Dù FED chưa cắt giảm lãi suất, nhưng có quá nhiều chất xúc tác đang đẩy giá vàng tăng cao hơn nữa trong dài hạn.
>> Kinh tế Mỹ nguy cơ đình lạm, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế lại tiếp tục tăng mạnh sau chuỗi ngày điều chỉnh, tích luỹ. Theo đó, giá vàng quốc tế đã tăng từ mức 2.332 USD/oz lên tới mức 2.422 USD/oz và đóng cửa ở mức 2.414 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng vẫn đang quay quanh mức 90 triệu đồng/lượng dù NHNN liên tục tổ chức đầu thầu vàng trong thời gian qua.
FED cho biết các khoản nợ của các hộ gia đình Mỹ lập kỷ lục mới với 17,69 nghìn tỷ USD, tăng 1,1% so với quý 4 năm 2023. Tệ hơn nữa, số lượng nợ quá hạn đang gia tăng khi các hộ gia đình phải vật lộn để trang trải cuộc sống trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao.
Dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy lạm phát vẫn tăng mạnh hơn dự kiến. Bộ Lao động Mỹ lưu ý trong tuần này rằng Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,5% trong tháng 4 so với tháng 3 và tăng 2,2% so với năm trước. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), chỉ số lạm phát chính của FED, đã tăng 2,7% trong tháng 3 từ mức 2,5% trong tháng 2. CPI tháng 4 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý 1/2024, GDP của Mỹ chỉ tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2024, thấp hơn nhiều mức dự báo 2,4% và là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý 2/2022. Nhiều chuyên gia nhận định nếu lạm phát tiếp tục tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì kinh tế Mỹ có nguy cơ bị đình lạm. Nỗi lo đình lạm tiếp tục khiến các nhà đầu tư quay sang vàng để phòng ngừa rủi ro, bất chấp FED cảnh báo tiếp tục trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.
Lạm phát của Mỹ dai dẳng, tăng trưởng kinh tế suy giảm, nợ công tăng cao, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực diễn biến phức tạp… đã dẫn đến việc các ngân hàng trung ương mua vàng vào mạnh mẽ, đặc biệt ở Trung Quốc và khu vực Trung Đông.
Trong quý 1/2024, các ngân hàng trung ương (NHTW) đã mua 290 tấn vàng- quý mua vàng lớn nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, nhu cầu vàng của các NHTW trong 7 quý vừa qua đã vượt quá 40 triệu ounce (1.134 tấn). Con số này cao hơn gần 2 triệu ounce so với mức trung bình hàng quý từ quý 1/2010 đến quý 2/2022. Đây là lực đỡ rất vững chắc cho bước tiến của giá vàng trong dài hạn.
>> "Sức bật" giá vàng còn lớn
Bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết các NHTW, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, đã tích trữ vàng trong những năm gần đây như một biện pháp phòng ngừa bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là phòng ngừa các lệnh trừng phạt do Mỹ và phương Tây áp đặt.
Bên cạnh đó, Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang phát triển phiên bản IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT) của riêng mình nhằm hướng tới phi đô la hóa. Điều này đặt ra mối đe dọa đối với trật tự thế giới toàn cầu do Mỹ thống trị và có thể khiến USD ngày càng giảm giá trị, qua đó đẩy giá vàng tăng mạnh.
Ngoài ra, thế giới đang chứng kiến tình trạng mất cân bằng toàn cầu và đối diện nguy cơ xảy ra nhiều cuộc chiến thương mại liên quan đến thuế quan. Mới đây, Mỹ lại áp thuế cao đối với khoảng 18 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, bao gồm xe điện, các sản phẩm pin đời mới, pin mặt trời, thép, nhôm và thiết bị y tế, khiến nhiều chuyên gia quan ngại chiến tranh thương mại Mỹ- Trung sẽ nóng trở lại.
Động thái trên của Mỹ có nguy cơ khiến giá hàng hóa tăng cao và gây tổn hại cho chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần khiến FED thất bại trong cuộc chiến chống lại lạm phát. Và nguy hiểm hơn, Trung Quốc sẽ trả đũa, đồng thời tiếp tục giảm lượng mua trái phiếu kho bạc Mỹ để mua thêm vàng. Điều này tác động tiêu cực đến USD và hỗ trợ cho giá vàng.
Trong khi đó, dữ lượng vàng toàn cầu chỉ có hạn. Do đó, sản lượng vàng khai thác sẽ ngày càng giảm. Điều này cũng sẽ làm thu hẹp nguồn cung, đẩy giá vàng dài hạn tăng cao hơn nữa.
Trước bối cảnh trên, nhiều chuyên gia, tổ chức tài chính dự báo giá vàng sẽ ngày càng tăng cao, có thể lên tới 3.000- 4.000 USD/oz, thậm chí cao hơn nữa. Trong đó, Citibank vừa đưa ra dự báo giá vàng quốc tế sẽ tăng lên mức 3.000 USD/oz trong 6- 18 tháng tới.
Ông James Stanley, chuyên gia cấp cao tại Forex.com, cũng tin rằng vàng sẽ còn tăng giá hơn nữa trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn, dù giá vàng khó tránh khỏi những điều chỉnh, tích luỹ, không loại trừ khả năng xuống 2.300 USD/oz nhưng điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho đà tăng của giá vàng”, ông James Stanley nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng tuần tới: 3 đòn bẩy đáng chú ý
11:20, 07/04/2024
Giá vàng tuần tới: Rủi ro nào tiềm ẩn?
04:20, 31/03/2024
Giá vàng tuần tới: Coi chừng đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược!
11:20, 24/03/2024
Giá vàng tuần tới: FED sẽ bớt “diều hâu”?
04:20, 17/03/2024
Giá vàng tuần tới: “Giật mình” với áp lực lạm phát
04:20, 18/02/2024
Giá vàng tuần tới: Lại lo khủng hoảng ngân hàng Mỹ
04:20, 04/02/2024
Giá vàng tuần tới: USD sẽ là yếu tố dẫn dắt
04:20, 21/01/2024