Tiền Giang: Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh
Tiền Giang sẽ nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Thông cho biết: Theo Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, tỉnh Tiền Giang xếp thứ 29/63 tỉnh thành. Như vậy, Tiền Giang tăng 21 bậc so với năm 2022 và nằm trong tốp 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt trong PCI năm 2023.
- Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Tiền Giang trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là sau khi Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thưa ông?
Điểm đáng chú ý là trong 10 chỉ số thành phần hình thành PCI năm 2023 của Tiền Giang có đến 8 chỉ số tăng điểm số; đặc biệt, Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có mức cải thiện cao nhất, từ 5,84 điểm của năm 2022 lên 7,35 điểm trong năm 2023 (với mức tăng 1,51 điểm).
Với những kết quả tích cực nêu trên cùng Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như những nỗ lực của các cấp, các ngành trong thời gian qua, chúng tôi kỳ vọng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong năm 2024 tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, thông thoáng, minh bạch, thân thiện và thuận lợi cho các thành phần kinh tế; góp phần phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
- Theo ông, đâu là những yếu tố then chốt giúp Tiền Giang có sự bứt phá mạnh mẽ trên bảng xếp hạng PCI và PGI?
Tiền Giang đã nỗ lực hoàn thành tốt những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tiền Giang năm 2023.
Trong đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan và cấp huyện thực hiện cụ thể của từng tiêu chí.
Thứ nhất, tỉnh đã tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề và đối thoại doanh nghiệp, nhằm phân tích, đánh giá tình hình, tìm nguyên nhân làm giảm PCI, tìm hiểu những khó khăn, những đểm yếu kém cẩn phải sửa đổi cải thiện. Từ đó tìm ra giải pháp cải thiện, khắc phục nhanh đảm bảo quyết tâm cải thiện điểm số PCI và PGI. Kết quả, các điểm thành phần cải thiện điểm số rõ rệt so với năm trước. Đặc biệt, thể hiện rõ sự bứt phá vượt bậc thông qua 2 chỉ số là: Đào tạo lao động tăng 17% (4,86; 5,69) và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 26% (5,84; 7,35).
Thứ hai, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư. Đẩy mạnh tổ chức các buổi gặp mặt, những điểm hổ trợ để tư vấn, hướng dẫn thủ tục doanh nghiệp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp phải.
Thứ ba, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi thu hút đầu tư, phục vụ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư nên điểm số được cải thiện. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện tốt trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng, tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh.
- Xin ông cho biết các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải thiện PCI và PGI của Tiền Giang trong thời gian tới?
Thực tế cho thấy mức độ chuyển biến điểm số vẫn không đồng đều ở các chỉ số thành phần, một số chỉ số thành phần giảm điểm so với năm trước. Vì vậy, để đẩy mạnh cải thiện PCI và PGI trong thời gian tới, Tiền Giang thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp.
Một là đẩy mạnh nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của PCI; tăng cường trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương trong việc nâng cao thứ bậc xếp hạng PCI của tỉnh, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kịp thời cung cấp thông tin, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và người dân; tăng cường kiểm tra công vụ; phòng, chống tham nhũng; công khai, minh bạch trong chỉ đạo điều hành...
Hai là tiếp tục nghiên cứu các giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký thành lập doanh nghiệp và các thủ tục sau đăng ký thành lập doanh nghiệp, để rút ngắn thời gian chính thức đi vào hoạt động cho doanh nghiệp; liên thông nhóm thủ tục hành chính, như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép xây dựng, đủ điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, giấy phép lao động, thẻ tạm trú cho lao động nước ngoài,…
Ba là phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án trọng điểm, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Bốn là đào tạo củng cố nguồn lao động, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năm là tiếp tục xây dựng và thực hiện đánh giá chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị, thành phố và sở, ngành (DDCI) trong năm 2024 để thúc đẩy cải cách từ cấp cơ sở thông qua việc đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ngành, địa phương - những cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như: hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư. Qua đó, đo lường sự hài lòng cũng như triển vọng từ cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh của Tiền Giang.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm