Doanh nghiệp dệt may mong mỏi gói tín dụng xanh
Doanh nghiệp dệt may mong muốn Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh để có thể hoàn vốn nhanh hơn trong công cuộc thực hiện xanh hóa trong sản xuất.
>>Hoàn thiện pháp lý thúc đẩy tăng trưởng xanh
Đó là chia sẻ của ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc, Tổng công ty May10 với DOANH NHÂN.
- Để thực hiện phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo mục tiêu của 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 41 đã đề ra, ông có những kiến nghị nào cần đề xuất?
Để Nghị quyết số 41-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, Nghị quyết đã đề ra 07 nhóm nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên tôi có một số đề xuất cần tập trung đẩy mạnh như sau: Một là; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ quan quản lý nhà nước, tích cực đồng hành, hỗ trợ thiết thực hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển và cống hiến.
Hai là, bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân cần nỗ lực hơn nữa, thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực đổi mới, xây dựng kế hoạch, chiến lược rõ ràng nhằm tạo ra sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ba là, các Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nhân trẻ phải là chỗ dựa tin cậy, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp để quán triệt, lan tỏa tinh thần và khát vọng vươn lên của doanh nhân và doanh nghiệp. Qua đó Hiệp hội cần phối hợp theo dõi giám sát đôn đốc kiểm tra các chiến lược phát triển doanh nghiệp, có các chương trình bồi dưỡng đào tạo, xây dựng kế hoạch tạo thuận lợi môi trường bình đẳng doanh nghiệp.
- Vâng, thưa ông! Riêng đối với ngành dệt may trong xu hướng xanh hóa, thực hiện kế hoạch giảm phát thải ròng, hướng tới xanh hóa trong sản xuất, MAY 10 đã thực hiện kế hoạch này như thế nào, thưa ông?
Tổng công ty May 10 đã chú trọng đến công tác xây dựng mục tiêu, chính sách như sau: Thứ nhất, tăng cường hợp tác, tìm kiếm nhà cung cấp nguyên phụ liệu tái chế hoặc có thành phần tái chế cao, sản phẩm có tính chất tự tiêu hủy, có độ bền cao. Đối với sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chí của khách hàng. Với sản phẩm nội địa chúng tôi tìm kiếm, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường và sử dụng túi giấy để đựng sản phẩm.
Thứ hai, đầu tư các thiết bị công nghệ mới giảm tiêu thụ điện như các thiết bị may, thiết bị chiếu sáng đèn LED, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001, thực hiện việc kiểm toán năng lượng, quản lý năng lượng theo luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ ba, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái bằng hình thức hợp tác với quỹ quốc tế và tự đầu tư.
Thứ tư, chuyển đổi dần việc sử dụng nhiên liệu đốt lò hơi từ than sang sử dụng nhiên liệu Biomass, thay thế nồi hơi than bằng sử dụng nồi hơi điện ở những nhà máy, cụm sản xuất nhỏ giảm khí thải và giảm tổn hao truyền dẫn. Đối với các dự án mới, ngay từ đầu trong khâu thiết kế đã lựa chọn lắp đặt điện mặt trời, nồi hơi Biomass, thiết bị tiêu thụ ít năng lượng.
Thứ năm, triển khai thực hiện nâng cấp, cải tiến mặt bằng, điều kiện làm việc theo các tiêu chuẩn LAB, triển khai kế hoạch phối hợp với tư vấn và cải thiện môi trương làm việc theo tiêu chuẩn LEED.
- Với doanh nghiệp ngành dệt may, theo ông khó khăn lớn nhất để doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững là gì?
Theo tôi, rào cản lớn nhất đó là nhận thức của các doanh nghiệp, nếu chúng ta không đi nhanh, đi trước từ sớm, từ xa có thể chúng ta sẽ bị tụt hậu không chỉ đối với các doanh nghiệp trong nước mà còn cả với các doanh nghiệp có nền sản xuất may mặc cạnh tranh với Việt Nam như: Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar...
Tiếp theo, khả năng tài chính của doanh nghiệp, đây là đầu tư lớn cho sự phát triển bền vững. Cùng với đó là nguồn lực về con người, chúng tôi định nghĩa sản xuất xanh không chỉ đầu tư về tài chính, nhà xưởng, thiết bị công nghệ hiện đại, năng lượng tái tạo mà phải đầu tư thêm về nguồn lực con người để có thể tiếp cận công nghệ.
Bên cạnh đó là đào tạo phổ biến nhận thức trách nhiệm của người lao động đối với môi trường, đối với xã hội. Theo cơ chế CBAM của châu Âu, hiện ngành dệt may chưa bị áp dụng, nhưng nếu May 10 không thực hiện giảm khí thải trong chuỗi sản xuất ngay từ bây giờ thì đơn hàng xuất khẩu cho các nhãn hàng May 10 có thể sẽ phải trả chi phí khí thải carbon ra môi trường trong tương lai. Do đó, May 10 đã chủ động chuyển đổi nhiên liệu trong quá trình sản xuất, dự kiến đến năm 2025, May 10 sẽ giảm được khoảng trên 20.000 tấn CO2 ra môi trường.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm