Sắp tăng lương - Làm gì để chống “bão giá”?
Với giá cả như hiện tại và có thể tăng thêm trong tương lai, liệu phần lương được tăng từ ngày 1/7 tới đây có bù được trượt giá, lạm phát?
>>Tăng lương tối thiểu vùng: Cần sự chia sẻ và đồng cảm
Gọi bát canh bánh đa ăn sáng theo thói quen của người dân Hải Phòng xong tôi đưa tờ tiền mệnh giá 100 ngàn, được trả lại 70 ngàn rồi nhưng tôi cứ đứng đợi vì nghĩ chủ quán còn đưa thiếu 10 ngàn. Thấy tôi cứ đứng tần ngần, bà chủ quán mới bảo:
- Bánh đa cua giờ 30 ngàn rồi cháu, 20 ngàn thì ít đồ lắm ăn không đủ, chứ không phải cô trả thiếu đâu.
Ăn sáng xong còn sớm, tôi ghé sang quán bên cạnh gọi cốc cà phê sữa đá, lướt Facebook tí, đứng dậy thanh toán thì giá cốc cà phê cũng đã tăng lên 25 ngàn. Thắc mắc thì chủ quán bảo:
- Tháng 7 mọi người được tăng lương, còn đội kinh doanh chúng tôi có ai tăng cho đâu, trong khi mọi thứ như nguyên liệu, điện, nước, xăng dầu đều lên. Chúng tôi phục vụ cũng phải có lương chứ.
Thế đấy! Lương tăng chưa thấy đâu mà giá cả đã tăng như… “vũ bão”. Bình thường, sáng ra chi phí cho bản thân chỉ tầm 40 ngàn quay đầu, giờ phải chi thêm 15 ngàn mới đủ. Một ngày như vậy, nhân lên cả tháng sẽ là tầm 450 ngàn. Tính nhanh cũng là phải chi thêm 37% so với mức thông thường.
Quốc hội thông qua ngày thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW là ngày 1 tháng 7 năm 2024 được quy định tại Nghị quyết 104/2023/QH15.
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân, cảnh sát… những người thuộc diện được cải cách tăng thêm tiền lương tầm 30% với cả lương cơ bản và phụ cấp liệu có thêm được tích luỹ hàng tháng, hay phần tăng thêm chỉ được bù vào phần chi phí sinh hoạt tăng cao? Năm 2025 mức lương sẽ tiếp tục được điều chỉnh với dự kiến tăng 7% liệu có đủ bù trượt giá, lạm phát?
Cải cách tăng lương là điều hết sức đúng đắn. Chính phủ nỗ lực điều chỉnh đáp ứng nguyện vọng chính đáng, đông đảo của cán bộ, công, viên chức… làm công ăn lương, cải thiện đời sống vật chất, kinh tế cho bản thân họ và gia đình, kích thích cả nền kinh tế vĩ mô phát triển khi lượng tiền mặt lớn được bơm thêm ra ngoài thị trường.
Nội dung cải cách lần này rất văn minh, không cào bằng, dàn đều mà Nghị quyết 27-NQ/TW tiến hành xây dựng hệ thống bảng lương theo vị trị chức vụ, người đứng đầu sẽ hưởng lương cao hơn kèm các trách nhiệm đi kèm, nhưng đảm bảo không bị hạ thấp hơn mức lương cũ. Hiểu đơn giản là trả lương theo năng lực và mức độ cống hiến, có trách nhiệm phân bổ quy định mức lương của cấp dưới theo lượng công việc, chất lượng, tính chất công việc.
Phần còn lại là xây dựng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch, bậc, chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng cho người không giữ chức danh lãnh đạo. Hiểu đơn giản là như bảng lương của doanh nghiệp nước ngoài - anh có nắm giữ các chuyên môn, kĩ năng đặc biệt như giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ, phần mềm anh sẽ được hưởng thêm lương ở phần công việc anh có cống hiến đóng góp.
>>Tăng lương: Vui ít, lo nhiều
Hệ số, bậc lương của công chức, viên chức nhà nước theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP đã hoàn thành sứ mệnh của mình để chuyển đổi sang việc bãi bỏ mức lương cơ sở theo hệ số, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Những cán bộ công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách thì khấp khởi chờ tăng lương với tâm trạng nửa mừng nửa lo. Vì lương chưa tăng mà giá cả sinh hoạt đã tăng như bão dù bây giờ chỉ mới tháng 5, còn nhiều thứ như tiền thuê nhà, học phí các môn học bên ngoài đang đợi thời điểm tăng lương để tăng theo.
Ở khối công nhân viên làm cho các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì người lao động chỉ có nỗi lo duy nhất khi sắp phải đương đầu với bão giá tháng 7. Công nhân viên thuộc khối này và khối doanh nghiệp tư nhân không thuộc diện đối tượng được cải cách tiền lương tháng 7 tới. Họ được hưởng mức lương theo quy định nhà nước khống chế về mức lương tối thiểu theo vùng. Mức lương này chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu đảm bảo xoá đói, giảm nghèo chứ chưa thể nói là đủ sống.
Ví dụ như ở Hải Phòng - một thành phố cấp 1 trung ương, lương tối thiểu thuộc vùng 1 là 4.680 ngàn đồng thì người lao động khó có thể nói là đủ sống chứ đừng nói tới tích luỹ. Họ phải tăng ca, thêm giờ, làm ngày nghỉ… mới duy trì được mức sống “ráo mồ hôi là hết tiền”, chứ đừng nói đến đảm bảo chi phí cho người phụ thuộc như con nhỏ, cha mẹ già…
Vẫn biết mức lương tối thiểu đặt ra là để thu hút đầu tư nước ngoài vào tận dụng nguồn lao động giá rẻ ở Việt Nam, tạo sự cạnh tranh về thị trường lao động. Nhưng với tình hình và vị thế hiện nay, Việt Nam cần chuyển đổi cách tính lương tối thiểu cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho người lao động ở khối ngoài nhà nước.
Bên cạnh đó, phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cấp chuyên gia, quản lý thay vì chỉ kêu gọi đầu tư vào sử dụng nhân công giá rẻ. Việc cần làm ngay là kiềm chế lạm phát, tránh “bão giá” ảnh hưởng đến đời sống người lao động - những người đêm ngày làm ra của cải vật chất thực tế cho xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Tăng lương tối thiểu vùng: Cần sự chia sẻ và đồng cảm
01:30, 25/07/2023
Bất cập thuế thu nhập cá nhân – Đừng để tăng lương chỉ trên “danh nghĩa”
04:00, 17/07/2023
Tăng lương - chuyện trong nhà tôi
04:00, 04/07/2023
Tăng lương: Vui ít, lo nhiều
11:10, 02/07/2023
Bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ tăng lương
17:31, 06/05/2023