Cơ chế DPPA cần mở rộng phạm vi khách hàng
Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) cần định nghĩa rõ như thế nào là khách hàng lớn, trong đó cần coi chủ đầu tư khu công nghiệp là một khách hàng lớn và cần mở rộng đối tượng phạm vi khách hàng.
>>Thị trường mua bán điện trực tiếp có thể được áp dụng
Đây là một trong những nội dung cần làm rõ tại thông báo số 232/TB-VPCP theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Cụ thể: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương cần làm rõ hai trường hợp: Một là trường hợp bên mua, bên bán ký hợp đồng trực tiếp và kết nối đường dây trực tiếp với nhau, không thông qua hệ thống lưới điện của quốc gia, thì cần nêu rõ Quy hoạch điện VIII không hạn chế về quy mô công suất, các dự án phát triển điện NLTT (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà), điện sản xuất từ rác, điện sinh khối chỉ cần phù hợp với Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch; Nghị định cần quy định cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể (về thuế VAT, môi trường, phòng cháy chữa cháy, điều kiện kỹ thuật đảm bảo an toàn trong sản xuất và sử dụng điện, an toàn trong xây dựng), trình tự thủ tục đơn giản để khuyến khích tối đa; không quy định cứng về hợp đồng mà để các bên tự thỏa thuận theo cơ chế thị trường;
Hai là đối với trường hợp bên mua, bên bán ký hợp đồng với nhau trực tiếp nhưng phải thông qua hệ thống đường dây truyền tải điện quốc gia, cần làm rõ vai trò của Nhà nước và của EVN và của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia trong việc: Công bố công khai minh bạch về nhu cầu phụ tải của từng khu vực, vùng, miền và khả năng điều độ, tính toán khả năng truyền tải, để công bố công suất nguồn điện NLTT có thể hấp thụ tại các khu vực. Bên cạnh đó EVN phải cung cấp thông tin về quy mô các nguồn điện NLTT được ký kết Hợp đồng mua bán điện để báo cáo với Bộ Công Thương điều chỉnh từ các loại điện nền như than, khí, thủy điện...
Đặc biệt cần định nghĩa rõ khách hàng lớn, trong đó cần coi chủ đầu tư khu công nghiệp là một khách hàng lớn và cần mở rộng đối tượng khách hàng là các nhà cung cấp dịch vụ, không nên chỉ giới hạn là các nhà sản xuất;
Trong đó về đối tượng áp dụng: Bên bán nếu muốn mua bán điện qua đường dây riêng, bên mua điện phải tiêu thụ trung bình từ 500.000 kWh/tháng trở lên, giá bán điện do hai bên tự thỏa thuận.
Nếu mua bán điện qua lưới điện quốc gia, bên bán điện phải có nhà máy điện, đảm bảo điều kiện với công suất từ 10 MW trở lên và bên mua là khách hàng phải đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên, có sản lượng tiêu thụ trung bình hằng tháng từ 500.000kWh trở lên.
Có thể thấy chính sách DPPA dự kiến ban hành tới đây sẽ là cơ sở khuyến khích, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, có độ mở, theo cơ chế thị trường.
Về giá bán điện, Phó Thủ tướng có đề nghị một số khái niệm điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối hoặc điện tái tạo sử dụng pin lưu trữ cần được định nghĩa rõ, trong đó nếu điện từ NLTT mà sử dụng pin lưu trữ thì coi đó là điện nền và cần có chính sách giá điện cho loại hình điện NLTT kết hợp pin lưu trữ phát vào các khung giờ cao điểm của hệ thống điện. Vì loại hình điện này khi mà nhà nước thiếu điện sẽ được tính toán phương án bổ sung để ưu tiên sớm và cần nghiên cứu thêm về giá điện 2 thành phần.
Trước Dự thảo Cơ chế DPPA trên, một số chuyên gia năng lượng tái tạo cho biết nội dung dự thảo DPPA này nếu áp dụng khả năng chỉ dùng được phương án mua qua đường dây riêng. Phương án mua qua thị trường sẽ khó thực hiện được, bởi các nhà đầu tư nguồn điện sẽ không muốn tham gia.
>>Điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu”: Cân nhắc phương án khả thi
Theo như dự kiến triển khai DPPA qua đường dây riêng, tổng công suất dự kiến đăng ký rất bé, chưa đến 1000 MW chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng sản lượng hệ thống. Cũng theo ý kiến của chuyên gia thị trường điện này, thì triển khai DPPA sớm sẽ giúp chúng ta có nhiều lợi ích. Cụ thể:
Thứ nhất, như hiện nay giá điện lĩnh vực công nghiệp được hộ dân và hộ thương mại bù chéo giá điện, vì vậy với sản lượng DPPA trên chưa đủ bù vào khoảng chênh lệch cho việc bù chéo do mảng công nghiệp tiêu thụ. Do đó giải pháp DPPA qua đường dây riêng sẽ góp phần kéo giảm bù chéo giữa hai lĩnh vực trên, từ đó giúp giảm lỗ EVN, khiến giảm tình trạng tăng giá điện.
Thứ hai, chi phí giá điện bán lẻ cuối hiện nay nguồn 80%, lưới 20% nên nếu sản lượng DPPA như trên mà EVN mất đi không cấp hoàn toàn chưa ảnh hưởng đến phí truyền tải và chi phí phân phối (20%) này.
Chẳng hạn như các phụ tải dùng DPPA hiện nay như nhà máy lego là phụ tải mới hoàn toàn, nếu họ xây dựng nguồn là rất khuyến khích. Bởi chúng ta hiện tại về năng lực vẫn chưa xây dựng được đường dây mới và nguồn cho các phụ tải này. Do đó Cơ chế DPPA thí điểm cho 1000 MW hiện nay là hoàn toàn phù hợp, góp phần tăng nguồn cho hệ thống, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và có lợi cho tất cả cho các bên tham gia gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng điện.
Có thể bạn quan tâm
Lợi ích và khả năng cạnh tranh của năng lượng tái tạo
21:35, 11/04/2024
Phát triển năng lượng tái tạo: "Cần cơ chế thiết thực cho doanh nghiệp"
21:20, 11/04/2024
Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) trường hợp nào sẽ bền vững hơn?
05:00, 03/08/2023
Doanh nghiệp mong mỏi chính sách điện mặt trời mái nhà
04:00, 07/05/2024
Khuyến nghị an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống điện mặt trời mái nhà
05:00, 25/04/2024