35.100 lượng vàng miếng SJC được bán ra sau 1 tháng

LÊ MỸ 21/05/2024 14:00

Tính đến phiên đấu thầu thứ 8, Ngân hàng Nhà nước đã bán được 35.100 lượng vàng miếng ra thị trường, bao gồm 7.900 lượng vàng miếng SJC mà các tổ chức đã trúng thầu phiên 21/5.

>>>Sẽ đấu thầu vàng miếng với khối lượng, tần suất phù hợp cầu thị trường

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong phiên đấu thầu sáng 21/5, đã có 7.900 lượng vàng (79 lô) được bán ra cho 9 doanh nghiệp và ngân hàng với giá 89,42 triệu đồng/lượng.

Theo đó, kể từ khi tổ chức đấu thầu trong vòng gần tròn một tháng qua từ 22/4, NHNN đã bán được 35.100 lượng vàng.

Ngân hàng Nhà nước vừa bán tiếp 7.900 lượng vàng SJC cho 9 tổ chức thành viên tham gia đấu thầu

Ngân hàng Nhà nước vừa bán tiếp 7.900 lượng vàng SJC cho 9 tổ chức thành viên tham gia đấu thầu

Tính đến 13h30 chiều ngày 21/5, giá vàng SJC bán ra là 88,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 90,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, giảm nhẹ khoảng 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với sáng nay.

Có thể thấy mức giá trúng thầu vàng mà Ngân hàng Nhà nước bán ra sáng nay khá sát gần với giá đang giao dịch trên thị trường và chỉ thấp hơn một chút so với giá bán ra.

Cho đến nay, trong số 8 phiên đấu thầu vàng, đã có 5 phiên được tổ chức thành công. NHNN trước đó cho biết sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu với khối lượng và tần suất phù hợp nhu cầu của thị trường. 

Động thái can thiệp của NHNN ở việc tăng cung qua đấu thầu tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa thể trực tiếp tác động rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Sau khi lên đỉnh 2.450 USD/ounce, giá vàng thế giới hiện đang giao dịch ở mức 2.413 USD/ounce, quy đổi ra tiền Việt Nam khoảng 72,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn 17,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC. 

>>>Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng "sốc” sau phiên đấu thầu vàng

Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, từ phía doanh nghiệp và nhiều chuyên gia, quan điểm cần sửa Nghị định 24/2012 và xóa độc quyền vàng thường xuyên được nhắc tới. 

 TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, để sửa đổi Nghị định 24 và giải quyết vấn đề thị trường vàng, giải pháp là cân đối ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu nhằm tăng cung cho thị trường, qua đó giảm chênh lệch giá quá lớn. Nếu tăng cung, giá sẽ tự giảm.

Ông khuyến nghị, “NHNN có thể sử dụng vàng dự trữ hoặc nhập vàng về cho SJC gia công hoặc trả lại cho SJC quyền sản xuất gia công vàng miếng. Nếu NHNN lựa chọn chi ngoại tệ nhập khẩu vàng, hoạt động này nên được tính toán vào tổng kim ngạch nhập khẩu; đồng thời, vẫn cần phải duy trì dự trữ ngoại hối  ít nhất bằng 12 tuần nhập khẩu theo như khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)”.

Lưu ý rằng theo thống kê trong kỳ 1 tháng 5/2024, xuất khẩu hàng hóa đạt 14,0636 tỷ USD và nhập khẩu đạt 17,263 tỷ USD. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa tháng trong kỳ ghi nhận nhập siêu khoảng 2,6 tỷ USD. Mặc dù tỷ giá hiện tại đã có tín hiệu hạ nhiệt và nhập siêu được cho là có yếu tố mùa vụ, song nếu không có sự thay đổi và NHNN vẫn phải sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp tỷ giá, đây là yếu tố rất cần cân nhắc trong các động thái xem xét về chi ngoại tệ nhập khẩu vàng. 

Trong khi đó, trả lời báo chí mới đây, TS. Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM cũng cho rằng, việc NHNN đứng ra đáp ứng nguồn cung vàng bằng đấu thầu vàng miếng sẽ không thể là giải pháp khả thi bởi mới chỉ đáp ứng một chiều. Ông nhận định đối với chuyện xóa bỏ độc quyền thương hiệu SJC, cần xác định một quốc gia phải có tiêu chuẩn vàng thống nhất. "Điều này tuyệt đối không thể cho phép bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC được, mà chỉ sửa lại điều kiện sản xuất vàng miếng không chỉ từ NHNN mà từ công ty kinh doanh vàng khác".

Ngoài ra, theo TS. Lê Đạt Chí, cần xác định đâu là khu vực đầu cơ tích trữ vàng lớn nhất trong nền kinh tế để có giải pháp tác động đến nhóm này qua thanh tra.

Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về chính sách tài khóa, tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất, ngày 18/5, Thủ tướng nhắc lại mục tiêu điều hành thị trường vàng đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả, minh bạch, không để vàng hóa nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Trước đó ngày 17/5, NHNN công bố quyết định thanh tra việc kinh doanh vàng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong 4 năm gần đây. Thủ tướng nhắc cơ quan này hoàn thành thanh tra trong tháng 5. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Quá nhiều “cú hích”, giá vàng sẽ tăng vọt tới đâu?

    Quá nhiều “cú hích”, giá vàng sẽ tăng vọt tới đâu?

    04:20, 19/05/2024

  • Giá vàng thế giới tăng

    Giá vàng thế giới tăng "sốc", tái lập mốc 2.400 USD/ounce

    11:04, 18/05/2024

  • Giá vàng thế giới tăng vượt đỉnh lịch sử, chạm mốc 2.450 USD/ounce

    Giá vàng thế giới tăng vượt đỉnh lịch sử, chạm mốc 2.450 USD/ounce

    16:45, 20/05/2024

LÊ MỸ