Nở rộ nhà trọ, chung cư mini không đủ an toàn

DIỆU HOA 04/06/2024 03:00

Hàng nghìn căn chung cư mini, nhà trọ tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM không có lối thoát hiểm, không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.

>>Chung cư mini, nhà trọ: Luật đã mở, quản ra sao?

Sau nhiều vụ cháy gần đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện thực hiện tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, an toàn điện, an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn quản lý.

Nhà trọ, chung cư mini mất an toàn PCCC là hệ quả của đô thị hóa tự phát. Ảnh: DH 

Hệ quả của đô thị hóa tự phát

Theo thống kê, chỉ có 66/2.980 cơ sở ở Hà Nội hoàn thành khắc phục các tồn tại về PCCC, đạt 7,3%. Theo đánh giá, tiến độ thực hiện kế hoạch 234 về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ của các đơn vị vẫn còn chậm, chưa bảo đảm mục tiêu, lộ trình đề ra.

Theo báo cáo của Công an TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có 42.200 nhà trọ cho thuê kiểu chung cư mini. Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, đơn vị này đang cung cấp điện kinh doanh cho trên 2.000 dự án nhà chung cư mini trên địa bàn Thủ đô.

Đáng nói, hầu hết những dự án chung cư mini chủ đầu tư đều là những cá nhân, hộ gia đình riêng lẻ, xây dựng trên diện tích đất từ 200 – 500m2 và nằm sâu trong các ngõ phố, giữa khu vực dân cư sinh sống đông đúc, nơi mà xe cứu hỏa không thể tiếp cận trực tiếp. Do đó, khi xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của người dân.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực tế thì nhu cầu thuê nhà của người lao động ở đô thị lớn luôn duy trì ở mức cao, người từ tứ xứ đến Hà Nội học tập và làm việc. Bên cạnh đó, những động thái kích giá trên thị trường tạo ra tâm lý khan hiếm khiến giá nhà vượt tầm với của người lao động, buộc lòng họ phải đi thuê trọ.

Trong khi đó, những phòng trọ, chung cư mini thường ở trong ngõ sâu, lối đi chật hẹp, xe chữa cháy không thể vào đến nơi. Hoặc vào tới nơi không tìm được họng tiếp nước để dập đám cháy.

“Sự xuất hiện của các khu đô thị lộn xộn, thiếu hạ tầng, tiện ích, phi chính thức đã trở thành biểu hiện thực tế của quá trình đô thị hóa tự phát, là mối quan tâm dai dẳng đối với nhiều nhà thực hành, hoạch định chính sách” – ông Võ nhận định.

Còn theo KTS.Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhiều tòa xây dựng sai phép, sai mật độ, thêm nhiều tầng, “nhồi” thêm dân cư vào trong những khu vực vốn đã quá tải.

Trong hàng nghìn tòa chung cư mini, tòa nào cũng lách luật để nhồi nhét dân cư như vậy khiến hạ tầng đô thị phải gánh áp lực quá tải. Loại hình công trình này nở rộ thiếu kiểm soát còn làm cản trở mục tiêu giãn dân khỏi khu vực nội đô của Hà Nội.

>>Phải mạnh tay với nhà trọ “không lối thoát”

Lời giải từ việc nâng cấp đô thị

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm quản lý các cấp, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến cấp phép, thiết kế, điều kiện phòng cháy, chữa cháy, điều kiện kinh doanh của căn nhà xảy ra cháy nói riêng, các căn hộ cho thuê khác nói chung.

Cần các giải pháp nhằm nâng cấp hạ tầng đô thị. Ảnh: DH

Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, để giảm tải áp lực cho khu nhà trọ, chung cư mini nội đô, cần phải nâng cao chất lượng đô thị. Dẫn kinh nghiệm từ các nước, vị chuyên gia ví dụ tại Nhật Bản, quốc gia này đưa ra phương pháp hạn chế mở rộng đô thị, kiểm soát mở rộng đô thị, thay vào đó nước này đưa ra kế hoạch xây dựng hạ tầng đô thị bằng hệ thống phân chia thành các khu vực, bao gồm khu vực điều chỉnh đô thị, khu vực hóa đô thị, mở rộng khu vực đô thị hóa.

Trong khi đó, PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững, đã đến lúc đường lối đô thị hóa của Việt Nam cần thay đổi về nhận thức và tư duy phát triển.

“Các tính toán định lượng về ngưỡng tải và sức chứa khoa học phải được đưa vào quy trình bắt buộc để kiểm soát về quy mô dân số, chỉ tiêu quy hoạch, khu ở gắn với việc làm và dịch vụ thiết yếu, phải đảm bảo cho đất đai và các khu chức năng chính trong đô thị hoạt động hiệu quả, an toàn”, PGS. Thục kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Chung cư mini, nhà trọ: Luật đã mở, quản ra sao?

    Chung cư mini, nhà trọ: Luật đã mở, quản ra sao?

    12:00, 02/06/2024

  • Thủ tướng: Rà soát chung cư mini và nhà trọ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm PCCC

    Thủ tướng: Rà soát chung cư mini và nhà trọ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm PCCC

    00:05, 25/05/2024

  • Phải mạnh tay với nhà trọ “không lối thoát”

    Phải mạnh tay với nhà trọ “không lối thoát”

    11:42, 24/05/2024

  • Hà Nội: Nhà trong ngõ thiết lập mặt bằng giá mới

    Hà Nội: Nhà trong ngõ thiết lập mặt bằng giá mới

    03:00, 17/04/2024

DIỆU HOA