Tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp đầu tư trong KCN để kịp thời lắng nghe những vướng mắc, nắm bắt thời cơ, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI.
>>>Quảng Ninh: Gia tăng niềm tin với doanh nghiệp
>>>Quảng Ninh: Lên kế hoạch đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI
Nhiều vấn đề được đưa ra
Mới đây, BQL KKT Quảng Ninh cùng Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long đồng tổ chức hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư trong KCN nghiệp Sông Khoai.
Ông Phạm Xuân Đài - Trưởng ban BQL KKT Quảng Ninh cho biết, đây là năm đầu tiên BQL KKT cùng với các nhà đầu tư hạ tầng các KCN tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp FDI đầu tư trong KCN, KKT của tỉnh. Việc tổ chức gặp mặt để chia sẻ, lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã trở thành hoạt động thường niên. Với mong muốn những hội nghị gặp mặt doanh nghiệp được hiệu quả, hiệu quả hơn, thiết thực hơn nên quy mô, địa điểm và nội dung tổ chức cũng được điều chỉnh đến từng KCN để các nội dung lắng nghe sẽ được cụ thể hơn.
Ông Aukkares Choochouy - Giám đốc Amata Việt Nam (Tập đoàn Amata) cho biết: “Những nhà đầu tư thứ cấp đóng vai trò thiết yếu trong hành trình phát triển và thành công của Amata. Chính vì vậy, Amata cùng BQL KKT Quảng Ninh luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết những vấn đề khó khăn còn tồn tại”.
Tại hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư trong KCN nghiệp Sông Khoai, nhiều ý kiến liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp lắp đặt điện năng lượng mặt trời, tìm hiểu nhu cầu việc làm của người lao động địa phương, đẩy nhanh tiến độ các thủ tục phòng cháy chữa cháy… được các doanh nghiệp trong KCN kiến nghị.
Đại diện Công ty TNHH Tamagawa Việt Nam nêu vấn đề: “Hiện, ngoài hoạt động chế xuất doanh nghiệp còn có hoạt động mua bán hàng hóa theo quyền xuất nhập khẩu thì có được tính là hoạt động chế xuất? Và có phải đăng ký mở tài khoản VAT, xuất hóa đơn VAT không? Cụ thể, doanh nghiệp mua hàng từ doanh nghiệp chế xuất nhập vào kho ngoại quan rồi xuất ra nước ngoài mọi hoạt động đều trong khu phi thuế quan. Vậy hoạt động này có được coi là hoạt động chế xuất không và có được hưởng chế độ ưu đãi của hoạt động chế xuất không?”.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Tenma Việt Nam lại đặt câu hỏi: “Phía công ty cần lắp đặt điện năng lượng mặt trời thì lắp đặt theo tiêu chuẩn nào?”.
Sẵn sàng giải đáp
Về các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Đài cho biết, theo quy định tại Khoản 20, Điều 2, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP “Hoạt động chế xuất là hoạt động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu”.
Còn về vấn đề điện năng lượng mặt trời, theo ông Đài, ngày 01/2/2024, Sở Công Thương có Văn bản số 311/SCT-QLNL về việc phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời mái nhà) trong đó thông tin Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng dự thảo nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà. Theo kế hoạch Nghị định sẽ được ban hành trong năm 2024 để làm cơ sở triển khai đối với các dự án điện mặt trời mái nhà. Sau khi Nghị đinh được ban hành, BQL KKT Quảng Ninh sẽ thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp để triển khai theo đúng quy định.
“Một số ý kiến khác của doanh nghiệp, đại diện BQL KKT cùng Amata sẽ tập hợp gửi các cơ quan chức năng. Thông tin phản hồi sẽ được gửi tới trực tiếp lại các doanh nghiệp trong KCN”, ông Đài cho biết thêm.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là các ngành sản xuất trong các KCN, KKT của tỉnh là nhân tố chính trong kịch bản tăng trưởng kinh tế. Do vậy, năm 2024, BQL KKT Quảng Ninh đã phát động phong trào thi đua khối doanh nghiệp FDI. Trong đó, tập trung phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu các chỉ tiêu gồm: Tổng vốn đầu tư thu hút vào KCN đạt ít nhất 3 tỷ USD và 55.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước trong toàn tỉnh; doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt 3.000 triệu USD, tạo việc thêm việc làm mới cho trên 3.000 lao động; 100% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường và lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát nước thải tự động, liên tục theo quy định...
Theo ông Nguyễn Văn Nhân - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long, KCN Sông Khoai hiện đã hoàn thành và đưa vào vận hành trạm điện 110KV và mạng lưới phân phối 22KV với công suất 189MVA. Trong quý 2/2024, KCN tiếp tục đầu tư nâng công suất lên 315MVA. Đối với hệ thống cấp nước, Công ty Amata City Hạ Long đã đầu tư đưa vào vận hành nhà máy cấp nước và hệ thống tuyến ống phân phối với tổng công suất 20,000m3/ngày, trong quý 2/2024 sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất lên 27,000m3/ngày.
Cũng theo ông Nhân, hiện KCN cũng đã đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung và hệ thống tuyến ống thu gom với tổng công suất 16,000m3/ngày, tiếp tục đầu tư nâng tổng công suất lên 20,000m3/ngày trong quý 4 năm 2024. Với việc đầu tư 6 km đường giao thông tại các giai đoạn 1 và 2 của KCN, Amata đang tiếp tục nỗ lực đầu tư phấn đấu hoàn thành tuyến đường nối từ cao tốc đến tỉnh lộ 331 trong quý 3/2024 và hoàn thành toàn tuyến vào quý 2/ 2025.
Được biết, để sớm hoàn thành mục tiêu về thu hút đầu tư, tại hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư trong KCN nghiệp Sông Khoai, BQL KKT Quảng Ninh cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án mới tại KCN này gồm sản xuất, kinh doanh các linh kiện đúc nhựa, lắp ráp khuôn đúc và lắp ráp bản mạch in. Đó là Dự án sản xuất, kinh doanh các linh kiện đúc nhựa, lắp ráp và khuôn đúc do Công ty TNHH Tenma Việt Nam làm chủ đầu tư (Nhật Bản) với tổng mức đầu tư 56 triệu USD. Dự án thứ hai là dự án hệ thống cơ điện Yaskawa Việt Nam do Công ty Yaskawa Asia Pacific thuộc Tập đoàn Yaskawa Nhật Bản làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 49,2 triệu USD.
Có thể bạn quan tâm