Phát triển nhà ở vừa túi tiền: Gợi mở cho Việt Nam

VI ANH 26/05/2024 11:19

Bài học từ các quốc gia trong việc tăng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền có thể giúp ích cho Việt Nam, song cần thận trọng và phù hợp với thực tế thị trường.

>>> Giải bài toán nhà ở vừa túi tiền

Có thể thấy, bất động sản vừa túi tiền không chỉ là vấn đề của những nước đang phát triển mà một số nền kinh tế lớn cũng gặp phải.

 Phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho đại đa số người dân.

Phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho đại đa số người dân.

Kinh nghiệm quốc tế

Tại Mỹ, thực trạng thiếu nhà ở giá phải chăng cũng đang tồn tại. Liên minh Nhà ở Thu nhập thấp Quốc gia đánh giá, nước này đang thiếu khoảng 5,5 - 7,3 triệu căn nhà ở vừa túi tiền và lệch pha cung cầu ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Mỹ đã điều chỉnh đáng kể đối với Kế hoạch giải cứu Mỹ, đặc biệt là tăng cường Quỹ Phục hồi Tài chính Tiểu bang và Địa phương (SLFRF) để hỗ trợ các sáng kiến nhà ở giá cả phải chăng hơn. Trong đó, chiến lược của họ là tăng tính linh hoạt và hướng dẫn bổ sung cho chính quyền tiểu bang và địa phương để sử dụng các quỹ này cho các dự án nhà ở giá rẻ.

Cụ thể, hơn 12,9 tỷ USD trong quỹ SLFRF được dành riêng cho các dự án nhà ở, bao gồm phát triển dự án nhà ở giá rẻ, hỗ trợ cho thuê và các dịch vụ nhà ở khác từ nay tới cuối năm 2026.

Một số bang khác cũng đã áp dụng các khoản tài trợ nhằm chuyển đổi các không gian văn phòng sử dụng không hiệu quả thành nhà ở vừa túi tiền. Đối với người dân thuộc diện thuê nhà loại này, Chính phủ Mỹ cũng có chính sách hỗ trợ 8.000 USD để trả các loại chi phí như thẩm định giá, phí luật sư.

Còn tại Trung Quốc, nước này cũng đặt ra ưu tiên tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ và đảm bảo khả năng chi trả của người dân. Điển hình, Chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch tăng đáng kể số lượng nhà cho thuê được Chính phủ trợ cấp.

Vào năm 2022, họ đặt mục tiêu bổ sung thêm 2,4 triệu đơn vị nhà ở loại này trên toàn quốc. Điều này bao gồm cả việc xây dựng mới và cải tạo các công trình hiện có ở các khu vực xuống cấp.

>>Phát triển nhà ở vừa túi tiền: Không nên “thả nổi”, phó mặc cho thị trường

Theo đó, các kế hoạch phát triển nhà ở mới cũng được chú ý. Kế hoạch bao gồm việc ước tính nhu cầu nhà ở trong tương lai dựa trên những thay đổi về nhân khẩu học, sắp xếp nguồn cung đất đai phù hợp và phân bổ vốn một cách chiến lược vào các dự án bất động sản để đáp ứng những nhu cầu dự kiến này.

Để hỗ trợ và huy động tài chính, Trung Quốc đưa ra các biện pháp tài chính như giảm yêu cầu trả trước đối với người mua nhà và xóa bỏ mức trần về lãi suất thế chấp trên toàn quốc. Ngoài ra, cũng có một số hướng dẫn để các ngân hàng tập trung nguồn tài chính cho nhà ở vừa túi tiền.

Gần đây nhất, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tung ra gói tài chính gần 42 tỷ USD để hỗ trợ thị trường địa ốc. Theo đó, các doanh nghiệp quốc doanh ở địa phương được tài trợ để mua lại các dự án thương mại “bị ế” của các tập đoàn bất động sản với mức giá chiết khấu. Nhiều trong số các bất động sản này sẽ được chuyển đổi thành loại hình nhà ở vừa túi tiền.

Phát triển nhà ở vừa túi tiền tại Việt Nam

Tại Việt Nam, phân khúc nhà ở vừa túi tiền cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Để giải “bài toán” này, theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh thực thi Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 sẽ là một giải pháp quan trọng. Song để tăng nguồn cung lớn cho phân khúc nhà vừa túi tiền lại không phải vấn đề đơn giản.

LS.TS. Đoàn Văn Bình – Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Tập đoàn CEO đã đưa ra một số gợi mở chính sách cho Việt Nam như sau:

Nhóm giải pháp thứ nhất là hoàn thiện chính sách, pháp luật. Theo ông Bình, nên đưa ra khái niệm và ban hành tiêu chí xác định nhà ở vừa túi tiền. Đồng bộ các quy định về nhà ở vừa túi tiền trong hệ thống pháp luật, chú trọng xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhà ở vừa túi tiền.

Nhóm giải pháp thứ hai là hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Theo đó cần xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, công nghệ mới cho nhà ở vừa túi tiền. Nếu cần thiết có thể ban hành thiết kế mẫu cho nhà ở vừa túi tiền.

Nhóm giải pháp thứ ba là đổi mới công tác quy hoạch, tập trung giải quyết quỹ đất cho phân khúc này. Có thể xem xét về mật độ xây dựng trong các dự án nhà ở cao tầng, giao thông và hạ tầng xã hội bố trí hợp lý. Đồng thời, khuyến khích chuyển đổi một số không gian thương mại thành nhà ở vừa túi tiền.

Nhóm giải pháp thứ tư là áp dụng giải pháp về tài chính và thuế nhằm điều tiết thị trường, hạn chế đầu cơ và hướng dòng tiền vào phân khúc có nhu cầu thực. Đối với nhà đầu tư nhà vừa túi tiền, cần xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với chủ đầu tư và người mua, thuê nhà ở vừa túi tiền.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nhà ở vừa túi tiền, nghiên cứu triển khai quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác bất động sản hay tăng cường hợp tác công tư.

Có thể bạn quan tâm

  • The Sola Park giải “cơn khát” căn hộ nhà ở cho người dân Thủ đô

    The Sola Park giải “cơn khát” căn hộ nhà ở cho người dân Thủ đô

    13:25, 24/05/2024

  • Phát triển nhà ở xã hội cho thuê

    Phát triển nhà ở xã hội cho thuê

    04:00, 24/05/2024

  • Phát triển nhà ở vừa túi tiền:p/Gợi mở cho Việt Nam

    Phát triển nhà ở vừa túi tiền: Gợi mở cho Việt Nam

    16:37, 23/05/2024

  • "Rào cản" chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội

    16:30, 23/05/2024

  • Chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: Tránh hệ lụy trong tương lai

    Chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: Tránh hệ lụy trong tương lai

    03:00, 23/05/2024

VI ANH