Hải Phòng: Hỗ trợ doanh nghiệp logistics chuyển đổi số

BÙI HIỀN 07/06/2024 00:06

Logistics cần được đầu tư mạnh mẽ “công nghệ số” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

>>>Hải Phòng: Chú trọng phát triển hạ tầng logistics

Những năm gần đây, TP Hải Phòng được đánh giá là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế, xã hội. Với vị trí địa lý trọng yếu của vùng Duyên hải Bắc Bộ và là cửa ngõ biển của các tỉnh phía Bắc. Hải Phòng càng có thêm nhiều tiềm năng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Tại Hải Phòng, hệ thống cảng biển gồm 05 khu bến với 98 cầu bến các loại, trong đó có 14 km cùng 08 đoạn luồng hành chính. Nổi bật nhất là khu bến cảng Lạch Huyện có thể tiếp nhận tàu lên đến 200.000 tấn. Bên cạnh đó, hệ thống kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics đạt 700 ha với khoảng hơn 60 kho bãi bao gồm hệ thống các kho bãi tại các cảng biển, kho ngoại quan…

1.Tại cảng của Hải Phòng đã triển khai dùng Eport kiểm soát lượng xe hàng ra vào cảngp/

Tại cảng của Hải Phòng đã triển khai dùng Eport kiểm soát lượng xe hàng ra vào cảng

Lúng túng tìm đường đi

Các doanh nghiệp Hải Phòng đã bắt đầu triển khai thực hiện số hóa từ các công đoạn. Bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ chia sẻ: “Ở quy mô tập đoàn, hiện nay đang sử dụng các phần mềm quản lý công việc, hệ thống quản lý kho, hệ thống mạng nội bộ, phần mềm VR 360 để tiếp cận khách hàng. Hầu hết, các hệ thống quản lý dữ liệu hoàn toàn được số hóa để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong KCN. Đồng thời nâng cao tất cả các sản phẩm, dịch vụ đến tay khách hàng”.

Phía doanh nghiệp logistics cũng đưa vào sử dụng dịch vụ cảng điện tử Eport để thuận tiện, cải tiến thủ tục, quy trình giao nhận, tiết kiệm thời gian dừng đỗ tại cổng, tránh gây ách tắc… đem lại hiệu quả nhanh chóng trong thời gian ngắn triển khai.

Việc chuyển đổi số cần thực hiện quyết liệt, đưa vào hệ thống chung và toàn diện theo một lộ trình nhất định để tương xứng với những tiềm năng của thành phố. Đồng thời, cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp phát triển đồng đều.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế khiến việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistic chưa được thực hiện đồng loạt, đồng nhất giữa các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp với nhau. Đây là nguyên nhân kìm chân việc chuyển đổi số tại các cụm doanh nghiệp logistic của Hải Phòng.

Bà Trần Thị Tố Loan cho biết thêm, chúng ta không có hệ thống chuỗi chuyển đổi logistic. Tại KCN Nam Đình Vũ đã xây dựng các cảng thông minh, cũng như hệ thống online: tờ khai trực tuyến, educate, tham quan trực tuyến… tất cả đều được thực hiện điện tử. Tuy nhiên, việc này vẫn chỉ gói gọn trong KCN Nam Đình Vũ và chỉ ở cảng Nam Đình Vũ. Các doanh nghiệp logistics bên ngoài cũng như các kho bãi, cảng ngoài chưa có kết nối dữ liệu chung nên việc triển khai còn nhiều hạn chế.

Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp giảm mọi chi phí xuống mức thấp nhất. Từ đó, hiệu quả kinh doanh chắc chắn cũng tăng lên đáng kể, mở ra thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, việc lựa chọn các giải pháp, hay đơn vị thực hiện chuyển đổi số khiến doanh nghiệp còn gặp nhiều lúng túng. Đây cũng là nguyên do khiến các doanh nghiệp logistics đang chần chừ thực hiện chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ IOT Plus bày tỏ: “Hiện tại, doanh nghiệp đang chuyển dần từ thủ công sang số hóa, trước tiên là từng công đoạn sau đó là chuyển đổi cả hệ thống. Việc lựa chọn đơn vị giúp doanh nghiệp chúng tôi thực hiện chuyển đổi số là một việc khó khăn. Vì mỗi một đơn vị có một thế mạnh riêng nên doanh nghiệp phải cân nhắc, chọn lựa đơn vị có chuyên môn, năng lực kinh nghiệm thực tế phù hợp với nhu cầu, định hướng của chúng tôi”.

Tháo gỡ khó khăn

Việc chuyển đổi số được đánh giá là xương sống của sự phát triển đất nước. Đây cũng là phương án đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mà trước mắt, phải tiến hành chuyển đổi số toàn diện từ các doanh nghiệp logistic.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định logistics là ngành dịch vụ trọng tâm trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng góp vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thành phố nói chung. Thời gian qua, TP Hải Phòng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiều hoạt động, chương trình nhằm thúc đẩy phát triển logistics”.

Thực tế, năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh logistic cấp tỉnh (LCI) của 26 tỉnh, Hải Phòng xếp ở vị trí thứ 2. Năm 2023, TP Hải Phòng tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng. Hải Phòng là một trong những thành phố trực thuộc trung ương duy nhất nằm trong top đầu cả nước về đánh giá chỉ số LCI. Điều này đã khẳng định được những tiềm năng của các doanh nghiệp logistic của thành phố cảng và phong độ của địa phương trong suốt những năm qua.

2.Các doanh nghiệp học hỏi, kết nối cơ hội trao đổi thêm về kinh nghiệm chuyển đổi số

 Các doanh nghiệp kết nối, nắm bắt cơ hội trao đổi thêm về kinh nghiệm chuyển đổi số

Để tháo gỡ những lúng túng, thúc đẩy hoạt động logistics trong các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng, cần phải xây dựng một lộ trình dài hạn và tường tận về khung pháp lý, bài toán nhân lực, đảm bảo an toàn không gian mạng… Đặc biệt, phải mở ra tầm nhìn chiến lược cho các doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số.

UBND TP Hải Phòng phải mạnh dạn xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh, bảo mật và quản trị công nghệ, kỹ thuật để doanh nghiệp yên tâm đẩy dữ liệu lên hệ thống chung. Hơn thế, cũng cần đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với các phát minh, sáng chế của các doanh nghiệp thực hiện. Việc này giúp doanh nghiệp yên tâm phát huy các thế mạnh, đồng thời, đảm bảo cơ hội cạnh tranh lành mạnh tại thị trường.

Doanh nghiệp logistics cũng cần phải học hỏi thêm kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đi trước. Cùng với đó, liên kết với các doanh nghiệp công nghệ thông tin để hiểu và lựa chọn được những công nghệ phù hợp với mục tiêu chuyển đổi của doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics phải được đẩy mạnh lên hàng đầu. Đây là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho toàn thành phố. Hiện, các trường đại học cũng đã và đang hoàn thiện giáo trình bài bản, đào tạo nhân lực logistics cho vùng với kiến thức chuyên sâu, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của làn sóng chuyển đổi số.

TP Hải Phòng đang quyết tâm đưa làn sóng chuyển đổi số lan rộng đến tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực. Đồng thời, phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước về chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp

    Hải Phòng: Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp

    15:00, 04/06/2024

  • Hải Phòng: Định hình chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp

    Hải Phòng: Định hình chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp

    18:25, 23/05/2024

  • Nhận diện điểm nghẽn và đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics

    Nhận diện điểm nghẽn và đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics

    14:54, 30/05/2024

BÙI HIỀN