Châu Á - Thái Bình Dương cần được đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và an ninh năng lượng.
>> Thúc đẩy phát triển bền vững trong tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên như một động lực kinh tế mới sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong những thập kỷ tới. Khu vực này cũng tiếp tục củng cố vai trò là trung tâm đổi mới kinh tế và tinh thần kinh doanh, được thúc đẩy bởi sự hợp tác với các đối tác toàn cầu trong các lĩnh vực tiên tiến.
Sự tiến bộ này được thúc đẩy bởi những cải thiện đáng kể về mạng lưới giao thông, sản xuất điện, viễn thông và cơ sở hạ tầng nước. Tuy nhiên, khu vực này cần được đầu tư nhiều hơn nữa để duy trì tăng trưởng cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và an ninh năng lượng.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tính toán rằng châu Á sẽ cần đầu tư 1,7 nghìn tỷ USD hàng năm cho đến năm 2030 để đạt được tham vọng kinh tế của mình. Bên cạnh đó, ADB cũng ước tính rằng các cải cách của chính phủ có thể thu hẹp tới 40% khoảng cách cơ sở hạ tầng, nhưng khu vực tư nhân sẽ phải đóng vai trò thiết yếu trong việc huy động phần còn lại của nguồn vốn cần thiết.
Tín hiệu tích cực là khu vực châu Á - Thái Bình Dương mang đến một môi trường vĩ mô hấp dẫn cho cả nhà đầu tư nước ngoài và khu vực. Nhân khẩu học mạnh mẽ, chuỗi cung ứng toàn cầu có khả năng phục hồi, kết nối kỹ thuật số của người tiêu dùng ngày càng tăng và nhu cầu ngày càng tăng đối với năng lượng sạch là những lý do khiến các nhà đầu tư tăng cường tới khu vực này.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng trong khu vực. Theo Joe Bae, đồng Giám đốc điều hành của công ty đầu tư toàn cầu KKR có trụ sở tại Hoa Kỳ, hiện nay nhiều danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư đang bị đánh giá thấp đáng kể ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mặc dù có nhiều cơ hội to lớn.
Một số trở ngại đang cản trở việc thu hút thêm sự quan tâm bao gồm thị trường vốn còn chưa phát triển mạnh, rủi ro tỷ giá hối đoái và danh mục các dự án sẵn sàng đầu tư không đủ. Ông Joe nói thêm, để giải quyết những thách thức này, chính phủ, nhà đầu tư, công ty và các ngân hàng phát triển đa phương sẽ phải có sự tham gia một cách có hệ thống trên toàn khu vực.
>> Thúc đẩy tài chính bền vững khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Theo đó, các bước quan trọng cần thực hiện bao gồm tăng nguồn vốn ưu đãi, dành nhiều nguồn lực hơn cho giai đoạn tiền phát triển dự án, thực hiện cải cách để khuyến khích tín dụng tư nhân và tăng cường sự liên kết giữa các tổ chức.
Mặc dù vậy, các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên phức tạp do các quy định thay đổi và bất ổn chính trị. Các cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trong năm nay cũng sẽ tạo ra thêm một lớp rủi ro chính trị cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng dài hạn.
Với các khoản đầu tư vốn lớn và vòng đời dự án kéo dài, các nhà đầu tư có thể sẽ thận trọng hơn, tiến hành đánh giá kỹ lưỡng về sự ổn định chính trị và cân nhắc cẩn trọng các chiến lược giảm thiểu rủi ro trước khi cam kết đầu tư.
Mặc dù khu vực này mang lại các cơ hội tăng trưởng bền vững, nhưng việc giải quyết các biến động lãi suất, bất ổn chính trị và động lực pháp lý đòi hỏi một cách tiếp cận chiến lược để đạt được lợi nhuận đầu tư mong muốn.
Ông Natarajan Chandrasekaran, Chủ tịch của công ty đầu tư Ấn Độ Tata Sons nhận định, châu Á có khoảng cách lớn về cơ sở hạ tầng, điều này càng trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19. Do đó, khi các quốc gia tìm kiếm những cách mới để huy động vốn, các cấu trúc sáng tạo và tập trung vào năng lượng tái tạo đang giúp thu hút các nhà đầu tư mới.
Ông Chandrasekaran cho biết, việc xây dựng các mô hình hợp tác mới như Quan hệ đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IP3) sẽ góp phần giải quyết các thách thức trong dài hạn. IP3 được thành lập vào tháng 3 để huy động vốn và chuyên môn của khu vực tư nhân để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hơn cho các mặt hàng thiết yếu, đồng thời thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường phát triển kỹ năng của lực lượng lao động.
"Việc xây dựng các mô hình hợp tác sáng tạo sẽ góp phần giải phóng tiềm năng kinh tế và con người của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà đầu tư, công ty và chính phủ ", chuyên gia này nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy phát triển bền vững trong tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
11:07, 30/05/2024
Thúc đẩy tài chính bền vững khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
16:18, 28/05/2024
Điều gì thúc đẩy ứng dụng AI tại châu Á - Thái Bình Dương?
03:30, 25/05/2024
"Bức tranh" đa sắc thị trường bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương
11:11, 30/03/2024
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu phát triển bền vững?
03:00, 23/03/2024