, giám sát, góp ý và phản ánh để lãnh đạo tỉnh kịp thời nắm bắt và khắc phục. Đây cũng là cơ sở quan trọng để đánh giá việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, cũng như các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; tôn trọng pháp luật, nêu cao đạo đức kinh doanh vì lợi ích của cả doanh nghiệp và địa phương.

Về phía chính quyền, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để nhà đầu tư đến và ở lại Ninh Thuận, cùng với tỉnh xây dựng và đưa Ninh Thuận ngày càng phát triển.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận 10 năm tới phát triển dựa trên 5 trụ cột chính

    Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận 10 năm tới phát triển dựa trên 5 trụ cột chính

    10:48, 22/04/2024

  • Central Retail kết nối cung cầu, đưa nông sản Ninh Thuận vào hệ thống bán lẻ

    Central Retail kết nối cung cầu, đưa nông sản Ninh Thuận vào hệ thống bán lẻ

    16:00, 17/04/2024

  • Ninh Thuận: Kích cầu du lịch, thu hút đầu tư tại VITM Hanoi 2024

    Ninh Thuận: Kích cầu du lịch, thu hút đầu tư tại VITM Hanoi 2024

    20:29, 11/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ninh Thuận - miền đất hội tụ những giá trị khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO