Chuyển đổi để phát huy hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%

YẾN NHUNG 01/06/2024 03:50

Để chính sách phát huy hiệu quả trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, cần chuyển đổi gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, nhằm giúp nguồn tiền ngân sách được sử dụng kịp thời.

>> Hủy gói hỗ trợ lãi suất 2% nếu không giải ngân hết: Nguồn lực và niềm tin

Theo đó, tháng 01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa - tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cho phép hỗ trợ lãi suất (2%/năm), quy mô tối đa 40.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi sau đại dịch COVID-19 và cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Tuy nhiên, tới cuối năm 2023, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm qua hệ thống ngân hàng thương mại mới giải ngân được 3,05%, tương đương 1.218 tỷ đồng, số vốn chưa giải ngân còn khoảng 38.800 tỷ đồng. Đây là mức khá thấp so với số vốn được đưa ra nghị quyết mà Quốc hội thông qua 40.000 tỉ đồng.

tới cuối năm 2023, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm qua hệ thống ngân hàng thương mại mới giải ngân được 3,05% - Ảnh minh họa: ITN

Tới cuối năm 2023, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm qua hệ thống ngân hàng thương mại mới giải ngân được 3,05% - Ảnh minh họa: ITN

Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 30% doanh nghiệp hợp tác xã biết tới chính sách này và chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp đã nhận được khoản vay theo chương trình, khách quan cho thấy cần đánh giá lại chính sách.

Lý giải về việc triển khai chính sách chưa đạt mục tiêu, số vốn giải ngân thấp, Chính phủ cho rằng, có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, mặc dù có những doanh nghiệp đủ điều kiện. Việc không lựa chọn chính sách do doanh nghiệp cân nhắc giữa lợi ích nhận hỗ trợ lãi suất và chi phí phải chi trả phát sinh. Bởi, nếu nhận hỗ trợ lãi suất phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.

Hơn nữa, khách hàng cũng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông.

>>Nghịch lý “có tiền nhưng khó tiêu” nhìn từ sự ì ạch của gói hỗ trợ lãi suất 2%

nhiều ý kiến cho rằng, cần chuyển đổi gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, nhằm giúp nguồn tiền ngân sách được sử dụng kịp thời - Ảnh minh họa: ITN

Nhiều ý kiến cho rằng, cần chuyển đổi gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, nhằm giúp nguồn tiền ngân sách được sử dụng kịp thời - Ảnh minh họa: ITN

Chưa kể, việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện "có khả năng phục hồi" theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 vẫn còn khó khăn, bởi có trường hợp dù có khả năng trả nợ nhưng khó khẳng định có khả năng phục hồi.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của các đối tượng ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng có nhiều chuyển biến so với thời điểm ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15. Điều này dẫn đến nhu cầu được hỗ trợ có thể thay đổi so với thời điểm trước, đó là doanh nghiệp muốn được hỗ trợ trực tiếp hoặc giảm thuế, phí, lệ phí thay vì hỗ trợ lãi suất.

Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu của chúng ta là giải ngân gói tín dụng 40.000 tỷ đồng nhưng mới chỉ thực hiện được khoảng 1.200 tỷ đồng. Đây là tồn tại của Nghị quyết số 43/2022/QH15, cần phải rút ra bài học kinh nghiệm, khi thể chế ban hành cần phải phù hợp với với thực tiễn.

Từ những khó khăn, vướng mắc khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% không đạt mục tiêu và tính hiệu quả, ông Trần Hoàng Ngân, Chuyên gia kinh tế kiến nghị, nên điều chuyển gói hỗ trợ này sang hình thức hỗ trợ khác như miễn giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, là những chính sách hỗ trợ rất thiết thực và đang phát huy hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết, quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Nghị quyết số 43/2022/QH15 nói riêng còn có một số tồn tại, hạn chế.

Theo đại biểu, một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo và tính khả thi, dẫn đến việc nhiều bộ ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn và gây thêm chi phí (thời gian, tài chính) không cần thiết cho doanh nghiệp; chưa tạo được cách tiếp cận và động lực đủ mới cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh…

Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ xem xét theo tình hình thực tế cho điều chuyển nguồn vốn đối với các chính sách kém hiệu quả sang các chính sách mà xã hội, người dân đang có nhu cầu, nhằm phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét tăng thêm nguồn vốn cho địa phương thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP và các chính sách giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp.

Nhìn nhận về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho hay, chính sách “chưa trúng, chưa đúng thực tiễn”. Do đó, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, cho điều chỉnh khoản này sang chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Các doanh nghiệp SME được hỗ trợ lãi suất đặc biệt ưu đãi chỉ từ 5%/năm

    Các doanh nghiệp SME được hỗ trợ lãi suất đặc biệt ưu đãi chỉ từ 5%/năm

    16:46, 04/05/2024

  • Triển khai nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 50 -100% cho doanh nghiệp TP.HCM

    Triển khai nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 50 -100% cho doanh nghiệp TP.HCM

    09:09, 20/02/2024

  • Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% tại TP.HCM đạt tỷ lệ cao

    Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% tại TP.HCM đạt tỷ lệ cao

    12:20, 05/01/2024

  • Hủy gói hỗ trợ lãi suất 2% nếu không giải ngân hết: Nguồn lực và niềm tin

    Hủy gói hỗ trợ lãi suất 2% nếu không giải ngân hết: Nguồn lực và niềm tin

    05:22, 06/11/2023

  • Nghịch lý “có tiền nhưng khó tiêu” nhìn từ sự ì ạch của gói hỗ trợ lãi suất 2%

    Nghịch lý “có tiền nhưng khó tiêu” nhìn từ sự ì ạch của gói hỗ trợ lãi suất 2%

    05:30, 18/10/2023

YẾN NHUNG