Kinh tế châu Âu sắp “hạ cánh mềm”
Các chỉ số gần đây cho thấy triển vọng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trên đà “hạ cánh mềm”.
>> "Hé lộ" bức tranh kinh tế châu Âu năm 2024
Kinh tế Eurozone khởi sắc được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại triển vọng tích cực cho hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thoát suy thoái
Sau khi rơi vào trạng thái suy thoái nhẹ giai đoạn cuối năm 2023, hàng loạt nền kinh tế của Eurozone có dấu hiệu phục hồi trở lại trong quý I/2024. Mức tăng trưởng cả quý 1/2024 là 0,3% tại EU cũng như Eurozone tuy khá khiêm tốn, nhưng có ý nghĩa bước ngoặt đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ trì trệ, luôn mấp mé “bờ vực” suy thoái.
Trong khi đó, lạm phát tại khu vực Eurzone vẫn ổn định trong tháng 4 ở mức 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với kỳ vọng và gần với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Đặc biệt, một tín hiệu khả quan khác là tiền lương tại Eurozone tăng lên. Điều này giúp khả năng mua sắm thực tế mạnh lên, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trước bối cảnh tích cực của kinh tế Eurozone, giới chuyên gia dự báo ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024. Do đó, kịch bản “hạ cánh mềm” có thể sẽ trong tầm tay của Eurozone.
Động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế của Eurozone đến từ nguyên nhân bền vững: Sức bật của tiêu dùng tư nhân được hỗ trợ bởi lạm phát giảm, sức mua phục hồi và sự tăng trưởng trên thị trường việc làm. Đây cũng là điểm tựa cho kinh tế “lục địa già” trong giai đoạn tới.
Theo dự báo kinh tế mùa xuân, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU sẽ đạt 1% ở năm 2024. Cùng kỳ, mức tăng trưởng này tại Eurozone được kỳ vọng đạt 0,8%. Trong năm 2025, nền kinh tế EU dự báo sẽ tăng trưởng 1,6%, trong khi dự báo đối với Eurozone là 1,4%.
Tạo đà cho xuất khẩu Việt Nam
Châu Âu là thị trường ngày càng quan trọng đối với hàng hóa Việt Nam. EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN.
>> Quốc gia nào đang dẫn đầu tăng trưởng ở châu Âu?
Trong 2 năm vừa qua, khi kinh tế EU chững lại, đã tác động trực tiếp đến nhiều doanh nghiêp xuất khẩu tại Việt Nam, nhất là ngành may mặc, giày da, gỗ công nghiệp,… bị thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, khi kinh tế châu Âu khởi sắc trở lại, thì xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này cũng đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Cụ thể, trong quý 1/2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha tăng 37,6%; xuất khẩu sang Anh tăng 35,5%; xuất khẩu sang Italy tăng 27,6%; xuất khẩu sang Hà Lan tăng 24,6%,… Xuất khẩu của Việt Nam sang toàn khu vực EU tăng 17,2%.
Ngành hàng rau, củ, quả cũng đứng trước cơ hội lớn. Hàng năm, thị trường châu Âu chi khoảng 60 tỷ USD nhập khẩu nông sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 300 triệu USD, như vậy tiềm năng thị trường còn rất lớn.
Theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm…
Tuy nhiên, xuất khẩu sang EU cũng sẽ gặp không ít thách thức do khu vực này siết chặt quy định nhập khẩu hàng hóa. EC vừa ban hành Quy định mới áp dụng mức dư lượng oxamyl tối đa trên các loại nông sản ở mức rất thấp, chỉ 0,001 mg/kg.
Bên cạnh đó, EU cũng đã thông báo đưa 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam vào diện kiểm soát khi xuất khẩu vào thị trường này, trong đó lần đầu tiên sầu riêng nằm trong danh sách các mặt hàng bị giám sát tại cửa khẩu của EU với tần suất 10%.
Trong lĩnh vực dệt may, châu Âu đã công bố Thỏa thuận xanh với mục tiêu năm 2030 và tầm nhìn 2050 với rất nhiều yêu cầu khắt khe hơn về nguyên vật liệu tái chế, tuổi thọ sản phẩm. Trong năm nay, EU sẽ có quy chuẩn mới “Ecodesign” áp dụng riêng cho ngành dệt may.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhưng theo xu thế xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ, cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới như cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu (CBAM)…
Nếu vượt qua những thách thức nói trên, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra con số thương mại vượt trội hơn với EU, nhất là khi Trung Quốc không còn là đối tác thương mại lớn nhất của khối này.
Có thể bạn quan tâm
Hàng không châu Âu gây tranh cãi về vấn đề “tẩy xanh”
03:00, 11/05/2024
Châu Âu và "ván cược" ngành chip lần hai
03:30, 06/05/2024
Doanh nghiệp châu Âu đánh giá ra sao về thị trường Việt Nam?
03:30, 09/04/2024
Doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam
03:00, 01/03/2024
Châu Âu hoãn sáng kiến nguồn nước, tác động thế nào tới nhập khẩu?
04:00, 20/02/2024