Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Nên thành lập sàn kinh doanh
Trước bất cập của thị trường, góp ý Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, theo chuyên gia, nên thành lập sàn kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước...
>> Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Vẫn “nóng” vấn đề cân bằng lợi ích
Theo đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu và trình Chính phủ trong tháng 6/2024. Tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế các Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP), Bộ Công Thương đề xuất một số nội dung mới về cơ chế giá xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hệ thống kinh doanh xăng dầu...
Mục tiêu của Nghị định được xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu, xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.
Tuy nhiên, qua các đợt lấy ý kiến, các đề xuất tại Dự thảo Nghị định mới tiếp tục nhận về những ý kiến trái, trong đó, không ít ý kiến cho hay, nhiều nội dung của Dự thảo chưa giải quyết được bất cập hiện nay của thị trường, chưa đảm bảo tính cạnh tranh,…
Theo ông Phạm Ngọc Hùng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến vẫn mang tư duy quản lý theo kiểu bao cấp, lạc hậu. Điều này thấy rõ nhất qua việc các doanh nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ bị hạn chế chặt về số lượng nhà cung cấp, làm mất tính cạnh tranh và gây nguy cơ đứt gãy nguồn cung của thị trường.
Nhiều quy định khác như thương nhân phân phối phải có 5 cây xăng, cách tính giá, quỹ bình ổn giá xăng dầu... không phù hợp với hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Dự thảo cũng trao quyền quá lớn cho các doanh nghiệp đầu mối dễ dẫn đến một số doanh nghiệp siêu lớn độc quyền, thao túng làm méo mó thị trường.
>> Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Còn nỗi lo cho doanh nghiệp
Và để giải quyết những nguy cơ đã nêu, ông Hùng cho rằng, nên thành lập sàn kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
“Lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện khoảng 27 triệu tấn/năm, hoàn toàn đủ khả năng để lập sàn và lấy giá sàn này làm cơ sở tính giá thay vì phải lấy giá thị trường Singapore như hiện nay. Lấy giá sàn trong nước làm cơ sở cũng ngăn chặn được khả năng các đầu mối nhập khẩu trục lợi.
Việc lập sàn cũng tăng tính cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn với giá hợp lý hơn cũng như ngăn chặn được nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào thị trường cũng chủ động xây dựng hệ thống kho chứa, vận tải để đảm bảo năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, các doanh nghiệp phân phối sẽ giảm được áp lực phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh quá chặt như hiện nay”, ông Hùng bày tỏ.
Đồng quan điểm này, một số chuyên gia cũng cho hay, việc lập sàn kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế là biện pháp phù hợp để đảm bảo tính bền vững, lành mạnh cho thị trường xăng dầu. Bởi, chủ trương muốn loại bỏ các khâu trung gian như Bộ Công Thương từng khẳng định là tốt nhưng không thể thực hiện bằng cách gây khó cho các thương nhân như những quy định trong Dự thảo Nghị định, thay vào đó, giải pháp triệt để nhất để triệt tiêu trung gian là lập sàn kinh doanh xăng dầu…
Không chỉ có vậy, việc lập sàn cũng giúp Nhà nước theo dõi, kiểm soát được giá cả, chất lượng, các giao dịch và kiểm soát được thuế, đặc biệt, hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng trôi nổi không thể lên được sàn. Lúc đó, vấn đề chất lượng, giá bán thì người bán tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn Nhà nước chỉ cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch.
Được biết, nhìn nhận xoay quanh nội Dự thảo Nghị định trước đó, không ít ý kiến bày tỏ quan ngại khi Dự thảo này tiếp tục phân loại các doanh nghiệp (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và bán lẻ), đi kèm theo đó là địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ, lợi ích và chế độ đối xử quản lý khác nhau, trong đó, thương nhân đầu mối được xếp hạng cao nhất, được hưởng nhiều đặc quyền so với doanh nghiệp còn lại. Từ đó có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tình trạng độc quyền kinh doanh vẫn tiếp diễn, nguy cơ thao túng thị trường, hạn chế cạnh tranh (có doanh nghiệp lớn chiếm tới trên 50% thị phần hay một vài doanh nghiệp đầu mối thống lĩnh tới trên 80% nguồn cung xăng dầu).
Để đảm bảo tính cạnh tranh, các ý kiến đề xuất, vận hành thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết và quản lý của Nhà nước. Theo đó, nội dung Dự thảo Nghị định cần được xây dựng, sửa đổi theo các nhóm vấn đề như điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh xăng dầu: phải căn cứ vào năng lực thực sự của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tăng trưởng nóng về số lượng nhưng yếu về chất; ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong cấp phép,…
Có thể bạn quan tâm
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Vẫn “nóng” vấn đề cân bằng lợi ích
03:00, 25/05/2024
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Còn nỗi lo cho doanh nghiệp
04:00, 17/05/2024
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cần hướng đến mục tiêu ổn định thị trường
04:00, 16/05/2024
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về sử dụng công cụ phái sinh
04:00, 15/05/2024
Xây dựng Nghị định mới về xăng dầu: Cần duy trì động lực thị trường
13:38, 14/05/2024