Trường Sa cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU

HẢI NGÂN 01/06/2024 04:00

Việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân chấp hành quy định về chống khai thác IUU tại Trường Sa chính là bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

>>>Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ III): Nhà giàn DK1 – Cột mốc chủ quyền giữa biển khơi

>>>Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ IV): Để biển, đảo thêm xanh

Tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bờ neo đậu ở âu tàu Trường Sa

Tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bờ neo đậu ở âu tàu Trường Sa

Mái nhà bình yên

Một buổi chiều tháng 5/2024, tôi cùng đoàn công tác số 16 của Quân chủng Hải quân đã đến thăm quân dân đảo Trường Sa. Sau lễ chào cờ, thắp hương viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sa, thắp hương Nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa Trường Sa, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá đảo Trường Sa.

Dạo bước trên con đường thảm bê tông, chúng tôi đã đến được khu vực âu tàu Trường Sa. Đây là một trong bốn âu tàu tại huyện đảo Trường Sa nhằm giúp đỡ cho bà con ngư dân đánh bắt trên biển khi gặp sự cố. Tại đây, hàng trăm tàu cá của ngư dân các tỉnh: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… đang cập, neo đậu để chờ tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và sửa chữa thiết bị.

Đứng từ âu tàu, hướng tầm nhìn ra xa, hiện ra trước mắt chúng tôi là khung cảnh hoàng hôn đẹp đến mê lòng. Dưới ánh mặt trời dát vàng cả một vùng biển rộng xa tít tắp, vọng đâu đó là tiếng ngư dân chào hỏi những người khách đường xa chúng tôi. Hoà trong tiếng gió biển là tiếng cười đùa, gọi nhau vui vẻ, nhộn nhịp không kém gì một cảng cá ở khu vực đất liền.

Thành viên đoàn công tác số 16 gửi tặng những lá cờ Tổ quốc cho ngư dân đang cho tàu neo đậu tại âu tàu đảo Trường Sa

Thành viên đoàn công tác số 16 gửi tặng những lá cờ Tổ quốc cho ngư dân đang cho tàu neo đậu tại âu tàu đảo Trường Sa

Tại đây, chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Quang Thanh – Ngư dân đến từ Bình Định đang cho tàu neo đậu để tiếp tế nhiên vật liệu chuẩn bị cho chuyến ra khơi sắp tới. Vừa tranh thủ lấy đá lạnh lên thuyền, anh Thanh vừa tâm sự: “Tàu cá của tôi thường đánh bắt xa bờ dài ngày. Khi hết dầu, hết nước ngọt, tàu hư hỏng hay gặp sóng to gió lớn, chúng tôi đều vào đây và được các chiến sĩ hỗ trợ rất nhiệt tình. Đây thực sự là động lực để ngư dân chúng tôi an tâm bám biển. Chúng tôi rất mong nhà nước sẽ có thêm nhiều âu tàu như vậy để tàu bè ngư dân có nơi tránh, trú an toàn khi gặp bão lớn”.

Chia tay anh Thanh, chúng tôi tiếp tục theo chân Thiếu tá Trần Cộng Hoà - Chỉ huy trưởng Trung tâm dịch vụ hậu cần - kĩ thuật âu tàu đảo Trường Sa, Hải đoàn 129, Bộ Tư lệnh Hải quân đi thăm âu tàu. Vừa dẫn chúng tôi đi, Thiếu tá Trần Cộng Hoà vừa tâm sự, âu tàu tại đảo Trường Sa được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2019 và có diện tích tương đối lớn. Trung tâm dịch vụ hậu cần - kĩ thuật tại đây được trang bị nhà máy, xưởng sửa chữa, có máy móc chuyên dụng, đáp ứng nhu cầu sửa chữa tàu thuyền cho bà con ngư dân.

