Giải ngân vốn đầu tư công: Vì sao “ì ạch”?
Giải ngân vốn đầu tư công được cho là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua dù lãnh đạo các ban, ngành, địa phương đã liên tục đôn đốc, nhưng tiến độ giải ngân vẫn “ì ạch”…
>>Vì sao trong 5 tháng TP.HCM chỉ giải ngân được 11.000 tỉ vốn đầu tư công?
Nhiều đơn vị vẫn “ì ạch”…
Theo đó, năm 2024, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước được Thủ tướng giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 663.807 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 231.458 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 432.249 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác lên đến 99.358 tỷ đồng; dự án, nhiệm vụ thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 27.220 tỷ đồng.
Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2024 gồm kế hoạch Thủ tướng giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng (42.400 tỷ đồng) và kế hoạch các năm trước chuyển sang (25.948,7 tỷ đồng) lên tới 732.155,15 tỷ đồng.
Tính chung 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 27% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cả nước còn tới 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, TP.HCM có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, theo sau là Hưng Yên, Hải Dương, Phú Yên, Cao Bằng.
Quảng Trị cũng là một trong 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công dưới trung bình cả nước (5 tháng đạt hơn 17%). Vừa qua, đoàn công tác của Bộ KH&ĐT đã kiểm tra tiến độ một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Về dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, năm 2024, kế hoạch vốn bố trí 327,7 tỷ đồng (ngân sách trung ương 300 tỷ đồng, ngân sách địa phương 27,7 tỷ đồng) dự kiến để chi trả cho khối lượng xây lắp. Phần kinh phí để chi trả giải phóng mặt bằng còn thiếu, nên dự án gặp nhiều khó khăn.
Tổ công tác số 5 về giải ngân vốn đầu tư công cũng vừa báo cáo Thủ tướng kết quả giải ngân vốn đầu tư của 6 địa phương là: Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. 5/6 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước trong tháng 5/2024. Các địa phương cũng còn nhiều dự án giải ngân 0%, như Lâm Đồng, Đồng Nai...
Vướng vì chậm bàn giao mặt bằng, thiếu vật liệu
Đáng chú ý, nhiều vướng mắc, tồn tại trong thời gian dài được Bộ Tài chính và các bộ, chuyên ngành báo cáo nhưng đến nay vẫn ngổn ngang chưa được tháo gỡ. Nổi bật là vướng mắc về cơ chế giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương; quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hàng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn tại Điều 52, Điều 56 Luật Đầu tư công và trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước theo Điều 46 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020...
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án quan trọng quốc gia đang gặp không ít khó khăn. Đối với công tác giải phóng mặt bằng hiện nay, tiến độ tại một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chậm hơn so với yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng.
Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường điện cao thế còn nhiều khó khăn, chậm trễ. Đến nay, vẫn chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
>>Hải Phòng: Thành lập 02 Tổ công tác kiểm tra đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Về vật liệu xây dựng cung ứng cho thi công, việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực dẫn tới tình trạng khan hiếm, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá... với các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc triển khai cơ chế đặc thù về khai thác vật liệu xây dựng thông thường còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 3 mỏ được bàn giao vẫn chưa thể khai thác do người dân phản đối. Dù ngày 12/4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chủ trì đối thoại với các hộ dân khu vực khai thác để giải thích, vận động, thuyết phục nhưng không đạt được kết quả mong muốn nên các nhà thầu vẫn chưa xác định được thời gian khai thác.
Để có thể hoàn thành “đại dự án” vào cuối năm 2025, sớm phát huy hiệu quả đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng, các gói thầu phải hoàn thành công tác đắp gia tải xử lý nền đất yếu trong tháng 6/2024 nên việc sớm đưa vào khai thác các mỏ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nhằm đảm bảo nguồn cung vật liệu cát là điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Trở lại nội dung Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi tính đến hết tháng 5/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 148 nghìn tỉ đồng, bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, các giải pháp mà Chính phủ cũng như các địa phương thực hiện đã toàn diện trên tất cả lĩnh vực, từ thể chế, tới công tác chỉ đạo điều hành…
Tuy nhiên, theo ông Phương, giải pháp quan trọng nhất để đẩy mạnh giải ngân vốn công chính là sự tự giác, quyết liệt ở các đơn vị tổ chức, bộ, ngành, địa phương trong triển khai thi công.
“Đầu tư công có vô vàn tình huống phát sinh, như điều chỉnh dự án, thay đổi cơ chế chính sách, giải pháp... Với những thay đổi này, một cơ quan không làm được, mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương. Đây cũng là giải pháp quan trọng, làm sao cho quá trình đầu tư công không bị ngắt quãng”, ông Phương nói.
Có thể bạn quan tâm