Mặc dù hướng tới mục tiêu “hài hòa lợi ích” đem lại sự ổn định cho thị trường xăng dầu, thế nhưng, Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu vẫn để lại những lo ngại cho doanh nghiệp...
>> Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cần hướng đến mục tiêu ổn định thị trường
Theo đó, chia sẻ mới đây về Dự thảo, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã có nhiều lần sửa đổi, bổ sung, nên cần hợp nhất lại thành nghị định mới để doanh nghiệp, người dân, các cơ quan điều hành thuận lợi trong việc nghiên cứu và thực thi.
Dự thảo nghị định mới được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; đồng thời, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong Dự thảo Nghị định mới, 4 nội dung được cho sẽ giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế của thị trường xăng dầu hiện nay gồm: hệ thống, giá bán xăng dầu, Quỹ bình ổn xăng dầu và quyền của doanh nghiệp.
Theo đại diện của cơ quan soạn thảo, để tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá, Dự thảo Nghị định quy định: Nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá, nhưng công bố các yếu tố hình thành giá và để doanh nghiệp tự quyết định giá.
Vì vậy, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định tại nghị định để công bố giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trên thị trường. Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.
Trường hợp chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp tăng, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
>> Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về sử dụng công cụ phái sinh
Thế nhưng xoay quanh nội dung Dự thảo Nghị định, không ít ý kiến lo ngại, vấn đề được Dự thảo đề xuất còn đó những tồn tại, hạn chế, gây khó cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Nhìn nhận về nội dung Dự thảo Nghị định, bà Trần Thuỵ Thuỳ Trâm - Giám đốc Công ty TNHH Đoan Việt cho biết, thời gian qua, Đoan Việt cùng nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở TP. Hồ Chí Minh và cả nước nhiều lần gửi kiến nghị lên Quốc hội, Thủ tướng, liên Bộ Công Thương - Tài chính để nêu những bất cập, khó khăn, gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu năm 2022. Đồng thời, cũng góp ý để sửa đổi, bổ sung Nghị định mới cho phù hợp với tình hình kinh doanh theo cơ chế thị trường, không để gián đoạn nguồn cung.
Cụ thể, theo bà Trâm, hiện nay định mức kinh doanh nằm ở cơ sở tính giá từ phía đầu mối, nhưng về đến doanh nghiệp bán lẻ lại không có phần này.
“Chúng tôi đề nghị cần phân rõ định mức ở các khâu đầu mối, phân phối và bán lẻ. Trong đó chi phí cho doanh nghiệp bán lẻ phải đạt từ 6 - 7% và không thấp hơn 5% để doanh nghiệp bán lẻ duy trì được hoạt động kinh doanh”, bà Trâm kiến nghị.
Còn theo ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai, cơ quan quản lý cần xem lại thực tế kinh doanh của thị trường hiện nay. Tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các đầu mối là vấn đề cơ quan quản lý cần đặc biệt quan tâm. Việc để các doanh nghiệp đầu mối vừa được nhập khẩu, vừa phân phối kiêm luôn cả bán lẻ thì rất dễ “đánh bùn sang ao’’ hay chuyển giá.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát cho biết, từ hội nghị xây dựng Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP cho đến Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, dường như nội dung của các Nghị định đều được xây dựng dựa trên lợi ích của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Điều này dẫn đến những hệ lụy như doanh nghiệp bán lẻ bị chèn ép chiết khấu, bị chiếm dụng chi phí và lợi ích không được phân phối theo đúng quy định; khiến cho thị trường xăng dầu hỗn loạn, bất công và dễ đứt gãy cục bộ.
Nguyên nhân cơ bản nhất đó là quyền và lợi ích của các khâu (gồm đầu mối, phân phối và bán lẻ) chưa được phân phối phù hợp, công bằng; quyền và lợi ích chỉ tập trung ở một thành phần kinh tế là các doanh nghiệp đầu mối.
Do vậy, ông Thắng đề nghị, cho phép thương nhân đầu mối định giá bán buôn mức một; cho phép thương nhân phân phối định giá bán buôn mức hai và giá bán lẻ; cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quyết định giá bán lẻ.
“Còn trong trường hợp Nhà nước quy định giá bán lẻ, tôi đề nghị chi phí kinh doanh nội địa và lợi nhuận của cả 3 khâu là 3.000 đồng/lít - 5.000 đồng/lít và Nhà nước ban hành tỷ lệ phân chia 3 khâu cụ thể, rõ ràng, minh bạch bằng Thông tư bổ sung thay thế cho Thông tư 103/2021/TT-BTC về hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hoặc quy định cụ thể tại Nghị định mới”, ông Thắng bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cần hướng đến mục tiêu ổn định thị trường
04:00, 16/05/2024
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về sử dụng công cụ phái sinh
04:00, 15/05/2024
Xây dựng Nghị định mới về xăng dầu: Cần duy trì động lực thị trường
13:38, 14/05/2024
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về dự trữ lưu thông
03:30, 14/05/2024
Giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu "con dao hai lưỡi"
11:33, 09/05/2024