Tây Nguyên: Động lực từ nguồn vốn FDI
Mặc dù Tây Nguyên đã thực hiện nhiều cơ chế mở, cùng sở hữu nhiều tiềm năng, nhưng đến nay khu vực này vẫn là vùng trũng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
>>Doanh nghiệp FDI vẫn cảm thấy phiền hà từ thủ tục hành chính
FDI chưa đồng đều các ngành nghề
Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến cuối tháng 4 cả khu vực Tây Nguyên mới thu hút được 2 dự án vốn FDI và 1 dự án FDI bổ sung vốn, 1 dự án góp vốn mua cổ phần. Trong đó, Đắk Lắk vẫn là địa phương có sức hút đối với vốn ngoại.
Luỹ kế đến nay, Đắk Lắk thu hút được số vốn ngoại cao nhất với 713,19 triệu USD, tiếp đến là Lâm Đồng với 557,15 triệu USD và Đắk Nông đứng thứ 3 với 318,37 triệu USD. Hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai có cùng số dự vốn FDI là 8 dự án, nhưng Kon Tum có số vốn gần 250 triệu USD còn Gia Lai chưa đạt quá 100 triệu USD.
Nhận định dòng vốn ngoại trong thời gian tới, ông Hoàng Thanh Tùng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Nam Kar cho hay “Hiện nay dòng vốn ngoại ghi nhận quan tâm vào các dự án năng lượng tái tạo. Đây là những dự án sử dụng ít lao động, ít tốn chi phí bảo trì và sinh lợi lớn. Do đó, dễ hiểu hơn là dòng vốn ngoại vào các dự án năng lượng tái tạo nhiều hơn các ngành nghề khác. Hy vọng trong thời gian tới, các ngành nghề khác ở khu vực Tây Nguyên sẽ có chuyển biến thu hút dòng vốn này khi chăn nuôi và thị trường carbon đang được quan tâm lớn”.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng – Giám đốc Công ty Cổ phần EcoTree nhận định “khi thị trường carbon hình thành, nguồn vốn ngoại đầu tư cho lâm nghiệp rất có thể sẽ tăng lên đáng kể. Nhất là khu vực Tây Nguyên, nơi có diện tích rừng tương đối lớn, và việc đầu tư vào lâm nghiệp để hưởng lợi từ thị trường carbon là điều có thể hoàn toàn xảy ra”.
Ngoài thuận lợi ra, một số doanh nghiệp liên kết đầu tư còn cho rằng cải cách hành chính ở một số tỉnh như Gia Lai, Kon Tum vẫn còn chưa thông thoáng. Nguồn nhân lực lao động có giá rẻ nhưng tay nghề thiếu trình độ kĩ thuật. Thêm vào đó là hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu, là những cản trở trực tiếp khiến việc thu hút vốn đầu tư FDI còn nhiều cản trở.
Ghi nhận theo từng lĩnh vực ngành nghề thu hút đầu tư FDI ở Tây Nguyên, lĩnh vực phân phối điện dẫn đầu với 10 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 643,59 triệu USD, chiếm 42,1% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ hai là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thu hút được 73 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 401,95 triệu USD, chiếm 26,3% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 52 dự án, tổng vốn đăng ký 304,8 triệu USD, chiếm 19,9% tổng vốn đăng ký. Còn lại là các lĩnh vực khác như hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ.
>>Tích luỹ nguồn vốn con người, sẵn sàng cho FDI chất lượng cao
Nỗ lực của những tỉnh đứng cuối
Theo Cục Đầu tư nước ngoài vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài khi sở hữu cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư và một vài chính sách tốt khác. Vốn FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu với hơn 57,7 tỷ USD chiếm 12,1% của cả nước, tiếp đến là Hà Nội và Bình Dương.
Là tỉnh đứng cuối khu vực về thu hút nguồn vốn FDI, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch hành động số 1046/KH-UBND về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo đó, kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp gồm: đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động về đầu tư nước ngoài; tăng cường ổn định chính trị, xã hội và kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế khẳng định: “Tỉnh luôn tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chính quyền tỉnh cũng luôn đồng hành để kịp thời nắm bắt, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư”.
Nguồn vốn FDI được quản lý chặt chẽ, phát huy được kỳ vọng của chủ đầu tư, do đó để tăng cường tiếp cận và đón nhận các dự án vốn FDI, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở ban, ngành, địa phương tăng cường năng lực bộ máy thực thi của các đơn vị, địa phương. Cải cách thủ tục và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư. Đẩy nhanh xử lý các thủ tục về đầu tư kinh doanh; triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư. Rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động, năng lượng... để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tái định vị sản xuất. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan với việc thực thi không đúng quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp FDI vẫn cảm thấy phiền hà từ thủ tục hành chính
02:30, 19/05/2024
Cơ hội lớn thu hút FDI vào công nghệ cao
03:03, 12/05/2024
Mỹ "mạnh tay" thu hút FDI vào bán dẫn
03:30, 08/05/2024
Hải Dương: Vốn FDI 4 tháng đầu năm tăng nhờ hiệu quả chiến lược
02:36, 02/05/2024
Tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI
03:00, 22/04/2024
Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI
02:04, 21/04/2024