Cần thành lập sàn giao dịch xăng dầu và tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh
Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Vũ Vinh Phú đề nghị thành lập sàn giao dịch xăng dầu để tạo ra cạnh tranh hoàn hảo, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp bị o ép, phải “vuốt nước mắt mà kinh doanh”.
>>Muốn triệt tiêu trung gian phải lập sàn kinh doanh xăng dầu
- Thưa chuyên gia, có nhiều ý kiến cho rằng hoạt động hiện nay của thị trường xăng dầu còn nhiều bất cập. Vậy theo chuyên gia, để thị trường xăng dầu hoạt đông một cách minh bạch và hiệu quả thì chúng ta nên làm gì?
Để thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch nhất thì theo tôi nên thành lập sàn giao dịch. Việc này sẽ tạo ra một thị trường lành mạnh hoạt động giao dịch đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán, không ai ép ai cả, ở đâu rẻ và thuận tiện thì mua. Giá cả giao dịch bán buôn, bán lẻ do doanh nghiệp tự tính toán, lời ăn, lỗ chịu. Không còn theo kiểu xin cho, không còn áp chiết khấu, giá trần định mức, không có giá cơ sở. Đoạn tuyệt luôn với quỹ bình ổn bằng tiền của dân vì nó không hiệu quả mà còn bị lợi dụng để trục lợi.
Các nước trên thế giới họ cũng đang làm và Việt Nam ta cũng đã có các sàn giao dịch như cafe, gạo, chứng khoán, hàng hóa...rất hiệu quả mà lại chống thất thu thuế. Nhà nước cũng kiểm soát được giá cả và điều tiết được thị trường.
Việc này cũng triệt tiêu được các nhóm lợi ích thao túng thị trường xăng dầu như hiên nay. Loại bỏ cơ chế xin cho, thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển. Thành lập sàn giao dịch cũng giúp cơ quan quản lý được chất lượng hàng hoá, quản lý được hàng lậu, hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng trôi nổi của xăng dầu.
Chúng ta đang đề nghị quốc tế công nhận nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường. Nhưng muốn được công nhận, chính chúng ta phải tự làm chúng ta thành thị trường trước đã. Việc thành lập các sàn giao dịch cũng là một bước để thực sự xây dựng được nền kinh tế thị trường.
- Cơ quan quản lý cần làm gì để sàn giao dịch xăng dầu hoạt động minh bạch theo đúng định hướng Kinh tế thị trường?
Khi thành lập sàn thì cơ quan quản lý cần bỏ áp giá trần, giá sàn trong hoạt động giao dịch. Cứ để thị trường quyết định, giá cả công khai minh bạch kể cả giữa thị trường trong nước và quốc tế.
Về chất lượng, giá cả, giá bán, các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Giá cả họ tự quyết định dựa theo biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ của giá thế giới. Lúc đó người tiêu dùng sẽ có lợi nhất, đơn vị nào giá bán tốt nhất, thái độ phục vụ tốt phù hợp với người tiêu dùng thì sẽ được lựa chọn, còn ngược lại sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Họ tự biết phải tính toán lỗ lãi khi kinh doanh từng giọt xăng dầu của mình theo thị trường. Họ tự phải biết làm gì để khách hàng đến với họ. Họ phải thông minh hơn, từng bước trưởng thành hơn và không ỷ lại vào bao cấp. Từ đó thị trường cạnh tranh hoàn hảo sẽ ra đời. Trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến Quốc phòng, An ninh, thiên tai, địch họa hay thị trường có đột biến quá nóng, v.v. thì nhà nước mới cần can thiệp về giá.
Đặc biệt, cần quy trách nhiệm quản lý về duy nhất một bộ, chứ như hiện nay quá nhiều bộ, ngành dẫn đến chuyện “lắm cha con khó lấy chồng”. Theo tôi, chỉ cần giao cho một mình Bộ Công thương là đủ. Nhà nước không cần duyệt giá mua, giá bán, chiết khấu hay lợi nhuận định mức của doanh nghiệp nào cả mà để doanh nghiệp tự do cạnh tranh. Doanh nghiệp nào không đáp ứng được nhu cầu của thị trường sẽ bị tẩy chay, tự phải thay đổi hoặc phá sản. Thực tế đã cho thấy thị trường như gạo, viễn thông, v.v. quan trọng và khó như vậy mà khi chuyển sang cơ chế thị trường hoạt động tốt, người tiêu dùng được hưởng lợi rất nhiều
Tóm lại, Nhà nước chỉ cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch cùng với áp dụng khoa học công nghệ kiểm tra chất lượng hàng hoá, kiểm định các thiết bị đo. Nếu phát hiện sai phạm là phạt thật nặng hoặc rút giấy phép.