Theo Thiếu tá Trần Cộng Hoà, thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ngư dân đã biết vị trí của các âu tàu, làng chài nên vào ngày càng đông. Riêng trong năm 2022, 2023, đã có 10.000 lượt tàu cá cập vào âu tàu Trường Sa. Trong năm 2023, trung tâm đã sửa chữa được 36 tàu cá của ngư dân. Riêng trong 4 tháng năm 2024, trung tâm đã sửa chữa được 12 tàu cá. Trong đó, có những tàu cá bị hỏng rất nặng và có nguy cơ kéo về rất cao nhưng nhờ công tác sửa chữa, đáp ứng được yêu cầu đã giảm thiểu được thiệt hại về kinh tế cũng như rủi ro trên biển.

Tàu cá cập vào âu tàu Trường Sa sau những ngày đánh bắt xa bờ luôn nhận được sự quan tâm của các chiến sĩ, lực lượng Hải quân

Tàu cá cập vào âu tàu Trường Sa sau những ngày đánh bắt xa bờ luôn nhận được sự quan tâm của các chiến sĩ, lực lượng Hải quân

Chỉ tay về những dãy nhà kiên cố phía trong âu tàu, Thiếu tá Trần Cộng Hoà cho biết, đó là làng chài. Những ngày thời tiết xấu, có bão gió phải trú tránh dài ngày, ngư dân được bố trí ở trên làng chài. Ngay sát âu tàu có bệnh xá. Ngư dân ốm đau, gặp nạn vào đó đều được khám, cấp phát thuốc miễn phí.

“Khi có bão, chúng tôi thường phối hợp với lực lượng Biên phòng và các lực lượng trên đảo để phát đi thông báo theo những kênh sóng của đài duyên hải cho ngư dân. Khi ngư dân vào neo đậu, tránh trú bão sẽ được hướng dẫn chỗ neo đậu, củng cố tàu thuyền. Chúng tôi cũng vận động ngư dân nếu cảm thấy nguy hiểm thì di chuyển vào những khu nhà làng chài để lưu trú. Khu nhà làng chài có sức chứa khoảng 500 người với nhà cửa khang trang, chắc chắn và hệ thống bếp nấu ăn sẵn sàng phục vụ cho bà con ngư dân… Ngoài ra, trung tâm cũng phối hợp tốt với trung tâm y tế của thị trấn Trường Sa, các lực lượng trên đảo để hỗ trợ bà con vào trong trung tâm y tế cấp cứu được kịp thời”, Thiếu tá Trần Cộng Hoà chia sẻ.

Tâm sự của Thiếu tá Trần Cộng Hoà làm chúng tôi nhớ đến lời chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Thành Trung – Chỉ huy trưởng đảo An Bang khi chúng tôi đến thăm đảo: “Thực hiện tốt chương trình “Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, trong năm 2023 và 4 tháng năm 2024, đảo An Bang đã khám và cấp thuốc cho 97 ngư dân, cấp cứu 4 ngư dân, điều trị cho 3 ngư dân, hỗ trợ 500 lít nước ngọt và xác nhận cho 4 lượt tàu cá ngư dân ra đánh bắt”.

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 là thành lũy thép hiên ngang giữa trùng khơi. Với quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, không chỉ tại đảo Trường Sa, các cán bộ, chiến sĩ ở nhiều đảo khác và Nhà giàn DK1 cũng đang ngày đêm làm nhiệm vụ, trở thành điểm đến đáng tin cậy cho ngư dân.

Tích cực tuyên truyền chống khai thác IUU

Những âu tàu kiên cố, những nhà máy sửa chữa tàu hiện đại… tại Trường Sa luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân. Hiện, Hải quân Nhân dân Việt Nam đang triển khai thực hiện 2 chương trình lớn gồm: “Hải quân Việt Nam là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” và “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”. Ðây là những chương trình có ý nghĩa sâu sắc, nhằm hỗ trợ kịp thời cho ngư dân trong kiểm tra, kiểm soát ngư trường, cứu hộ, cứu nạn, cung cấp thông tin trên biển, chia sẻ khó khăn để ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế.

