Giải pháp khắc phục ngập úng đô thị

DIỆU HOA 04/06/2024 13:53

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, ngập úng đô thị có phần do quy hoạch chưa đảm bảo, phát triển đô thị, hạ tầng dân cư mà chưa tính đến định hướng lâu dài.

>>Giải pháp nào chống ngập úng tại Thủ Đô?

Mưa lớn gây ngập úng tại TP.HCM. Ảnh: Ngân Giang

Dự án đi trước, hạ tầng theo sau

Cụ thể, trả lời tại Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 diễn ra sáng 4/6, trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận về nội dung ngập úng đô thị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhận định một phần do tác động từ quá trình đô thị hóa.

“Chúng ta phát triển nhưng quy hoạch chưa đảm bảo, chủ yếu là phát triển đô thị, hạ tầng dân cư mà chưa tính đến định hướng lâu dài” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Khẳng định để chống ngập đô thị phải có giải pháp đồng bộ, ông Khánh kỳ vọng trong quá trình phát triển mới, ao, hồ trong đô thị có thể vừa tạo cảnh quan, vừa là nơi trữ nước. Muốn làm được việc này, theo ông, phải nghiên cứu quy hoạch bài bản.

Cũng thừa nhận tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho hay, điều kiện tự nhiên biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến nhu cầu xây dựng tăng cao: hoạt động san lấp ao hồ, kênh rạch dẫn đến bê tông hóa diện tích đất bề mặt, cản trở việc thẩm thấu tự nhiên. Bên cạnh đó là do công tác quy hoạch chưa đảm bảo, dự báo chưa tốt nhu cầu chống ngập úng đô thị.

Thực tế, tình trạng cứ mưa lớn là ngập diễn ra nhiều năm qua đã gây nhiều hệ lụy đến người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đơn cử tại TP.HCM, cơn mưa lớn kéo dài hơn 3 tiếng chiều ngày 27/5 đã khiến 18 điểm ngập sâu.

Trao đổi với DĐDN xung quanh câu chuyện ngập úng do chất tải hạ tầng đô thị, nhiều chuyên gia cho rằng do tình trạng dự án đi trước, hạ tầng chậm bước theo sau, các dự án hiện chưa được đánh giá về khả năng kết nối hạ tầng, dẫn đến dự án cứ xây, chất tải đô thị cứ tăng.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định thực trạng hiện nay là chưa có quy chuẩn cho từng khu vực mà chỉ có quy hoạch chung nên khi thực hiện quy hoạch mạnh ai người đấy làm, không có sự đồng bộ với hệ thống hạ tầng thành phố, chất tải quá nhiều chung cư làm quá tải hạ tầng.

Trong khi đó, TS Phạm Văn Hùng - Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam cũng cho rằng việc thiếu công cụ đánh giá tác động giao thông là nguyên nhân dẫn đến những hình ảnh như một khu công nghiệp được dựng lên, một cao ốc hàng ngàn hộ mọc lên kéo theo số lượng lớn người dân vào ở, sinh hoạt, làm việc… và gây nên cảnh ùn tắc, kẹt xe cục bộ tại khu vực xung quanh đó. “Các công trình tập trung đông người thì phải tính toán giao thông đối nội và giao thông đối ngoại” – TS Phạm Văn Hùng nói.

>>TP.HCM: Vẫn băn khoăn về các giải pháp chống ngập?

Sửa sai bằng quy hoạch

Còn theo TS. Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, để giải nén cho đô thị, góp phần giải quyết vấn đề chất tải hạ tầng gây ngập úng, cần kết hợp nhiều giải pháp và phải mang tính linh hoạt. Trong đó có việc không “chất” thêm “tải” vào nội đô; quy hoạch phải đi trước một bước nhưng phải đồng bộ, lấy tiêu chuẩn đô thị nén làm mục tiêu, có tính kết nối cao, đặc biệt không giao doanh nghiệp làm quy hoạch vì sẽ dẫn đến lợi ích cục bộ, xé nát quy hoạch, sau rất khó sửa. 

Không thể để tiếp diễn tình trạng dự án đi trước, quy hoạch theo sau như hiện nay.

Giải pháp khả thi là cần mở rộng đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, nhất là dịch vụ giáo dục, từ đó sẽ giảm dần việc chọn trường, tránh được sự di chuyển chéo (đưa con đi học) chỉ vì chọn trường lớp cho con, từ đó tối ưu về vận trù học.

Đồng thời, thương mại điện tử và làm việc online sẽ là giải pháp hữu hiệu để giảm áp lực cho hạ tầng giao thông; do đó phải đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, thương mại điện tử.

TS. Bùi Văn Doanh nhận định, sửa sai về hạ tầng kỹ thuật rất khó vì khó có thể tăng diện tích đất giao thông trong nội đô lên một cách đáng kể được, nên phải lấy chất lượng thay số lượng và chuyển đổi số mạnh mẽ để thay đổi phương thức sống và làm việc.

Đặc biệt, cần sự quyết đoán bằng tư duy khoa học và kiên quyết trong quản lý, điều đó đòi hỏi trí tuệ, năng lực và nhất là bản lĩnh của chính quyền đô thị.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp nào chống ngập úng tại Thủ Đô?

    Giải pháp nào chống ngập úng tại Thủ Đô?

    00:21, 27/11/2022

  • Giải bài toán ngập úng tại Đà Nẵng

    Giải bài toán ngập úng tại Đà Nẵng

    20:05, 10/11/2022

  • Đà Nẵng: Nhiều nơi bị sạt lở, ngập úng nặng sau mưa lớn

    Đà Nẵng: Nhiều nơi bị sạt lở, ngập úng nặng sau mưa lớn

    14:33, 15/10/2022

DIỆU HOA