Nhân lực trong doanh nghiệp khởi nghiệp
Phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng và là động lực chính đảm bảo doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Có bốn nhu cầu quan trọng thiết yếu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần phải có, gồm kiến thức, trải nghiệm, đổi mới, hành động…
Các hình thức phát triển nhân lực
Để đáp ứng được 4 nhu cầu trên, sẽ có 4 hình thức tương ứng để phát triển nhân lực trong doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN).
Đào tạo (training): giúp DNKN có khả năng hiểu, áp dụng, phân tích và đánh giá các chức năng quan trọng của kinh doanh như marketing, quản lý tài chính, thiết kế/ quản lý sản phẩm/ dịch vụ.
Cố vấn (mentoring): nhằm mang lại lợi ích từ kinh nghiệm và hiểu biết của người đi trước. Nhà cố vấn chia sẻ các thành công, thất bại, bài học và kinh nghiệm xử lý các vấn đề cho đội ngũ trong doanh nghiệp khởi nghiệp, từ đó doanh nghiệp tự mình rút ra những kiến thức, bài học kinh nghiệm từ những người đi trước.
Khai vấn (coaching): tập trung cho kích hoạt các năng lực tiềm ẩn trong mỗi cá nhân. Thông qua quá trình khai vấn, các tư duy, tâm thế, phương pháp giải quyết vấn đề sẽ do tự mỗi cá nhân khám phá, cài đặt lại cho mình để đổi mới sáng tạo vượt qua khó khăn. Khai vấn giúp tăng cường tự tin và động lực thực hiện đổi mới sáng tạo.
Tư vấn (Consulting): tập trung vào giải quyết các vấn đề cụ thể hoặc cung cấp giải pháp cho các bài toán kinh doanh như lập kế hoạch chiến lược, phân tích thị trường và quản lý rủi ro.
>>Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên: Vun đắp khát vọng lập thân, lập nghiệp
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Để tạo ra một chiến lược phát triển toàn diện nguồn nhân lực trong DNKN, cần xây dựng bốn mục tiêu thành phần của từng giai đoạn khởi nghiệp. Một DNKN thường đi qua các giai đoạn cụ thể:
01-Tìm hiểu định hướng và chuẩn bị khởi nghiệp: các hoạt động tập trung vào đào tạo các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp. Hình thức cố vấn tập trung vào các bài học, kinh nghiệm chuẩn bị khởi nghiệp hiệu quả. Hình thức tư vấn tập trung vào các cơ hội khởi nghiệp cũng như các mô tả các ngành và lĩnh vực khởi nghiệp trong hiện tại và tương lai.
02- Phát kiến ý tưởng - tìm kiếm đội nhóm: các hoạt động đào tạo tập trung vào các quy trình, công cụ, mô hình giúp cho các nhà khởi nghiệp có thể tạo ra nhiều ý tưởng và lọc ý tưởng hiệu quả. Hình thức cố vấn là giải pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp có được các năng lực này. Hình thức khai vấn đặc biệt quan trọng khi giúp kích hoạt năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân trong giai đoạn này.
03- Hoàn thiện ý tưởng và xây dựng sản phẩm mẫu: Hai hình thức mạnh mẽ trong giai đoạn này chính là tư vấn giải quyết các bài toán khó trong hoàn thiện ý tưởng cùng với khai vấn tiếp tục duy trì năng lượng sáng tạo bản thân tạo ra những giá trị và thuộc tính đột phá cho sản phẩm mẫu.
04- Đi ra thị trường: Đào tạo đóng vai trò cốt yếu trong giai đoạn này vì DNKN rất thiếu các kiến thức như xây dựng hệ thống bán hàng, kiến tạo trải nghiệm khách hàng, sử dụng marketing online... Bên cạnh đó rất cần các phiên tư vấn nhằm giúp giải các bài toán cụ thể trong quá trình ra thị trường.
05- Nhân rộng và gọi vốn: Trong giai đoạn này cả ba hình thức gồm đào tạo, cố vấn và tư vấn đều cần phải sử dụng tối đa giúp cho nhà sáng lập/ đồng sáng lập khởi nghiệp. Họ cần được đào tạo về định giá doanh nghiệp cũng như quá trình quản trị tài chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ cần phải được cố vấn về những bài học và kinh nghiệm làm việc với các quỹ,...
Trích KỶ YẾU DIỄN ĐÀN ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA NĂM 2024
Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp- Đại học Quốc gia Hà Nội
Có thể bạn quan tâm