Các âu tàu ở Trường Sa là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển

Các âu tàu ở Trường Sa là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển

Theo lời kể của các ngư dân có tàu đang neo đậu tại âu tàu đảo Trường Sa, mỗi một tàu cá cập vào âu tàu ở quần đảo Trường Sa đều nhận được sự quan tâm của các chiến sĩ, lực lượng Hải quân trên các đảo, được tặng cờ Tổ quốc, áo phao cá nhân... Đặc biệt, lực lượng Hải quân đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ và giúp đỡ bà con ngư dân tham gia đánh bắt hải sản an toàn, bảo vệ cho ngư dân yên tâm khai thác trên các vùng biển.

Cầm trên tay lá cờ đỏ sao vàng vẫn thơm mùi vải mới do các thành viên đoàn công tác số 16 gửi tặng, anh Thiệu Nhật Hiền – Ngư dân trên tàu cá đến từ Ninh Thuận chia sẻ: “Không chỉ được hỗ trợ về nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và sửa chữa thiết bị, chúng tôi cũng được cán bộ chiến sĩ Hải quân, Biên phòng tại quần đảo Trường Sa tuyên truyền về việc chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Vì vậy, chúng tôi luôn chấp hành và chỉ đánh bắt tại ngư trường của Việt Nam, không xâm phạm, khai thác thuỷ sản trái phép trên vùng biển nước ngoài”.

Các tàu đánh cá neo đậu tại âu tàu Trường Sa để tiếp tế nguyên, nhiên vật liệu

Các tàu đánh cá neo đậu tại âu tàu Trường Sa để tiếp tế nguyên, nhiên vật liệu

Theo Thiếu tá Trần Cộng Hoà, về những giải pháp gỡ “thẻ vàng” IUU, thời gian qua, ngoài tuyên truyền qua các kênh sóng, trung tâm đã in những tờ rơi, trực tiếp xuống các tàu để tuyên truyền Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp IUU. Qua đó, giúp bà con ngư dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp.

“Việc tuyên truyền cho ngư dân không phải chỉ trong một sớm một chiều là được mà cần thời gian để ngư dân nhận thức sâu hơn, dần gỡ được cảnh báo về thẻ vàng IUU”, thiếu tá Trần Cộng Hoà cho biết thêm.

Tàu cá đánh bắt ở Trường Sa

Tàu cá đánh bắt ở Trường Sa

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và cán bộ, chiến sĩ Trung tâm dịch vụ hậu cần - kĩ thuật âu tàu đảo Trường Sa cùng ngư dân tại âu tầu Trường Sa cứ thế diễn ra trong tiếng nói cười đầy vui vẻ. Mãi đến khi mặt trời bắt đầu tắt nắng, bóng tối cũng dần buông, chúng tôi mới chia tay mọi người ra về. Cuộc trò chuyện dù ngắn ngủi nhưng đã giúp chúng tôi hiểu hơn, mỗi ngư dân, mỗi con tàu ra khơi là một cột mốc sống trên biển. Việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân chấp hành tốt các quy định về chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp cũng chính là bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trên đường trở về, anh Trần Đức Vượng – Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ Khóa Vàng đã không giấu được cảm xúc: “Ở một nơi cách đất liền hàng nghìn kilômét, âu tàu Trường Sa là một nơi để ngư dân tránh bão, tiếp tế xăng dầu và lương thực. Về đây ngư dân sẽ cảm thấy an toàn như được về nhà, giúp ngư dân yên tâm bám biển, giữ đảo tiên tiêu quan trọng của Tổ quốc".

Có thể bạn quan tâm

  • Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ V): Những chàng trai đi về phía bình minh

    Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ V): Những chàng trai đi về phía bình minh

    05:00, 23/05/2024

  • Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ IV): Để biển, đảo thêm xanh

    Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ IV): Để biển, đảo thêm xanh

    05:00, 22/05/2024

  • Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ III): Nhà giàn DK1 – Cột mốc chủ quyền giữa biển khơi

    Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ III): Nhà giàn DK1 – Cột mốc chủ quyền giữa biển khơi

    05:00, 21/05/2024

HẢI NGÂN