Ngoài ra, Nhà nước phải quản lý thật chặt, xử lý nghiệm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, xăng dầu ngoài biển, biên giới. Nếu để những nguồn này lọt vào sẽ rất tai hại cho thị trường và người tiêu dùng.
- Vậy khi thành lập sàn thì việc dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ phải thực hiện như thế nào, thưa chuyên gia?
Cái này theo tôi thì Nhà nước vẫn cần giữ vai trò chủ đạo rồi giao cho một đơn vị tự chủ. Khi đó, dự trữ xăng dầu quốc gia là một doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân, hạch toán minh bạch chứ như cách làm hiện nay dùng quỹ dự trữ bằng tiền của dân hiệu quả rất thấp. Kinh nghiệm một số nước cho thấy đơn vị này có thể hoạt động như một đơn vị kinh doanh khi giá thấp thì mua vào, giá cao bán ra, chứ không phải đổ đầy rồi khóa kho vào, xăng dầu cần phải được lưu thông.
Tuy nhiên đơn vị này phải là một đơn vị kinh doanh đặc biệt chứ không phải như đơn vị kinh doanh thông thường khác, bên cạnh việc kinh doanh vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính là đảm bảo con số dự trữ. Xăng dầu phục vụ cho những mục đích đặc biệt như an ninh – quốc phòng có thể được ưu tiên cung cấp từ kho dự trữ quốc gia theo Nhà nước quy định.
Lượng dự trữ cũng cần phải tăng lên. Theo tôi, ít nhất cũng phải đủ đáp ứng được từ 3 đến 6 tháng. Bộ Công Thương từng báo cáo ở Quốc hội là dự trữ đủ cho 7 ngày. Thế thì khi có sự cố như thiên tai, chiến tranh thì sao mà biến chuyển kịp.
Doanh nghiệp chỉ cần dự trữ theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp chứ không nên bắt doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu về kho chứa, dự trữ như quy định hiện nay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phân phối chỉ cần dự trữ đúng theo nhu cầu thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chứ không bắt buộc phải đảm bảo kho chứa, dự trữ như quy định hiện nay.
- Để sàn giao dịch xăng dầu hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững thì chúng ta nên làm gì, thưa chuyên gia?
Khi thành lập sàn thì tất cả doanh nghiệp kinh doanh đều phải giao dịch ở đó kể cả hai nhà máy lọc dầu trong nước cũng phải tham gia vào sàn để giao dịch chứ không có ngoại lệ. Khi tham gia vào sàn các doanh nghiệp cần cân đối để hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhất, chứ không thể trực chờ vào “bầu sữa” của nhà nước. Chỉ có tự chủ kinh doanh thì mới thay đổi để phát triển được, chứ không phải như hiện nay biết ngã là có người đỡ thì khó có thể phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa được.
Việc lập sàn rất quan trọng nhưng vấn đề là phải làm sao để sàn cỏ đủ sức hấp dẫn và hoạt động bền vững. Làm sao để người bán, kể cả doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia sàn. Quan trọng nhất là phải đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh. Mấy năm nay, nhiều doanh nghiệp phải “vuốt nước mắt mà kinh doanh”, bị o ép quá càng bán càng lỗ mà không bán thì bị lập biên bản, bị thu giấy phép, mà nhiều cái thu giấy phép rất vô lý. Tóm lại là phải cởi trói cho doanh nghiệp họ hả hê, vui vẻ mà kinh doanh.
Làm được như thế, thị trường sẽ tự điều chỉnh và từ đó tạo ra cạnh tranh hoàn hảo.
Ông Phạm Ngọc Hùng – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng nên thành lập sàn kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện khoảng 27 triệu tấn/năm, hoàn toàn đủ khả năng để lập sàn và lấy giá sàn này làm cơ sở tính giá thay vì phải lấy giá thị trường Singapore như hiện nay. Lấy giá sàn trong nước làm cơ sở cũng ngăn chặn được khả năng các đầu mối nhập khẩu trục lợi bằng cách “tay trái bán cho tay phải” ngay từ thị trường quốc tế. Việc lập sàn cũng tăng tính cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn với giá hợp lý hơn cũng như ngăn chặn được nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào thị trường cũng sẽ chủ động xây dựng hệ thống kho chứa, vận tải để đảm bảo năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, các doanh nghiệp phân phối sẽ giảm được áp lực phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh quá chặt như hiện nay. |
Có thể bạn quan tâm