Thái Bình: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ
Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động khoa học công nghệ của tỉnh Thái Bình đã có những bước tiến rõ rệt.
>>>Thái Bình: Bàn giải pháp tăng sức hút các nhà đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp
Khuyến khích phát triển
Theo ông Trần Đại Nghĩa - Giám đốc Công ty Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Đại Nghĩa: Là doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) nên Công ty chúng tôi xác định không ngừng nghiên cứu, cải tiến, tối ưu sản phẩm hiện có và sáng chế ra những sản phẩm mới phục vụ thị trường. Chính vì thế, Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành năm 2023 là rất kịp thời, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp có những nghiên cứu mới, cách làm hiệu quả, sáng tạo, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Các cơ chế hỗ trợ trong Nghị quyết đã bám sát thực tiễn hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Công ty chúng tôi nói riêng và của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh nói chung. Ngoài ra, các tiêu chuẩn, điều kiện hỗ trợ nêu trong Nghị quyết khá ngắn gọn, dễ hiểu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức thường xuyên có hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Chúng tôi hy vọng các sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan tạo mọi điều kiện giúp đỡ để chúng tôi có thêm động lực sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân giải phóng sức lao động và nâng cao năng suất lao động, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, bền vững.
Theo ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình: Từ năm 2019 đến nay, Sở đã triển khai 176 nhiệm vụ KHCN. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã và đang được xây dựng theo hướng an toàn, bền vững.
Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được quan tâm chú trọng với nhiều thành tựu như: đã ứng dụng công nghệ số vào máy cắt sử dụng công nghệ Laser trong chế tạo các loại chi tiết máy phục vụ sản xuất nông nghiệp; thiết kế, lắp đặt hệ thống điều khiển thông minh tưới một số loại cây trồng tại tỉnh Thái Bình; phát triển kỹ thuật Multiplex Real - time PCR và ứng dụng trong chẩn đoán và giám sát sự lưu hành của vi khuẩn kháng colistin tại Thái Bình...
Trong công tác quản lý nhà nước về KHCN, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện tham gia ý kiến thẩm định công nghệ hơn 100 các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tham mưu xây dựng, phát triển cổng thông tin truy xuất nguồn gốc tỉnh Thái Bình.
Đặc biệt, năm 2023, Sở đã tổ chức thành công lễ khai trương trưng bày, giới thiệu, giao dịch sản phẩm OCOP, sản phẩm KHCN và sản phẩm chủ lực của tỉnh tại sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình. Đến nay, đã có 50 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đưa sản phẩm vào trưng bày, giới thiệu, quảng bá, giao dịch tại sàn thực với khoảng 500 loại sản phẩm, hơn 5.000 đơn vị sản phẩm; gần 300 sản phẩm được quảng bá, giao dịch trên sàn ảo.
Theo ông Quang, để thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm KHCN và sản phẩm chủ lực của tỉnh, ngành KHCN đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, tri ân khách hàng... Nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình với những biện pháp như: tuyên truyền, quảng bá về hoạt động của sàn trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng và trình độ cho các bộ phận quản lý và vận hành sàn... Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KHCN phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm KHCN và sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình: Mặc dù hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống đã được triển khai rộng khắp song vẫn chưa tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, còn chưa có sự thống nhất giữa một số văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi, các vấn đề liên quan đến chủ sở hữu của các kết quả đề tài, dự án do Nhà nước đầu tư; còn thiếu các quy định pháp lý cho hoạt động của các dịch vụ chuyển giao công nghệ.
Những quy định về quản lý, cơ chế tài chính trong thực hiện nhiệm vụ KHCN còn gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng về vấn đề xử lý tài sản hình thành trong thực hiện nhiệm vụ. Thành lập quỹ phát triển KHCN trong doanh nghiệp, cơ chế khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ đến sản phẩm cuối cùng.
Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương tuy đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của KHCN song việc chuyển từ nhận thức đó thành những chính sách, nguồn lực, dự án cụ thể để phát triển KHCN của tỉnh, của ngành và địa phương còn hạn chế.
Ông Phạm Văn Quang – PGĐ SỞ KHCN Thái Bình: Với vai trò nòng cốt, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của KHCN thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đổi mới cơ chế tổ chức quản lý các đề tài, dự án KHCN theo hướng ưu tiên, tập trung vào các lĩnh vực KHCN có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến trong và ngoài nước để phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, các sản phẩm có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao. Tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các tổ chức KHCN trong và ngoài nước.
Chú trọng đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ đầu ngành về KHCN; thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ KHCN, nhất là đối với cán bộ có trình độ cao. Sở cũng sẽ tăng cường quảng bá và khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình. Huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn KHCN được giao quản lý, khuyến khích các doanh nghiệp bố trí vốn đầu tư cho hoạt động KHCN.
Mới đây, để hỗ trợ tháo gỡ cho các doanh nghiệp có đề tài KHCN, tỉnh Thái Bình đã tổ chức cuộc họp nghe Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo về công tác quản lý nhà nước các đề tài, dự án khoa học công nghệ. Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh.
Theo báo cáo: Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ quản lý 52 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh trong đó có 19 đề tài chuyển tiếp từ năm 2022, 2023 sang và 33 đề tài thực hiện từ năm 2024. Các đề tài được triển khai thực hiện cơ bản bảo đảm tiến độ theo thuyết minh đã được phê duyệt và đạt được những kết quả bước đầu.
Đối với dự án xây dựng khu thực nghiệm sinh học công nghệ cao tỉnh Thái Bình tại xã Minh Quang (Vũ Thư) giai đoạn I, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực, chủ động tham gia, phối hợp cùng UBND huyện Vũ Thư trong công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án, song tiến độ thực hiện dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch.
Ông Phạm Văn Nghiêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình: Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng kết quả, sản phẩm của các đề tài vào thực tiễn. Đặc biệt là các đề tài về lĩnh vực y tế, giáo dục, sản xuất. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình.
Có thể bạn quan tâm