Cần hành lang pháp lý hoàn thiện cho thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

YẾN NHUNG 13/06/2024 04:30

Được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường mua bán carbon hoạt động hiệu quả.

>> Chứng chỉ carbon: Thách thức lớn với doanh nghiệp ngành gỗ

Thực tế cho thấy, việc các quốc gia, trong đó có Việt Nam, thực hiện cắt giảm khí nhà kính hướng theo các cam kết khí hậu trước đây và đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo thỏa thuận chung tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đã hình thành thị trường carbon, nơi các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon, không chỉ vì nguồn lực rừng phong phú mà còn nhờ vào sự đa dạng của các dự án giảm phát thải trong nông nghiệp, năng lượng tái tạo và quản lý chất thải. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon - Ảnh minh họa: ITN

Đặc biệt, theo báo cáo của Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về số lượng dự án triển khai theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), với 258 dự án được Ban điều hành Cơ chế phát triển sạch phê duyệt và 13 chương trình hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch, tiềm năng gần 140 triệu tấn CO2 tương đương trong thời hạn tín chỉ. Trong đó, 17 dự án theo Tiêu chuẩn vàng đã phát hành quốc tế hơn 3 triệu tín chỉ, 24 dự án theo Tiêu chuẩn carbon được thẩm tra đã phát hành hơn 600 nghìn tín chỉ.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, hệ thống pháp luật cho thị trường này của Việt Nam vẫn còn hạn chế, hiện chỉ đang quy định những vấn đề cơ bản như giao nhiệm vụ hình thành hoặc đưa ra định nghĩa về các thành phần của thị trường carbon dẫn tới thực tiễn thực hiện thị trường này còn phát sinh một số bất cập. Do đó, để thị trường carbon hoạt động hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý hoàn thiện cho thị trường này.

>> Xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ carbon

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Hà Công Anh Bảo, Trưởng Khoa Luật, Đại học Ngoại thương cho biết, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam được dự báo trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ, bởi không chỉ dư địa lớn từ rừng mà còn ở các ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông lâm nghiệp...

“Vì vậy để biến tiềm năng carbon rừng hay năng lượng tái tạo thành hàng hóa, mang lại nguồn thu thì việc sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý hoàn chỉnh chuyên sâu để thúc đẩy đầu tư và vận hành thị trường tín chỉ carbon là việc làm có ý nghĩa tiên quyết. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nước ta đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như Thủ tướng Chính phủ đã tái cam kết tại COP28”, TS. Hà Công Anh Bảo nhấn mạnh.

Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường mua bán carbon hoạt động hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường mua bán carbon hoạt động hiệu quả - Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, không ít ý kiến nhận định, để một thị trường carbon hoạt động hiệu quả thì các yếu tố của thị trường này phải được điều chỉnh bởi một hành lang pháp lý phù hợp và tương thích. Hiện các cơ quan chức năng đang gấp rút nghiên cứu hoàn thiện hệ thống quy định, chính sách, hạ tầng, nền tảng cho thị trường giao dịch tín chỉ carbon để tiến hành đưa thí điểm thị trường carbon vào năm 2025 và đưa vào vận hành chính thức vào năm 2028.

Đề xuất giải pháp để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, cần tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon; giao các trường đại học, học viện xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức, cung cấp các nghiệp vụ cơ bản về giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, sinh viên đại học và học sinh phổ thông; tập huấn thực hành ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch thị trường carbon.

Cùng với đó, nghiên cứu sâu sắc tác động của quy định thị trường carbon của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam khi quy định này được áp dụng từ tháng 1/2026, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

“Đồng thời, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, các chính sách hấp dẫn để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị ngành nông nghiệp trên cơ sở tham khảo bài học của các quốc gia EU, Hà Lan, Hoa Kỳ...”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Lâm Đồng: Doanh nghiệp đề xuất cây trồng có thể khai thác tín chỉ carbon

    Lâm Đồng: Doanh nghiệp đề xuất cây trồng có thể khai thác tín chỉ carbon

    09:20, 04/06/2024

  • Chứng chỉ carbon: Thách thức lớn với doanh nghiệp ngành gỗ

    Chứng chỉ carbon: Thách thức lớn với doanh nghiệp ngành gỗ

    09:29, 25/05/2024

  • HPLA: Liên kết phát triển nguồn tín chỉ carbon từ rừng

    HPLA: Liên kết phát triển nguồn tín chỉ carbon từ rừng

    16:54, 23/05/2024

  • Petrovietnam tăng cường các giải pháp tạo tín chỉ carbon

    Petrovietnam tăng cường các giải pháp tạo tín chỉ carbon

    17:07, 13/05/2024

  • Xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ carbon

    Xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ carbon

    12:46, 05/05/2024

YẾN NHUNG