Vì sao Ngân hàng Nhà nước muốn duy trì quản "room" tín dụng?
Theo Thống đốc, duy trì room tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
>>>Các TCTD "tổng rà soát" về phát hành, tính lãi, phí... thẻ ngân hàng
Chưa thể bỏ room tín dụng
Báo cáo trình Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu nội dung về nhiệm vụ được Quốc hội giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là “Nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD)”. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng báo cáo, từ năm 2023 trở về trước, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD, trong đó nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tăng trưởng tín dụng theo kiểm soát tín dụng (room tín dụng) tại thời điểm cuối năm và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài với quy mô nhỏ được tăng trưởng theo kế hoạch tự xây dựng để phù hợp với đặc thù hoạt động.
Sang năm 2024, NHNN không giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với đặc thù, quy mô tín dụng của nhóm này.
Tuy nhiên, nhà điều hành tiếp tục giao room tín dụng đối với các TCTD còn lại. NHNN tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp trên. Song trong quá trình triển khai nhiệm vụ, NHNN nhận thấy nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay, áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu, gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và tín dụng của NHNN. Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, Thống đốc cho biết.
Trước năm 2011, do đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào ngân hàng như kênh cung ứng vốn nên tín dụng và tỷ lệ tín dụng tín dụng/GDP giai đoạn này cũng tăng nhanh. Kéo theo đó là cuộc đua lãi suất huy động giữa các TCTD để có nguồn vốn cho vay, dẫn đến lãi suất cho vay tăng tương ứng. Đồng thời, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao, nhiều TCTD có nguy cơ mất thanh khoản, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao ở mức hai con số.
"Các tổ chức quốc tế (IMF, WB và Moody’s) cảnh báo việc nới lỏng tín dụng trong giai đoạn này làm tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với ổn định kinh tế vĩ mô, đe dọa đến an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát nợ xấu. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây thêm ảnh hưởng kéo dài và nghiêm trọng đến nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng. Trước bối cảnh trên, từ năm 2011 đến nay, NHNN tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD căn cứ vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành đặc thù.
Quá trình triển khai biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm (cá biệt có năm tăng 53,8%) xuống còn khoảng từ 12-14%/năm trong những năm gần đây.
Kết quả này góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định dưới 4%. Đồng thời, biện pháp trên đã góp phần thúc đẩy các TCTD nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động, giảm mặt bằng lãi suất thị trường", Thống đốc nêu.
Đến nay, đặc thù nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng để cung ứng cho các nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Trong bối cảnh thị trường vốn phát triển chưa tương xứng, thì áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) tiếp tục đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng.
Tình trạng này tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản (khi TCTD chủ yếu huy động ngắn hạn nhưng cho vay trung dài hạn). Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn.
>>>Doanh nghiệp còn khó, nhiều TCTD tăng trưởng dư nợ cao
Với những đặc thù trên, nếu để TCTD tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát như room tín dụng thì tình trạng như năm 2011 có thể tái diễn khiến nợ xấu gia tăng, đe dọa sự an toàn hệ thống, gây rủi ro bất ổn vĩ mô chung, Thống đốc báo cáo và cho biết do vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình thích hợp, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.
Các quan điểm đa chiều
Liên quan đến vấn đề sử dụng công cụ hạn mức tín dụng để kiếm soát dòng vốn và hệ thống ngân hàng theo năm, đại đa số các chuyên gia đều cho rằng đây là công cụ đã "lỗi thời", thế giới không sử dụng nữa. Do đó, Việt Nam cần phải tiến tới sử dụng các công cụ khác, điều tiết gián tiếp thông qua lãi suất thị trường thường để thay thế bằng hạn mức tín dụng. Việc các TCTD đã và đang triển khai việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động là một thuận lợi cho việc thay đổi này.
Thực tế năm 2024, tiếp thu và rút kinh nghiệm từ thực tiễn điều hành cấp hạn mức tín dụng nhiều lần trong một năm dẫn đến sự giật cục, chỗ thừa chỗ thiếu room và cản trở chủ động cung cấp vốn ra thị trường của các TCTD, ngay đầu năm nay NHNN cũng đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trên kịch bản chỉ tiêu chung tăng trưởng tín dụng từ 14-15% và kèm thông điệp "sẵn sàng nới thêm hạn mức nếu các điều kiện phù hợp". Đây là bước thay đổi mới của NHNN trong điều hành tín dụng và trong quá trình mà cơ quan điều hành đang phải " “cần nghiên cứu sớm bỏ hạn mức tín dụng để linh hoạt rót vốn cho nền kinh tế”, theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, tiêu biểu nhât là quan điểm của chuyên gia Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược NHNN.
Tuy nhiên, cũng trong thực tế, việc kiểm soát dòng vốn tín dụng của các tổ chức bằng các yếu tố khác như tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích..., có phần khác với... lý thuyết. Bởi dòng tín dụng trên thị trường dù được đánh giá là chất lượng và đi vào các lĩnh vực ưu tiên, song mặt khác cũng liên tục được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo NHNN thúc đẩy, yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ cho vay sân sau, lợi ích nhóm. Vụ việc Vạn Thạnh Phát và SCB đã đặt lại vấn đề kiểm soát sở hữu chéo và dòng vốn qua hệ thống ngân hàng. Đặt các vấn đề này cạnh nhau, sẽ thấy rằng việc vận hành dòng vốn không nên bị giới hạn bởi mức chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là đúng, nhưng vẫn có điểm phần nào chưa sát.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì đặt vấn đề về quản lý hạn mức và các yêu cầu tăng room tín dụng để được cho vay nhiều hơn, hãy đổi lại bằng chất lượng tín dụng. Bởi bản chất của mong muốn tăng room tín dụng là lợi nhuận. Nôm na, ngân hàng cho vay được nhiều sẽ nhận được phần lãi từ cho vay nhiều, vì thế, doanh thu, lợi nhuận đều tăng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng mà lại có những khoản cho vay không an toàn, phát sinh nợ xấu thì lợi nhuận của các khoản cho vay tốt bị bào mòn, thậm chí, không có lợi nhuận và mất vốn do nợ xấu, điều này đã xảy ra trong giai đoạn trước đây và hiện nay.
Ông cũng nhấn mạnh có quan điểm cho rằng hệ thống ngân hàng hiện tại đã có nhiều TCTD đạt chuẩn Basel II. Một số TCTD thậm chí đã và đang triển khai Basel III theo tầng mức khác nhau, từ 1 đến cả 3 trụ cột. Do đó có thể xem xét tiêu chuẩn Basel để đánh giá sức khỏe các ngân hàng và giao quyền chủ động đối với tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng. Tuy nhiên nhìn lại Việt Nam cũng như trong các cú sốc ngân hàng ở Mỹ và thế giới mới đây, các ngân hàng gặp khủng hoảng đều tuân thủ các tiêu chuẩn, ít nhất là Basel II. Nghĩa là, Basel là tiêu chuẩn thực thi để tăng độ an toàn vốn cho các ngân hàng nhưng Basel không đảm bảo các ngân hàng sẽ không gặp rủi ro.
Theo đó, mặc dù về lý thuyết là phù hợp song với thực tiễn Việt Nam, đặc biệt khi ngành đang có nhiều TCTD yếu kém đang tái cơ cấu, ông cho rằng cần khoanh vùng để kiểm soát bằng giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Trường hợp NHNN đã bỏ hạn mức tín dụng đối với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với đặc thù, quy mô tín dụng của nhóm này; Tuy nhiên, chưa thể bỏ biện pháp room tín dụng với các TCTD khác nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định lạm phát, có thể là bước "khoanh vùng" nhóm phù hợp theo hướng này.
Có thể bạn quan tâm
NHNN: Không thay đổi điều hành tỷ giá, cần thận trọng với tin đồn
12:00, 25/05/2024
NHNN lại hủy phiên đấu thầu vàng miếng, giá vàng tăng mạnh
13:30, 03/05/2024
NHNN có khả năng sẽ bán hợp đồng kỳ hạn USD
04:50, 07/04/2024
Thống đốc NHNN: Hiện mới có 5 ngân hàng tham gia gói 120.000 tỷ đồng
00:25, 17/03/2024
NHNN chào bán tín phiếu có "thắt" dòng tiền vào chứng khoán?
13:06, 12/03/2024
Giải pháp bảo mật thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng tuân thủ Quyết định 2345/QĐ-NHNN
08:00, 14/03/2024
Tăng trưởng tín dụng giảm, NHNN tăng gấp đôi gói vay 15.000 tỷ đồng
13:09, 20/02/2024