Thái Bình: Doanh nghiệp “khát” nhân lực chất lượng cao
Để hướng đến một nền dịch vụ, công nghiệp hiện đại, nhằm tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư FDI. Thái Bình đang tìm lời giải phù hợp cho bài toán về nhân lực chất lượng cao.
>>>Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư khu công nghiệp xanh tại Thái Bình
Lợi thế về số lượng
Thái Bình là địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao thuộc nhóm đầu của cả nước với khoảng 75,7%. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức, tạo sức hút đầu tư và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đầu năm 2023 UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Hiện dân số của tỉnh khoảng trên 1,9 triệu người. Trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 60%. Thái Bình đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và sẽ kéo dài khoảng 30 năm nữa. Đây không chỉ nguồn lực quan trọng cho doanh nghiệp mà còn là “nguồn tài nguyên” vô cùng quý giá, lợi thế tạo sức hút đầu tư để tỉnh cất cánh về kinh tế trong thời gian tới.
Chỉ tính riêng Khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút và đang giải quyết việc làm cho 76.620 lao động, trong đó có 36.810 người làm việc cho các doanh nghiệp FDI. Nhu cầu về lao động của khu vực này sẽ còn tiếp tục tăng cao khi một số khu công nghiệp đã và sẽ được thành lập, đi vào hoạt động như Liên Hà Thái, VSIP, Dược - Sinh học, Hải Long...
Hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang sử dụng trên 720.000 lao động. Theo khảo sát của ngành lao động - thương binh và xã hội, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp năm 2024 khoảng 12.000 người; đến năm 2025 dự báo cần trên 78.000 lao động và đến năm 2030 tăng lên trên 82.000 lao động.
Song song với nhu cầu cao về số lượng lao động, các doanh nghiệp cũng đang cần lượng lớn lao động có trình độ, tay nghề cao.
Ông Nguyễn Doãn Chung - BQL Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Theo định hướng phát triển và thu hút đầu tư của tỉnh, trong 5 năm trở lại đây, Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chủ yếu thu hút, tiếp nhận các dự án hoạt động trong một số lĩnh vực ngành nghề sử dụng công nghệ cao như điện, điện tử, chế tạo máy móc, công nghệ thông tin, logistics, cơ khí ô tô, năng lượng tái tạo, chế biến nông sản thực phẩm, dược phẩm, vật tư y tế..., ông Doãn Chung nói.
Chính vì vậy, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp đang có sự dịch chuyển mạnh từ sử dụng lao động phổ thông sang lao động có tay nghề cao. Đơn cử, 5 doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghiệp Liên Hà Thái dự kiến trong năm 2024 và đến quý II/2025 sẽ cần tuyển dụng gần 1.300 người, trong đó trình độ đại học khoảng 200 người, cao đẳng, trung cấp hơn 240 người, còn lại là trình độ sơ cấp và lao động phổ thông.
“Ngóng” nguồn nhân lực chất lượng
Theo đại diện Công ty TNHH Ohsung Vina Thái Bình: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện mô tơ dùng cho thiết bị điện tử, đồ gia dụng và sản phẩm linh phụ kiện cho màn hình led với công suất thiết kế hơn 75.000 tấn sản phẩm/năm. Để vận hành hết công suất thiết kế của nhà máy, Công ty cần tuyển dụng 2.500 lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật về điện, điện tử. Hiện nguồn nhân lực của Thái Bình rất dồi dào nhưng số lao động đáp ứng các yêu cầu vị trí việc làm của Công ty còn hạn chế nên việc tuyển dụng gặp một số khó khăn.
Không riêng Công ty TNHH Ohsung Vina Thái Bình, các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Liên Hà Thái đang triển khai đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt tay vào sản xuất đều trăn trở trong khâu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, lao động chất lượng cao theo đúng ngành nghề hoạt động sản xuất.
Bà Lương Hương Giang - Giám đốc nhà máy sản xuất thiết bị ô tô tại KCN Liên Hà Thái cho biết: Nhà máy của chúng tôi chuyên sản xuất tăm bua ô tô với sản lượng dự kiến 47.100 sản phẩm/ năm và nước ure xử lý khí thải ô tô, nước làm mát ô tô với sản lượng sản xuất dự kiến 90.000 can/năm, tương đương với 2 triệu lít/ năm. Sắp tới, nhà máy sẽ chính thức đi vào sản xuất giai đoạn 1 của dự án. Nhà máy sử dụng phần lớn máy móc và công nghệ tự động hóa nên không cần nhiều lao động. Tuy nhiên, để vận hành dự án hiệu quả, hiện nay chúng tôi cần tuyển một số nhân sự quản lý cấp cao và kỹ sư, công nhân có trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên ngành công nghệ CNC, tự động hóa.
Ông Nguyễn Trần Phong - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park - nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái cho biết: KCN đang đẩy mạnh thu hút đầu tư và hiện có 25 dự án thứ cấp đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đăng ký của các dự án thứ cấp đã đầu tư vào KCN Liên Hà Thái, nhu cầu tuyển dụng lao động khoảng trên 40.000 lao động. Riêng 5 doanh nghiệp đã hoàn thành đầu tư nhà xưởng và đi vào hoạt động thì nhu cầu sử dụng lao động khoảng 27.000 người, chủ yếu là lao động đã qua đào tạo và lao động chất lượng cao thuộc các ngành nghề sản xuất và lắp ráp điện tử, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, hành chính, ngôn ngữ Anh, Hàn, Trung và may mặc thời trang.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp sớm triển khai sản xuất và phát huy hiệu quả đầu tư, chúng tôi chủ động kết nối các nhà đầu tư thứ cấp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, Green i-Park sẵn sàng hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề để đầu tư xây dựng và mở rộng cơ sở đào tạo ngay trong KCN. Việc đầu tư máy móc, thiết bị cho các cơ sở thực hành hoặc phối hợp với các đơn vị sản xuất trong KCN để đào tạo lý thuyết gắn với thực hành chuyên môn trực tiếp trên các dây chuyền sản xuất hiện đại của doanh nghiệp sẽ nâng cao trình độ và khả năng thích ứng công việc ngay cho người lao động.
Những năm qua, tỉnh Thái Bình đã thực hiện linh hoạt các hoạt động đào tạo nghề, kết nối cung - cầu lao động cho doanh nghiệp và người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển Khu kinh tế và các KCN.
Ông Phí Ngọc Thành - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Ngoài phát huy hệ thống cơ sở đào tạo tại tỉnh gồm 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng và 23 trường dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã khảo sát năng lực đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao ở khu vực phía Bắc để lựa chọn hợp tác đào tạo, cung ứng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Vừa qua, chúng tôi đã kết nối Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội với một số doanh nghiệp trong KCN Liên Hà Thái ký kết hợp tác đào tạo, tuyển dụng lao động chất lượng cao. Từ mô hình đầu tiên này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng nhằm chủ động cung cấp nguồn nhân lực đã qua đào tạo cho các doanh nghiệp trong các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm