Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp
Trước những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, theo chuyên gia, cần sớm xây dựng và ban hành kiến trúc dữ liệu cho ngành này.
>> Giải pháp bảo mật thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Theo đó, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa, truy xuất nguồn gốc… vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Đến tháng 12/2023 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử. Qua đó, giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, bảo chất lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản nước ta.
Dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, tuy nhiên quá trình chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn tại Việt Nam vẫn còn vướng mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật, hạ tầng số, thương mại nông sản qua môi trường số. Đặc biệt, nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số; thiếu các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực có trình độ về chuyển đổi số, an toàn, an ninh thông tin...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông sản ở Việt Nam khá mới mẻ nên nhận thức của phần lớn các địa phương, doanh nghiệp và nhất là nông dân còn hạn chế. Hầu hết các chủ thể chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng cũng như áp lực phải ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Điều này gây khó khăn trong việc tiếp cận, cũng như ứng dụng công nghệ số trong ngành nông nghiệp.
Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng cho thấy tình trạng chuyển đổi số vẫn còn chậm và nhỏ lẻ. Trong số 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Các hợp tác xã này cũng chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng.
>> Nỗ lực chuyển đổi số nông nghiệp
Trước những thách thức trên, nhiều địa phương đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng và ban hành kiến trúc dữ liệu cho ngành nông nghiệp. Trong đó cần quy định rõ các nội dung, chuẩn dữ liệu của các địa phương bảo đảm tính đồng bộ, liên thông từ cấp bộ đến cấp xã.
Đồng thời, tham mưu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần sớm ban hành những chính sách đột phá về cơ chế đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số…
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp số, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, cần nâng cao nhận thức số, tư duy số và hành động số; phát triển hạ tầng thương mại điện tử gắn với logistics nông nghiệp; đào tạo kỹ năng số của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân từ sản xuất đến bán hàng.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhất là nâng cấp chất lượng dịch vụ công; phát triển dữ liệu số nông nghiệp, nông dân số, xã hội số gắn với phát triển dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06).
Còn theo ThS. Đồng Thị Huyền, Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đai học Hải Phòng, Nhà nước cần đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.
“Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực, mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Do đó, cần khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, tham gia thảo luận về cách ứng dụng công nghệ cao và mời các nông dân đã chuyển đổi số thành công chia sẻ kinh nghiệm của mình”, ThS. Đồng Thị Huyền chia sẻ.
Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả bước đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu ngành nông nghiệp.
“Đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn. Thúc đẩy kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp với các doanh nghiệp công nghệ, startup về lĩnh vực số hóa, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản thông minh, hiện đại. Tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số, như VNPT, Viettel, FPT… tích cực tham gia.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp bảo mật thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp
15:00, 30/05/2024
Nhận diện điểm nghẽn và đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics
14:54, 30/05/2024
Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh
14:29, 30/05/2024
DIỄN ĐÀN LOGISTICS VÙNG: Chuyển đổi số - Nền tảng phát triển logistics thông minh
23:50, 29/05/2024
Tháo gỡ chuỗi giá trị tín dụng cho ngành nông nghiệp
03:50, 17/05/2024